Viêm da cơ địa, hay còn gọi là chàm, eczema… là căn bệnh phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Để chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa, việc nhận biết các triệu chứng và khám lâm sàng là cực kỳ quan trọng. Hiểu rõ về các dấu hiệu như da khô, mẩn ngứa, và sự kích thích dễ xảy ra giúp xác định bệnh một cách chính xác, từ đó đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Triệu chứng của viêm da cơ địa
Triệu chứng bệnh viêm da cơ địa rất điển hình là da viêm đỏ, tróc vảy, chảy dịch, dày sừng, nứt nẻ, ngứa râm ran hay ngứa dữ dội. Triệu chứng bệnh khác nhau vào từng độ tuổi và giai đoạn bệnh.
- Ở trẻ sơ sinh (0-30 ngày đầu chào đời) và nhũ nhi (1-12 tháng tuổi): 2 bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ, bẹn, các kẽ da (nếp da) có ban đỏ, tróc vảy, nhiều mụn nước nhỏ vỡ ra chảy dịch gây viêm trợt. Vết loét đóng vảy, khô, có thể bị nhiễm vi khuẩn. Ở một số bệnh nhi còn có dấu hiệu đi kèm khác như: tiêu chảy, viêm tai giữa. Bệnh làm trẻ mất ngủ, quấy khóc.
Viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh
- Ở trẻ em (2-12 tuổi): da khô ráp, nứt nẻ, ngứa ở vùng da sau đầu gối, trên đầu gối, khuỷu tay, các nếp da (kẽ da),… Ở vùng da ngứa hình thành mảng lichen hóa dạng đĩa. Trẻ bị bệnh thường kèm với tình trạng đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng.
- Ở người trưởng thành: ở giai đoạn cấp tính, người bệnh xuất hiện nhiều ban đỏ, bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông, chảy dịch gây phù nề, vảy tiết. Vùng da tổn thương thấy ngứa, nóng rát và sưng đau. Da khô sần sùi kéo dài dai dẳng. Khi bệnh ở dạng mãn tính thì da tổn thương trở nên thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ, ngứa âm ỉ đến dữ dội.
Những ai dễ mắc bệnh viêm da cơ địa?
Viêm da cơ địa thường khởi phát trong thời kỳ sơ sinh và trước 5 tuổi, sau đó có thể kéo dài đến tuổi thiếu niên và trưởng thành. Khoảng 45% trẻ bị viêm da cơ địa trong 6 tháng tuổi, 60% trong năm đầu tiên và 85% trước 5 tuổi.
Ở một số người, viêm da cơ địa có thể khởi phát ở tuổi trưởng thành. Khoảng 15-30% trẻ em và 2-10% người lớn bị viêm da cơ địa.
Những người bị chàm, dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ bị viêm da cơ địa. Ngoài ra, nguy cơ cao hơn nếu trong gia đình có người bị viêm da cơ địa.
Yếu tố nguy cơ gây viêm da cơ địa:
- Cơ địa hay bị dị ứng
- Tiếp xúc thường xuyên với xà phòng, chất tẩy rửa
- Dị ứng thời tiết
- Dị ứng thực phẩm
- Nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch
- Rối loạn nội tiết
- Căng thẳng thần kinh.
Chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa
Chẩn đoán viêm da cơ địa chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiền sử gia đình.
- Ngứa khu vực bị viêm
- Viêm da mạn tính và tái phát nhiều lần
- Hình thái và vị trí tổn thương điển hình: Ở trẻ em, chàm khu trú ở mặt, vùng duỗi; ở trẻ lớn và người lớn, da dày sừng, lichen ở vùng nếp gấp.
- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình đã từng điều trị viêm da cơ địa dị ứng, hen, viêm mũi dị ứng.
- Các triệu chứng lâm sàng khác như: Khô da, viêm môi, viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát nhiều lần, màu sắc trên mặt đỏ hoặc tái, bị dị ứng.
Biện pháp phòng ngừa viêm da cơ địa
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh viêm da cơ địa, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bệnh khởi phát bằng những cách sau:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ và thường xuyên, đặc biệt sau khi đổ nhiều mồ hôi.
- Bôi kem dưỡng ẩm cho da sau khi tắm để tránh khô da.
- Hạn chế tắm nước nóng để tránh kích thích da, gây ngứa và viêm.
- Sử dụng cố định loại nước hoa, mỹ phẩm, xà phòng tắm gội dịu nhẹ, phù hợp với da.
- Bạn phải đọc kỹ thành phần để tránh gây kích ứng cho da.
- Hạn chế ăn hải sản, uống rượu bia, không hút thuốc lá,… có thể kích thích dị ứng, gây ngứa ngáy.
Hải sản làm tăng nguy cơ bị dị ứng, ngứa ngáy
- Không tự ý mua thuốc chống dị ứng, cần uống theo toa của bác sĩ.
- Mặc áo thoáng mát, vải mềm, mỏng trong thời tiết nóng.
- Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu hơn về bệnh viêm da cơ địa. Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.