Không phải bệnh nhân chấn thương sọ não (CTSN) nào cũng cần phục hồi chức năng. Với các trường hợp bị chấn thương sọ não nhẹ, sau một thời gian nghỉ ngơi và kiểm soát đau tốt, bệnh nhân có thể hoàn toàn hồi phục mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Số bệnh nhân này chiếm tỷ lệ rất ít, còn lại đa số bệnh nhân cần tham gia phục hồi chức năng để cải thiện chức năng vận động, nhận thức, ngôn ngữ và các rối loạn khác với mục tiêu nhằm đưa bệnh nhân về cuộc sống với mức độ độc lập nhất có thể.
Thực trạng chấn thương sọ não nặng hiện nay
Ước tính, mỗi năm tình trạng chấn thương sọ não ảnh hưởng đến khoảng 69 triệu người trên thế giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Chấn thương sọ não có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Thời gian phục hồi sau chấn thương sọ não có thể trong vòng vài ngày (với tình trạng chấn thương nhẹ) hoặc tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí gây tử vong (với tình trạng chấn thương nặng).
Biến chứng của bệnh
Não là bộ phận quan trọng bậc nhất trong cơ thể với hơn 86 tỷ tế bào thần kinh, kiểm soát hầu hết các hoạt động của cơ thể gồm: xử lý, tích hợp và điều phối thông tin từ các cơ quan. Dựa trên thông tin nhận được, não sẽ đưa ra các quyết định với cách thức thực hiện phù hợp cho các bộ phận còn lại trong cơ thể. Về cấu tạo, não được bảo vệ bởi hộp xương sọ, nằm trong dịch não tủy và ngăn cách với dòng màu bởi hàng rào máu não.
Sọ não dễ bị tổn thương, dù là một va đập nhẹ. Chấn thương sọ não sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương có nhiệm vụ điều khiển nhận thức và thể chất của cơ thể. Do đó, tùy theo vùng não bị tổn thương sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm liên quan, bao gồm:
Biến chứng chấn thương sọ não
- Mất hoặc giảm khả năng vận động: Não chịu trách nhiệm đưa ra các thông tin, kiểm soát vận động thông qua các tín hiệu được truyền qua các nơron vận động đến dây thần kinh. Khi não bị tổn thương sẽ gây cản trở các tín hiệu điều khiển cơ thể. Các biến chứng có thể gặp là không cử động được mắt, miệng và mặt, không phối hợp được chân tay hay nguy hiểm hơn là tàn tật vĩnh viễn.
- Mất hoặc suy giảm cảm giác: Não cũng là bộ phận tiếp nhận thông tin từ các giác quan của cơ thể như thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác. Khi các tế bào não tại hệ thống thần kinh cảm giác bị chấn thương sẽ có biến chứng về giác quan. Cụ thể, một số bệnh nhân bị chấn thương sọ não cảm nhận việc mất vị giác, khứu giác,… hay tệ hơn là mất thị giác, mù lòa vĩnh viễn.
- Khả năng ngôn ngữ bị ảnh hưởng: Não đóng góp rất lớn vào chức năng ngôn ngữ của cơ thể. Trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp chấn thương sọ não gây ra biến chứng ảnh hưởng đến khả năng nói, diễn đạt ngôn ngữ của người bệnh.
- Nhận thức kém: Bộ não chịu trách nhiệm về nhận thức và điều hành khả năng lọc – xử lý – lưu trữ thông tin vào bộ nhớ để lên kế hoạch, phân tích và giải quyết vấn đề. Vì thế, một trong những biến chứng nặng do chấn thương sọ não gây ra là khiến người bệnh trở nên nhận thức kém, không suy nghĩ được hoặc tệ nhất là trí não không duy trì hoạt động tốt.
Nguyên tắc phục hồi chức năng
Nguyên tắc đầu tiên, cũng là quan trọng nhất khi thực hiện phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não là cần phải can thiệp càng sớm càng tốt, ngay cả khi bệnh nhân vẫn đang được hồi sức tích cực để hạn chế tối đa thương tật thứ cấp có thể xảy ra do bất động lâu trên giường.
Ngoài ra, cần đảm bảo các chương trình phục hồi chức năng được thực hiện toàn diện, đủ các chức năng vận động lẫn liệu pháp thức, hành vi, ngôn ngữ, cảm giác, giác quan.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia phục hồi chức năng với bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân là rất quan trọng để đảm bảo việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.
Các phương pháp phục hồi chức năng cho người sau khi bị chấn thương sọ não
- Chương trình phục hồi chức năng trong giai đoạn cấp
Giai đoạn cấp được đề cập đến ở đây là bệnh nhân bị chấn thương sọ não đã được hồi sức tích cực, tình trạng huyết động, áp lực nội sọ và các dấu hiệu sinh tồn khác đều ổn định.
Phục hồi chức năng trong giai đoạn này sẽ giúp hạn chế các thương tật thứ cấp và cải thiện các chức năng vận động và nhận thức nhanh hơn.
Phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não
Phương pháp phục hồi chức năng ở giai đoạn này gồm:
- Tập vận động thụ động theo tầm vận động của khớp.
- Hướng dẫn bệnh nhân tự xoay trở hoặc thay đổi tư thế.
- Trường hợp huyết động, tri giác và chức năng vận động cho phép, nên cho bệnh nhân ngồi dậy, chuyển sang ghế tựa cạnh giường, tập đứng và đi càng sớm càng tốt.
- Hướng dẫn cho bệnh nhân về các bài tập thở và tập ho nhằm phòng ngừa các biến chứng liên quan đến hệ hô hấp.
- Chương trình phục hồi chức năng trong giai đoạn hồi phục
Cần tập trung và tăng cường các biện pháp phục hồi chức năng trong giai đoạn này của người bệnh bằng cách thực hiện các phương pháp sau:
- Hướng dẫn, đồng thời hỗ trợ người bệnh thực hiện các bài tập vận động chức năng trên giường và cạnh giường.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ di chuyển cho bệnh nhân như xe lăn, khung tập đi, nạng, gậy…
- Kiểm soát trương lực cơ, khả năng thăng bằng và phối hợp động tác, chỉnh dáng đi cho bệnh nhân.
- Trường hợp bệnh nhân bị biến dạng co rút chỉ, cần sử dụng đến các dụng cụ chỉnh hình như nẹp cổ bàn tay, nẹp AFO.
- Ngoài vận động trị liệu, cũng cần chú trọng đến ngôn ngữ trị liệu bằng cách tăng cường tiếp xúc và nói chuyện với bệnh nhân
- Chương trình phục hồi chức năng trong giai đoạn tái hòa nhập cộng đồng
Trong giai đoạn này, mục tiêu phục hồi chức năng là cần giúp bệnh nhân đạt được mức độ độc lập chức năng tối đa để có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách nhanh chóng nhất.
Các khía cạnh cần tập trung phục hồi chức năng ở giai đoạn này bao gồm:
- Hướng dẫn người nhà bệnh nhân hỗ trợ tập luyện các bài tập vận động trị liệu tại nhà.
- Hỗ trợ tâm lý cho cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
- Tạo điều kiện cho bệnh nhân có thể trở lại công việc cũ hoặc tìm kiếm một nghề mới phù hợp với tình trạng chức năng hiện tại.
Nếu việc phục hồi chức năng sau chấn thương sọ não diễn ra đúng quy trình theo từng giai đoạn, tuân theo sự hướng dẫn và giám sát của các chuyên gia y tế thì quá trình hồi phục của bệnh nhân sẽ diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.