Thương hàn là bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn thương hàn gây ra, bệnh có thể lây nhiễm thành dịch lớn và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách. Biểu hiện của bệnh như thế nào? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Yếu tố nguy cơ gây ra bệnh thương hàn
Tác nhân gây bệnh thương hàn là do Trực khuẩn thương hàn (Salmonella typhi) và phó Thương hàn (Salmonella paratyphi A, B).
- Bệnh thương hàn thường xảy ra ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt là ở những nơi mà có tình hình vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà tiêu, hệ thống thoát nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
- Ăn phải thực phẩm, uống nước bị nhiễm khuẩn không được nấu chín. Đây là yếu tố nguy cơ có thể gây thành dịch lớn.
- Tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn,…cũng dễ bị lây nhiễm.
Những đối tượng dễ phơi nhiễm với vi khuẩn thương hàn gồm có:
- Người đi du lịch ở vùng đang có dịch lưu hành
- Người làm trong phòng xét nghiệm
- Người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân thương hàn (ví dụ: người trong cùng gia đình, nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân thương hàn…)
- Người lành mang trùng mạn tính
Trực khuẩn thương hàn là tác nhân gây bệnh thương hàn
Các giai đoạn bệnh thương hàn
Ở thể điển hình, bệnh thương hàn sẽ có diễn biến gồm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh
- Giai đoạn khởi phát
- Giai đoạn toàn phát
- Giai đoạn lui bệnh
Biểu hiện thương hàn qua từng giai đoạn
- Thời kỳ ủ bệnh: Dao động 3-21 ngày (trung bình từ 7-14 ngày) và thường không có triệu chứng gì đặc biệt. Khi trực khuẩn thương hàn xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa sẽ được đưa đến dạ dày rồi xuống ruột và cuối cùng là vào máu. Trong giai đoạn này, số lượng vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt dần khi qua mỗi đoạn đường và đến máu bạch huyết sẽ khu trú ở đây để phát triển và sinh sản mà gây nên bệnh.
- Thời kỳ khởi phát: Thường diễn biến từ từ với các biểu hiện:
- Sốt tăng dần từng ngày, thường tăng về buổi chiều trong 5-7 ngày đầu của bệnh.
- Nhức đầu kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau cơ các chi, mất ngủ.
- Đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón
- Chảy máu cam, thường chỉ gặp ở trẻ em.
- Ho khan, đau bụng, tức ngực ít gặp hơn.
Thương hàn gây đau bụng
- Thời kỳ toàn phát: từ tuần thứ 2 và kéo dài 2 – 3 tuần.
- Sốt là triệu chứng quan trọng nhất, sốt cao liên tục 39 – 400C kèm theo nhức đầu và mệt mỏi.
- Rét run từng cơn và đổ mồ hôi chỉ gặp 1/3 trường hợp.
- Mạch nhiệt phân ly: ngày nay rất hiếm gặp.
- Dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng: môi khô, má đỏ, lưỡi bẩn, hơi thở hôi; bệnh nhân không tỉnh táo rồi dần chuyển thành hôn mê.
- Đi ngoài phân lỏng (5-6 lần/ngày), mùi khẳn
- Trướng bụng, đầy hơi, đau nhẹ lan khắp bụng
- Gan to, lách to gặp 30 – 50% các trường hợp.
- Lưỡi có màu trắng bẩn, cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ (dấu hiệu lưỡi quay)
- Loét vòm hầu họng.
- Hồng ban: gặp 30% số trường hợp, xuất hiện vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 của bệnh, đường kính 2-4mm; vị trí thường gặp ở bụng, ngực, hông; và mất sau 2-3 ngày.
- Khám tim, phổi: thấy các dấu hiệu suy tim, viêm phổi
- Thời kỳ lui bệnh:
- Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ chuyển sang thời kỳ lui bệnh vào tuần thứ 3 – 4. Bệnh nhân sẽ hạ sốt, các triệu chứng từ từ thuyên giảm và dần phục hồi.
Thương hàn ở trẻ dưới 5 tuổi thường không điển hình, hay gặp tiêu chảy, nôn mửa, ít khi táo bón, sốt cao gây co giật toàn thân.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi, bệnh cảnh thương hàn rất nặng, có tỷ lệ tử vong và biến chứng cao. Ngoài ra, ở bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch như: dị dạng đường mật, tiểu đường, sốt rét,… cũng thường có bệnh cảnh nặng.
Hy vọng bài viết này giúp bạn hiểu hơn về bệnh thương hàn. Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.