Thai chết lưu là thuật ngữ y học chỉ thai nhi tử vong trong bụng mẹ, từ sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Thai chết lưu khác với sảy thai xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Thai chết lưu là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Thai lưu là thai chết trước thời điểm sinh, ngừng phát triển sau tuần thứ 20 của thai kỳ và trước thời điểm chuyển dạ và lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Quá trình đẻ của thai lưu cũng tương tự các ca bình thường nhưng thời gian chuyển dạ thường dài hơn và ra máu nhiều hơn.
Thai chết lưu được phân loại theo số tuần mang thai:
- Từ 20 – 27 tuần: thai chết lưu sớm
- Từ 28 – 36 tuần: thai chết lưu muộn
- Sau 37 tuần: thai chết lưu đủ tháng
Triệu chứng
Khi mẹ đang mang thai trên 20 tuần, nếu gặp những triệu chứng sau đây thì rất có thai đã chết lưu bên trong bụng mẹ:
- Tim thai bất thường, không còn nghe thấy tim thai khi siêu âm
- Tình trạng ốm nghén không còn, không còn thèm ăn như những tuần trước đó
- Xuất huyết âm đạo
- Bụng co cứng, cảm giác nặng nề
- Bầu vú không còn căng cứng, ngực tự động tiết sữa non
- Sốt cao, chóng mặt
- Cử động thai bất thường, không còn thấy thai máy
- Đau lưng dữ dội, bị chuột rút liên tục
- Vỡ nước ối dù chưa có dấu hiệu chuyển dạ
Khi có bất cứ dấu hiệu bất thường nào kể trên, mẹ cần đi khám ngay để được xử lý kịp thời.
Nguyên nhân
Tại sao thai chết lưu hay vì sao thai chết lưu là những câu hỏi được nhiều người thắc mắc. Việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này sẽ giúp ích không nhỏ trong việc dự phòng thai lưu.
Do biến chứng của nhau thai: Theo thống kê có khoảng một nửa số trường hợp thai lưu là do các bất thường của nhau thai, nhất là hiện tượng nhau thai tách ra khỏi tử cung hay còn được gọi là bóc tách nhau thai. Chúng ta đều biết nhau thai có vai trò quan trọng trong việc cung cấp máu, các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
- Khi nhau thai bị bóc tách sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, thậm chí có thể gây ra hiện tượng thai lưu. Hiện nay khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra những tác động cụ thể, chi tiết của biến chứng nhau thai tới hiện tượng thai lưu.
Các nguyên nhân khác:
- Chảy máu trước hoặc trong khi chuyển dạ.
- Bong nhau non: Đây là tình trạng bánh nhau bị bong ra khỏi tử cung trước khi trẻ chào đời. Dấu hiệu để nhận biết tình trạng này là mẹ bầu bị đau bụng kèm theo chảy máu.
- Tiền sản giật: Một trong những nguyên nhân thai chết lưu 3 tháng cuối là do yếu tố tiền sản giật. Đây là một trong những biến chứng thai kỳ nguy hiểm gây ra tình trạng cao huyết áp ở mẹ bầu.
- Các vấn đề về dây rốn: Trong quá trình mang thai dây rốn có thể sa vào tử cung trước khi mẹ bầu sinh con. Điều này sẽ ngăn chặn việc cung cấp oxy cho trẻ trước khi bé tự thở, thậm chí có thể gây thắt nút quanh cổ của bé dẫn tới tình trạng thai lưu.
- Ứ mật thai kỳ: Rối loạn ở gan có thể gây ra tình trạng ngứa dữ dội khi phụ nữ mang thai.
- Mẹ bầu có bệnh lý nền như tiểu đường hoặc tăng huyết áp.
- Trong thời gian mang bầu, người mẹ thường xuyên tiếp xúc với môi trường có tác nhân độc hại như thuốc trừ sâu hay Carbon Monoxide.
- Mẹ bầu bị nhiễm trùng khi mang thai hoặc trong gia đình có người từng bị huyết khối, thuyên tắc phổi hoặc viêm tắc tĩnh mạch.
Các bệnh lý nhiễm trùng: Một trong những nguyên nhân đến tình trạng trạng thai chết lưu trong tử cung là do mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Thống kê cho thấy nguyên nhân này chiếm 1/10 số lượng các trường hợp thai lưu. Các bệnh lý nhiễm trùng ở mẹ bầu có thể kể tên như sau:
- Cúm: Chuyên gia cho biết phụ nữ mang thai nên tiêm phòng cúm vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Rubella: Virus Rubella đặc biệt nguy hiểm với chị em đang ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Virus truyền từ mẹ sang con ở thời điểm này có thể gây dị tật ở thai nhi.
- Parvovirus B19: Đây là loại virus có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng phổ biến ở trẻ, hội chứng mang tên “má đỏ”.
- Virus coxsackie: Đây là loại virus gây ra bệnh lý chân tay miệng phổ biến ở trẻ nhỏ.
- Herpes simplex: Là virus gây ra tình trạng mụn rộp đường sinh dục và hiện tượng lở miệng.
- Sốt rét: Một loại bệnh gây ra từ ký sinh trùng Plasmodium, có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường muỗi đốt.
- Leptospirosis: Một bệnh nhiễm khuẩn được lây lan từ loài chuột.
Đối tượng nguy cơ
Mẹ bầu nào cũng có nguy cơ bị thai chết lưu trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu mẹ là một trong những đối tượng dưới đây thì nguy cơ bị bệnh sẽ cao hơn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị thai lưu gồm:
- Mang bầu quá sớm, dưới 15 tuổi hoặc quá muộn, trên 35 tuổi
- Mẹ bầu mang song thai hoặc đa thai
- Phụ nữ thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá trong khi mang thai
- Phụ nữ béo phì
- Phụ nữ đã có sẵn các bệnh nền trước khi mang bầu như bệnh động kinh, cao huyết áp, tiểu đường…
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể chẩn đoán thai lưu dựa vào các triệu chứng gặp ở thai phụ như:
- Với thai lưu ở giai đoạn sớm của thời kỳ thai nghén, thai phụ có biểu hiện ra máu âm đạo, máu sẫm màu, các triệu chứng thai nghén giảm đi, bụng không thấy to lên.
- Với thai lưu ở giai đoạn muộn, bà bầu có triệu chứng bụng nhỏ dần đi, ra máu đen âm đạo, không thấy thai đạp, ngực tiết sữa non.
- Nghe tim thai bằng dụng cụ Doppler cầm tay: không nghe thấy tim thai ở tuổi thai sau 8 tuần.
- Khó sờ nắn thấy các phần thai.
- Đo thấy tử cung bé hơn so với tuổi thai, đặc biệt nếu chiều cao tử cung giảm đi giữa hai lần đo.
Khám cận lâm sàng bằng siêu âm, xét nghiệm máu
- Siêu âm thai: là phương pháp hiệu quả cao, dễ thực hiện, nhanh chóng trong việc chẩn đoán tim thai xác định thai lưu. Nếu siêu âm không thấy hoạt động của tim thai, đầu thai méo mó, có hiện tượng chồng khớp sọ hay dấu hiệu hai vòng ở xương sọ do da đầu bị bong ra, hình ảnh túi ối không tương xứng với tuổi thai, bờ túi ối không đều, nước ối ít hay hết ối chứng tỏ thai lưu. Phương pháp xét nghiệm để biết thai lưu này cũng giúp xác định được xem thai mới chết hay chết đã lâu.
- Xét nghiệm HCG: khi nghi ngờ thai phụ mang thai lưu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu xác định thai lưu để đánh giá định lượng HCG. HCG (Human Chorionic Gonadotropin) là hormone điều hòa quá trình mang thai, được tiết ra từ hợp bào nuôi, có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của bào thai phát triển và trưởng thành; đồng thời kích thích tiết ra hormone sinh dục, hình thành giới tính của thai nhi. Nếu xét nghiệm HCG trong máu hoặc trong nước tiểu lần 2 thấp hơn so với lần đầu, không tăng tương xứng với tuổi thai thì có thể thai chết lưu, bị sảy hoặc mang thai ngoài tử cung.
- Định lượng Fibrinogen trong máu: được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của thai đến quá trình đông máu trước khi can thiệp lấy thai ra.
Xét nghiệm tìm nguyên nhân gây thai chết lưu: tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định các cặp vợ chồng thực hiện những xét nghiệm khác nhau.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng tránh và hạn chế tình trạng thai chết lưu chị em nên thực hiện các biện pháp để có được sức khỏe tốt nhất trước và trong thời kỳ có bầu, cụ thể như sau:
- Trước khi mang thai
Khi mong muốn có bầu, chị em nên chuẩn bị một cách tốt nhất tình trạng sức khỏe của bản thân. Việc cần làm là đi khám sức khỏe tổng quát để phát hiện sớm nhất những vấn đề có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thai kỳ.
Bên cạnh đó cần duy trì tốt nhất cân nặng của bản thân, điều trị đều các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp hay đái tháo đường. Chị em cũng không nên thực hiện thiên chức làm mẹ khi tuổi đã quá cao.
- Ở thời kỳ mang thai: Trong thời kỳ mang thai chị em cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo có được tình trạng sức khỏe tốt nhất và theo dõi sức khỏe định kỳ đều đặn.
- Mẹ bầu nên khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe người mẹ.
- Thời gian mang thai người mẹ cần chú ý bổ sung đều đặn các loại viên uống như sắt, canxi, acid folic theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
- Không sử dụng rượu bia hoặc các đồ uống có chứa chất kích thích trong suốt thời kỳ mang thai.
- Mẹ bầu cần biết đến các dấu hiệu tiền sản giật, nên đếm cử động thai để tự mình theo dõi hoạt động của thai nhi.
- Thời kỳ mang bầu chị em cũng cần duy trì mức cân nặng phù hợp.
- Khi có dấu hiệu bất thường nên tới các bệnh viện uy tín để được bác sĩ thăm khám và theo dõi.
Điều trị như thế nào?
Sau khi chẩn đoán thai chết lưu, bác sĩ sẽ thông báo cho mẹ bầu và người nhà để thảo luận về các lựa chọn chấm dứt thai kỳ. Có rất nhiều biến chứng mà người mẹ có thể gặp phải nếu thai nhi không được lấy ra khỏi tử cung như bị đông máu, nhiễm trùng, đau, sốt, nôn mửa, tiêu chảy và chảy máu nhiều nếu thai nhi vẫn còn trong cơ thể.
Các lựa chọn để sinh thai chết lưu:
- Nong và nạo, hút thai: Nếu đang ở trong ba tháng giữa thai kỳ, có thể chọn thực hiện nong và hút thai. Bác sĩ sẽ làm giãn hoặc mở cổ tử cung của mẹ, lỗ mở giữa ống âm đạo và tử cung, sau đó dùng lực hút nhẹ nhàng để loại bỏ mô thai ra khỏi tử cung.
- Kích thích chuyển dạ: Nếu thai chết lưu xảy ra vào cuối giai đoạn giữa hoặc trong ba tháng cuối thai kỳ, có thể chọn kích thích bằng thuốc. Bác sĩ sẽ làm vỡ nước ối để sinh thai chết lưu qua đường âm đạo.
- Chuyển dạ tự nhiên: Trong một số trường hợp, có thể đợi cho đến khi bắt đầu chuyển dạ tự nhiên. Hầu hết sẽ chuyển dạ trong vòng 2 tuần sau khi thai lưu.
- Sinh mổ: Sinh mổ cũng là một lựa chọn nhưng về nguyên tắc, bác sĩ sẽ cố gắng để người mẹ sinh thường, hiếm khi chọn cách mổ lấy thai trừ trường hợp đặc biệt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng sản phụ như thai quá to, mẹ bị suy tim nặng, có sẹo mổ trên tử cung nhiều lần.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.