Sinh non (đẻ non) là một trong những tình trạng nghiêm trọng trong sản khoa. Sinh non gây tác động rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé. Em bé sinh non thường có nguy cơ mắc các bệnh như khiếm thính, khiếm thị, bại não, khuyết tật cao hơn so với các bé đẻ đủ tháng. Bé sinh non có tuần tuổi càng ít thì càng tăng nguy cơ mắc bệnh. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai hãy nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách phòng tránh sinh non để bảo vệ cho cả mẹ và bé.
Sinh non là gì và lý do sinh non
Sinh non là tình trạng chuyển dạ ba tuần trước ngày dự sinh của em bé. Nói cách khác, sinh non là một trường hợp xảy ra trước khi bắt đầu tuần thứ 37 của thai kỳ.
Trẻ sinh non, đặc biệt là những trẻ sinh ra rất sớm, thường có các vấn đề y tế phức tạp. Thông thường, các biến chứng của sinh non khác nhau. Những em bé được sinh ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng càng cao.
Thời gian sinh non được phân loại như sau:
- Sinh cực non: dưới 28 tuần thai kỳ
- Sinh rất non: từ 28 đến 32 tuần thai kỳ
- Sinh non vừa đến muộn: từ 32 đến 37 tuần thai kỳ.
Trẻ sinh non có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ sinh đủ tháng
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh non
Nguy cơ từ mẹ:
- Mẹ có bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh lý tự miễn …
- Các bệnh lý xuất hiện trong thời gian mang thai như: tiền sản giật, nhiễm trùng tiểu, viêm cổ tử cung, viêm ruột thừa, viêm nha chu…
- Ra huyết âm đạo trong thời gian mang thai
- Suy dinh dưỡng trước mang thai (BMI < 18,6)
- Tuổi mẹ dưới 17 hoặc trên 35
- Hút thuốc lá, uống rượu bia
- Bất thường tử cung: dị dạng tử cung bẩm sinh, u xơ tử cung, tử cung có sẹo mổ cũ …
- Cổ tử cung ngắn, hở eo tử cung
- Sinh non ở thai kỳ trước
Nguy cơ từ thai
- Đa thai
- Đa ối
- Thai thụ tinh ống nghiệm (IVF)
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung
- Thai dị tật bẩm sinh
- Nhau tiền đạo, nhau cài răng lược
- Ối vỡ non, nhiễm trùng ối
Các dấu hiệu sinh non và dọa sinh non
Các dấu hiệu sinh non
- Co thắt tử cung: Những cơn co thắt tử cung làm mẹ đau đớn hoặc lặp đi lặp lại có thể là dấu hiệu sinh non.
- Vỡ ối: Chuyện vỡ ối có thể khác nhau với từng người, có người thì nước tuôn ào ào, có người chỉ rò rỉ, nhỏ giọt.
- Chuột rút: Hiện tượng chuột rút khi mang thai như khi hành kinh có thể là dấu hiệu chuyển dạ.
- Đau thắt lưng hoặc đau bụng: Mẹ cảm thấy đau ở phần lưng dưới hoặc đau bụng dưới như sắp đến tháng.
- Nặng nề ở vùng bụng dưới: Mẹ có cảm giác cái thai trong bụng đang di chuyển xuống phía dưới, làm gia tăng áp lực lên vùng khung chậu.
- Tiết dịch âm đạo: Khi thấy âm đạo tiết ra dịch lỏng, máu hay chất nhầy, có thể mẹ sẽ bị sinh non.
- Buồn nôn, tiêu chảy.
Các dấu hiệu dọa sinh non – Nguy cơ sinh non
Một vài dấu hiệu dọa sinh non mẹ có thể phát hiện sớm kể từ khi thai được 32 tuần trở đi để có sự chăm sóc và theo dõi từ bác sĩ:
- Đau bụng từng cơn, cảm giác căng và nặng bụng dưới, đồng thời kèm theo cơn đau lưng.
- Ra dịch âm đạo có màu hồng và nhầy.
- Tử cung co thắt liên tục, tần suất 2 đến 3 lần mỗi phút.
- Cổ tử cung bắt đầu mở trên 2cm.
- Hình thành đầu ối và có dấu hiệu vỡ ối.
Nếu mẹ nhận thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời và đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Hậu quả của việc sinh non trên trẻ sơ sinh
Rất nhiều em phát triển bình thường và khỏe mạnh nhưng nhiều em không được may mắn như thế. Mặc dù được chăm sóc đặc biệt nhưng trẻ sinh non có nguy cơ chịu hậu quả về sức khỏe suốt đời như:
- Bại não
- Thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển thần kinh
- Bệnh phổi mãn tính
- Mù lòa
- Câm điếc
Khoảng 50% các ca khuyết tật về thần kinh ở trẻ em là liên quan đến sinh non.
Các em bé bị sinh non còn có nguy cơ nhiễm Virus hợp bào hô hấp (RSV) rất lớn, đó là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm đường hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, và là một bênh rất dễ lây. Đối với trẻ sinh non, RSV có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Dự phòng sinh non bằng cách nào?
Những tuần cuối thai kỳ là thời điểm thai phụ cần đặc biệt chú ý bởi thai nhi lúc này đang dần hoàn thiện những bước phát triển để chuẩn bị cho quá trình chào đời. Ngoài nâng cao nhận thức về sinh non, bà mẹ cũng nên quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe trước khi mang thai – 1 trong những cách giúp cho thai kỳ khỏe mạnh cũng như phòng tránh biến chứng khi mang thai. Dưới đây là những biện pháp dự phòng ngăn ngừa sinh non:
- Khám và sàng lọc tiền hôn nhân cho tất cả các cặp vợ chồng để sớm phát hiện ra các yếu tố nguy cơ.
- Khám và điều trị các bệnh về răng miệng, bệnh đường tiết niệu, nếu có trước và trong khi mang thai.
- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm âm đạo và điều trị.
- Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung từ tuần 16 đến 22 của thai kỳ.
- Khám thai định kỳ đúng hẹn để phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp dự phòng các trường hợp nguy cơ sinh non.
- Có nhiều phương pháp dự phòng sinh non: khâu vòng cổ tử cung, đặt vòng nâng cổ tử cung, đặt progesterone âm đạo..
- Tiêm thuốc trưởng thành phổi thai nhi cho các trường hợp mang thai có nguy cơ sinh non khi có chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc cắt cơn gò tử cung khi có chỉ định
- Dù là thai kỳ sau hỗ trợ sinh sản hay tự nhiên nên giảm thiểu thai khi có nhiều hơn 2 thai trong buồng tử cung.
Cách phòng ngừa bị dọa sinh non
Hi vọng những thông tin trên giúp phần nào các mẹ có thể hiểu hơn về sinh non và dự phòng sinh non.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.