Chấn thương sọ não có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, trong đó có rối loạn tâm thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau như rối loạn trí nhớ, giấc ngủ, đau đầu, động kinh, thay đổi tính tình, dễ cáu thậm chí trầm cảm, lo âu, loạn thần.
Chấn thương sọ não là tổn thương nguy hiểm
Rủi ro của bệnh chấn thương sọ não
Máu tụ nội sọ
Tùy theo vị trí khối máu tụ nội sọ sẽ có mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng đến các loại chức năng thần kinh khác nhau của não, bao gồm: nhận thức, vận động, cảm giác và ngôn ngữ.
Các khối máu tụ nội sọ có thể gây ra tình trạng gián đoạn lưu thông máu, tăng áp lực nội sọ, máu tràn vào não thất. Hậu quả cũng có thể là xuất huyết não và gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Chấn thương sọ não gây tình trạng máu tụ nội sọ
Phù não
Phù não khiến áp lực sọ não tăng lên, làm lưu lượng máu cung cấp cho não giảm đi. Khi lượng máu ngày càng giảm thì tình trạng sưng phù cũng chuyển biến nặng và ảnh hưởng diện rộng với thiếu máu cục bộ.
Hội chứng tăng áp lực nội sọ
Hội chứng tăng áp lực nội sọ là một trong những tiêu chí được Bác sỹ quan tâm và kiểm tra hàng đầu khi tiếp nhận một ca chấn thương sọ não. Mức áp lực nội sọ bình thường là <20mmHg, khi áp lực nội sọ tăng lên sẽ làm xuất hiện các triệu chứng điển hình như đau đầu, nôn mửa, phù gai thị.
Nếu mức áp lực nội sọ tăng quá nhanh thì các triệu chứng trên sẽ càng thể hiện rõ. Bệnh nhân nôn mửa liên tục, la hét và cơ thể co giật, động kinh. Với những triệu chứng nặng như vậy, Bác sĩ sẽ chỉ định mổ chấn thương sọ não khẩn cấp để tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân.
Thoát vị não
Trường hợp chấn thương sọ não nặng xuất phát từ nguyên nhân bị lực tác động mạnh, hậu quả làm một phần não bị đẩy lệch so với vị trí ban đầu (thoát vị não). Nếu thoát vị não ở các vị trí khe hoặc khoang vỏ não, có thể gây tổn thương đến một trong những khu thần kinh trung ương là hành thủy (nơi điều khiển tim mạch và hô hấp).
Thiếu máu não
Chấn thương sọ não với những lực tác động mạnh gây tổn thương, bầm giập các mô não dẫn đến triệu chứng sưng viêm, chảy máu não. Khối máu ứ đọng sẽ gây lưu thông máu đến não kém, dẫn đến tình trạng thiếu máu não.
Nếu để tình trạng thiếu máu não quá lâu, hậu quả là mô não sẽ bị hoại tử và gây nguy hiểm tính mạng người bệnh. Bác sĩ sẽ tìm cách can thiệp tăng hoặc đảm bảo lượng tưới máu não đầy đủ, giảm tỷ lệ chết mô não cho người bệnh.
Các hội chứng rối loạn tâm thần
Hội chứng rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não được chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn cấp tính: Rối loạn tâm thần ở giai đoạn cấp tính diễn ra ngay sau chấn thương sọ não và được chia thành 3 mức độ: nhẹ, vừa và nặng. Với cấp độ nhẹ, bệnh nhân sẽ mất ý thức từ vài giây đến vài giờ. Riêng cấp độ nặng, bệnh nhân sẽ mất ý thức lên đến vài ngày. Nếu tổn thương nặng hơn, bệnh nhân đi vào hôn mê sâu và tử vong ngay sau đó.
- Giai đoạn muộn: Rối loạn tâm thần muộn là di chứng diễn ra lâu hơn sau chấn thương sọ não, trung bình là sau 6 tháng. Các triệu chứng chủ quan dễ nhận biết là: đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, rối loạn chân tay,…
Các rối loạn tâm thần thường gặp và triệu chứng
Các rối loạn tâm thần thường gặp ở người bị chấn thương sọ não:
- Suy giảm chức năng nhận thức: Bệnh nhân thường không thể xử lý lượng thông tin nhiều và nhanh chóng như trước khi bị chấn thương. Bên cạnh đó, người đồng thời còn bị suy giảm các khả năng có liên quan đến chức năng điều hành như lập kế hoạch, sắp xếp công việc, tư duy, thích nghi với môi trường, đánh giá nhận diện vấn đề, kiểm soát xung động.
- Suy giảm khả năng tập trung và ghi nhớ: Bệnh nhân chấn thương sọ não thường khó duy trì sự tập trung trong khoảng thời gian dài để hoàn thành công việc, đồng thời cũng khó tiếp nhận, ghi nhớ các kiến thức mới. Khi duy trì được trí nhớ tức thì người bệnh cũng thường gặp vấn đề đối với trí nhớ trong khoảng thời gian gần và xa.
- Suy giảm thị lực: Trường hợp chấn thương sọ não nặng có thể khiến người bệnh mất khả năng tiếp nhận và tái hiện hình ảnh.
- Suy giảm chức năng ngôn ngữ: Bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm từ ngữ hoặc khó gọi tên được đồ vật (dấu hiệu của chứng thất ngôn, mất khả năng ngôn ngữ). Tuy nhiên, rối loạn ngôn ngữ có tỷ lệ hồi phục cao hơn so với việc suy giảm trí nhớ và những chức năng nhận thức khác.
- Sa sút trí tuệ: Chỉ gặp ở những bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, tuy nhiên số lượng tương đối ít. Thời gian phục hồi trí tuệ là khoảng 3 năm.
- Loạn thần: Tỷ lệ bệnh nhân bị loạn thần thứ phát sau chấn thương sọ não chiếm khoảng 4 – 9% tổng số ca, thời gian xuất hiện triệu chứng từ vài ngày hoặc có thể lên đến 20 năm sau chấn thương. Tuy nhiên, đa phần các triệu chứng loạn thần chỉ biểu hiện trong vòng 5 năm đầu, những bệnh nhân có biểu hiện loạn thần sớm cũng thường có tổn thương não lan tỏa với những triệu chứng và hoang tưởng nổi bật.
Triệu chứng loạn thần thường gặp:
- Trầm cảm: Bệnh nhân được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm khoảng một năm đầu sau chấn thương. Nếu bệnh nhân có biểu hiện phóng đại mức độ chấn thương và phối hợp điều trị phục hồi kém, thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm trầm cảm. Khoảng thời gian đầu sau chấn thương, biểu hiện trầm cảm có thể thấy là cảm giác mất mát, mất động lực, giải thể nhân cách. Về sau, bệnh nhân có thể thường xuyên rơi vào trạng thái trầm uất, kèm mệt mỏi, khó chịu, mất khả năng hứng thú, mất ngủ kéo dài.
- Hưng cảm: Thường gặp ở bệnh nhân bị chấn thương sọ não với vị trí tổn thương ở hệ viền hoặc vùng não bán cầu phải nối với hệ viền, teo vùng dưới vỏ não trước. Biểu hiện lâm sàng của chứng hưng cảm là dễ cáu gắt.
- Tự sát: Là một trong những dạng rối loạn cảm xúc liên quan đến mức độ gia tăng ý nghĩ tự sát, toan tự sát, hoặc tử vong do tự sát. Các trường hợp tự sát sau chấn thương sọ não ghi nhận các thay đổi về tính cách, nghiện rượu, khó khăn trong các mối quan hệ hoặc tương tác cá nhân. Chứng tự sát thường liên quan đến những tổn thương ở thuỳ trán hoặc thuỳ thái dương.
- Rối loạn lo âu: Thường gặp ở vị trí thương tổn bán cầu não phải.
- Rối loạn stress sau sang chấn: Bệnh nhân mắc chứng này sẽ lưu giữ những hình ảnh kinh hoàng về sự kiện đã gây ra tai nạn, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam và cũng cao hơn hẳn nhóm có rối loạn stress cấp.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: Liên quan đến suy giảm chức năng vỏ não ở trán – ổ mắt, là con đường dẫn truyền ở dưới vỏ thuỳ trán và chức năng điều hành.
- Hội chứng sau chấn động não: Hội chứng xuất hiện ở bệnh nhân chấn thương sọ não với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, choáng váng, đau ở các vị trí khác trên cơ thể, mệt mỏi, yếu cơ, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập trung và ghi nhớ, hoặc có thể mất trí nhớ, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng/tiếng ồn, ù tai, hay chán nản, dễ cáu gắt, lú lẫn, thay đổi hành vi cảm xúc, thiếu tự tin, giảm khả năng phản ứng, phán đoán, trầm cảm và lo âu. Ở trẻ nhỏ, những triệu chứng cấp diễn của chấn động não là bồn chồn, hay uể oải, lơ mơ, dễ cáu, quấy. Hội chứng thường khởi phát trong tháng đầu sau chấn thương sọ não và phục hồi sau khoảng 3 – 6 tháng, tuy nhiên, để phục hồi hoàn toàn phải mất đến 1 năm.
- Tính gây hấn: Là một trong những biến đổi nhân cách ở người bệnh sau chấn thương, làm ảnh hưởng đến khả năng hồi phục và gây khó khăn cho người thân khi chăm sóc; có thể xuất hiện dạng đơn lẻ hoặc trong bệnh cảnh rối loạn tâm thần khác, hoặc là biến đổi tính cách sẵn có. Tính gây hấn sau chấn thương sọ não thường liên quan đến khởi phát giai đoạn mới của chứng trầm cảm điển hình, suy giảm các chức năng xã hội, và tăng tính phụ thuộc trong sinh hoạt hàng ngày.
- Vô cảm, cảm xúc không ổn định: Với biểu hiện như bộc lộ cảm xúc thái quá, và thường không liên quan đến trầm cảm.
- Suy giảm chức năng tình dục: Suy tuyến sinh dục thoáng qua gặp ở phần lớn bệnh nhân sau chấn thương sọ não. Cùng với đó, yếu cơ và loãng xương do bất động trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng thụ tinh và chức năng tâm lý xã hội của người bệnh.
- Rối loạn giấc ngủ: Các dạng rối loạn thường gặp gồm mất ngủ hoặc ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức – ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn, giảm sản sinh melatonin khi chiều tối. Rối loạn giấc ngủ làm trầm trọng các triệu chứng khác như mệt mỏi, cáu gắt, đau, suy giảm nhận thức, do đó, thường ảnh hưởng đến quá trình phục hồi chức năng và khả năng quay lại công việc của người bệnh.
Các dạng rối loạn thường gặp gồm mất ngủ hoặc ngủ nhiều, rối loạn nhịp thức – ngủ, giảm chất lượng giấc ngủ hoặc ngủ chập chờn
Điều trị rối loạn tâm thần ở người bị chấn thương sọ não
Điều trị các rối loạn tâm thần ở bệnh nhân chấn thương sọ não chủ yếu là điều trị những triệu chứng và phục hồi các chức năng tâm thần.
- Điều trị triệu chứng suy nhược thần kinh: có thể sử dụng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm.
- Điều trị cơn động kinh chấn thương: sử dụng thuốc kháng động kinh.
- Phục hồi các chức năng: vật lý trị liệu, luyện tập thể thao, …
Kết luận
Chấn thương sọ não có thể để lại nhiều rối loạn tâm thần phức tạp và ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của người bệnh. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời các triệu chứng là rất quan trọng để giúp bệnh nhân phục hồi và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải các dấu hiệu rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế để được tư vấn và điều trị phù hợp. Sự quan tâm và hỗ trợ từ gia đình và bạn bè cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi. Hãy luôn nhớ rằng, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần là điều cần thiết để có một cuộc sống hạnh phúc và cân bằng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.