Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ảnh hưởng đến cổ họng và các phần của đường hô hấp trên như mũi, xoang cạnh mũi, đường mũi và hầu họng. Nguyên nhân của bệnh là do ngoại độc tố từ vi khuẩn bạch hầu tiết ra, tác động đến tim, thận và hệ thần kinh, gây ra nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao cho người bị bệnh. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bạch hầu qua bài viết dưới đây
Tổng quan chung
Bệnh bạch hầu (tên tiếng anh là Diphtheria) là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,…).
Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc tiết ra ngoại độc tố khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm giọng nói bị thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; trường hợp nặng người bệnh rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp gây biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi tiếp xúc với các vật dụng có dính chất bài tiết hoặc giọt bắn có chứa vi khuẩn bạch hầu. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 2 – 5 ngày hoặc hơn kể từ khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Ở nước ta, nhờ thực hiện tốt việc đưa vắc xin Bạch hầu vào chương trình Tiêm chủng mở rộng tiêm cho trẻ em nên tỷ lệ mắc bệnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, bệnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu thấp. Trẻ em < 5 tuổi, người lớn > 40 tuổi, người bị rối loạn miễn dịch, sống chung môi trường đông đúc, chật hẹp, không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đều là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.
Triệu chứng
Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là cảm lạnh thông thường.
Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Sưng các tuyến ở cổ
- Ho ông ổng
- Viêm họng, sưng họng
- Da xanh tái
- Chảy nước dãi
- Có cảm giác lo lắng, sợ hãi.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Thay đổi thị lực
- Nói lắp
- Các dấu hiệu sốc, ví dụ như da tái và lạnh, vã mồ hôi và tim đập nhanh
Nguyên nhân
Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu là vi khuẩn gram dương, hiếu khí Corynebacterium diphtheriae, tồn tại dưới 3 dạng gồm: Gravis, Mitis và Intermedius. Khi nhìn qua kính hiển vi có hình dáng thẳng hoặc cong nhẹ, không di động, không có vỏ, không sinh bào tử. Vi khuẩn bạch hầu phát triển tốt trong môi trường thông thoáng. Đặc biệt, chúng phát triển nhanh trong môi trường có máu và huyết thanh.
Khả năng sản sinh và tiết ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu là do nhiễm một loại virus mang gen mã hóa tạo độc tố mạnh. Chỉ những loại vi khuẩn có độc tố mới có thể gây bệnh nghiêm trọng. Ngược lại, loại vi khuẩn không tiết độc tố chỉ gây nhiễm trùng mũi họng nhẹ đến trung bình, không tạo giả mạc, đôi khi gây bệnh toàn thân như viêm khớp tự hoại, viêm nội tâm mạc,…
Vi khuẩn tiết ngoại độc tố, gây ức chế tổng hợp protein, từ đó hủy hoại mô tại chỗ tạo nên giả mạc dày và dai, màu trắng ngà hoặc trắng xám, bám chặt vùng mũi, họng, lưỡi, tuyến hạnh nhân và thanh quản. Ngoại độc tố hấp thu vào máu, sinh sôi và phát tán khắp cơ thể. Chính ngoại độc tố này gây nên những biến chứng nguy hiểm: Viêm cơ tim, viêm phổi, viêm dây thần kinh, tổn thương thần kinh, liệt cơ, tử vong đột ngột,…
Đối tượng nguy cơ
Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác, như:
- Trẻ em và người lớn chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
- Người đi du lịch đến vùng dịch tễ.
- Những người sống trong điều kiện đông đúc, mất vệ sinh.
- Trẻ em dưới 15 tuổi chưa có miễn dịch.
- Trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không dễ mắc bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng – 1 tuổi. Nếu không được tiêm vắc xin, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Những người suy giảm miễn dịch rất dễ mắc bệnh và có tỷ lệ tái nhiễm bệnh từ 2% – 5%.
Chẩn đoán
Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh bạch hầu, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Thông thường để chẩn đoán, các bác sĩ sử dụng phương pháp soi kính hiển vi. Các bác sĩ sẽ làm tiêu bản nhuộm Gram soi dưới kính hiển vi, trực khuẩn bắt màu Gram (+), hai đầu to, hoặc nhuộm Albert, trực khuẩn bắt màu xanh.
Ngoài ra, các bác sĩ còn có thể chẩn đoán bệnh dựa trên phương pháp phân lập vi khuẩn trong môi trường đặc hiệu. Nhưng nhược điểm của phương pháp này là chậm có kết quả.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh bạch hầu xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vắc-xin dự phòng. Năm 1923, vắc-xin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã thay đổi trên toàn thế giới.
Cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Hiện Vinmec đang cung cấp đa dạng các dịch vụ tiêm vắc-xin bạch hầu dành cho trẻ nhỏ và người lớn với 5 loại phối hợp, gồm:
- Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của GSK (Bỉ)
- Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim của Sanofi (Pháp)
- Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim của Sanofi (Pháp)
- Adacel 0,5 ml của hãng Sanofi – Pháp
- Tetraxim 0.5 ml của hãng Sanofi – Pháp
Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.
Điều trị như thế nào?
Bệnh bạch hầu hiện nay đã có thuốc điều trị. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển bệnh vẫn gây nguy hiểm tới tim, thận và hệ thần kinh bất cứ lúc nào, do đó, người bệnh cần thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị máy móc hiện đại để nhanh phục hồi và giảm thiểu được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Người bị bạch hầu sẽ được tiêm 1 loại giải độc tố đặc hiệu để chống lại độc tố của vi khuẩn, kết hợp với kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu. Những trường hợp quá nặng cần phải mở đường thở, hỗ trợ hô hấp, đặt máy tạo nhịp cho tim…
Trên đây là những chia sẻ về bạch hầu. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.