Xơ gan là một căn bệnh thầm lặng nhưng lại rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Xơ gan trải qua 2 giai đoạn chính là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Chúng ta cùng tìm hiểu về xơ gan còn bù dưới bài viết này nhé.
Tổng quan chung
Xơ gan còn bù là gì?
Xơ gan còn bù hay còn được gọi là xơ gan có thể đảo ngược. Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh xơ gan, các mô gan có thể phục hồi và tái tạo lại bình thường. Trái ngược với xơ gan còn bù, xơ gan mất bù có tổn thương nghiêm trọng hơn, không thể tái tạo và không thể đảo ngược.
Tình trạng xơ gan còn bù thường gặp ở người bị viêm gan cấp – mãn tính. Người bệnh đã được can thiệp điều trị, các tổn thương đã được kiểm soát, quá trình xơ hóa đã bị ngừng lại để mô gan có thể tái tạo và phục hồi.
Triệu chứng xơ gan còn bù
Do là giai đoạn đầu nên các triệu chứng xơ gan còn bù hầu như còn chưa rõ rệt, khó có thể nhận biết hoặc dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy các bất thường như:
- Chán ăn, ăn không ngon
- Mệt mỏi, không tỉnh táo
- Ngứa ngáy, bầm tím ngoài da
- Phù nhẹ ở chân
- Thỉnh thoảng có cảm giác tức vùng hạ sườn phải
- Nước tiểu có màu vàng đậm hơn
- Có thể có chảy máu cam không rõ nguyên do
- Suy giảm khả năng tình dục, kinh nguyệt không đều
- Nổi mao mạch hình sao ở lưng, ngực, cổ, bụng
Xơ gan mất bù hoặc còn bù đều có thể dẫn đến ung thư gan nếu không xử lý đúng cách. Thêm vào đó bệnh xơ gan chỉ có thể được chữa khỏi hoàn toàn khi ở giai đoạn đầu. Vì vậy, người bệnh nên thăm khám bác sĩ ngay khi phát hiện các bất thường trên.
Nguyên nhân mắc xơ gan còn bù
Nguyên nhân xơ gan còn bù cũng tương tự như các nguyên nhân xơ gan nói chung, bao gồm các bệnh lý và tình trạng có thể làm tổn thương nhu mô gan, suy giảm chức năng gan:
- Lạm dụng rượu lượng nhiều và trong thời gian dài.
- Viêm gan siêu vi mãn tính (viêm gan B, C và D).
- Có lượng nhiều chất béo tích tụ trong gan (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu).
- Có sự tích tụ sắt trong cơ thể (hemochromatosis).
- Có sự tích tụ đồng trong cơ thể (bệnh Wilson).
- Bệnh xơ nang đa tạng.
- Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin.
- Rối loạn di truyền chuyển hóa đường (bệnh lưu trữ galactosemia hoặc glycogen).
- Rối loạn tiêu hóa di truyền (hội chứng Alagille).
- Bệnh gan do hệ thống miễn dịch của cơ thể (viêm gan tự miễn).
- Thiểu sản ống mật.
- Phá hủy các ống dẫn mật (xơ gan mật nguyên phát).
- Cứng và sẹo trên các ống mật (viêm đường mật xơ cứng tiên phát).
- Nhiễm trùng, như giang mai hoặc brucellosis.
- Sử dụng các loại thuốc, như methotrexate hoặc isoniazid.
Ngoài ra, một người sẽ tăng nguy cơ bị xơ gan nếu có một hay nhiều trong các yếu tố rủi ro như sau:
- Uống quá nhiều rượu: Tiêu thụ rượu quá mức là một yếu tố nguy cơ cho bệnh xơ gan.
- Thừa cân: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý có thể dẫn đến xơ gan, chẳng hạn như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Bị viêm gan siêu vi: Không phải ai bị viêm gan mạn tính cũng sẽ bị xơ gan, nhưng đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh gan.
Đối tượng nguy cơ mắc xơ gan còn bù
Một số đối tượng dễ mắc bệnh xơ gan còn bù như:
- Trong gia đình có tiền sử bị mắc các bệnh lý về gan.
- Người có nền là viêm gan B, viêm gan virus C.
- Người nghiện rượu, bia, thuốc lá.
- Người có bệnh nền là gan nhiễm mỡ.
Chẩn đoán xơ gan còn bù
Một số phương pháp được áp dụng để chẩn đoán bệnh xơ gan sau những bất thường của gan như:
- Xét nghiệm hóa sinh gan để chẩn đoán xơ gan còn bù: Tiến hành các xét nghiệm hóa sinh về gan sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán được tình hình sức khỏe của gan cũng như biết được người bệnh có mắc các bệnh về gan hay bệnh xơ gan không.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Thực hiện xét nghiệm này để thấy được những bất thường có trong nước tiểu và máu. Từ đó sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp.
- Siêu âm để chẩn đoán xơ gan còn bù: Để nhận biết sự thay đổi kích thước của gan, cũng như các bất thường của nhu mô gan thô. Đây là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất để xác định bệnh nhân có mắc bệnh hay không.
- Soi ổ bụng và sinh thiết gan: Người bệnh được thực hiện phương pháp này để xác định tiến triển của quá trình xơ gan. Từ đó bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.
Phòng ngừa bệnh xơ gan còn bù
Việc phòng ngừa xơ gan còn bù cần dựa vào việc thay đổi lối sống, kiểm soát các bệnh nền cũng như tuân thủ theo điều trị từ bác sĩ. Để bệnh không tiến triển nặng hơn, người bệnh cần lưu ý một số điều quan trọng như:
- Kiêng hoàn toàn chuyện sử dụng bia rượu hay đồ uống có cồn.
- Quản lý cân nặng; giảm cân nếu đang thừa cân/ béo phì.
- Cân nhắc việc dùng thuốc để tránh làm nhiễm độc gan do thuốc.
- Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid.
- Kiểm soát điều trị đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
- Điều trị căn nguyên của bệnh gan.
- Xây dựng chế độ ăn uống giàu rau xanh và trái cây; giảm lượng chất báo và các nguồn protein nạc.
- Tiêm chủng đầy đủ để hạn chế nguy cơ tổn thương gan cấp tính do virus.
- Tầm soát ung thư biểu mô tế bào gan.
Điều trị xơ gan còn bù như thế nào?
Điều trị nội khoa
- Tình trạng xơ gan còn bù ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ cân nhắc tư vấn bệnh nhân điều trị nội khoa bằng các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc chống co giật, thuốc giảm cholesterol…
- Nếu bệnh nhân có tiền sử bị viêm gan cấp – mãn tính, nhiễm virus viêm gan…bác sĩ sẽ tiến hành điều trị nguyên nhân bằng các loại dược phẩm, điều chỉnh lối sống để hỗ trợ quá trình điều trị xơ gan có hiệu quả.
Thay đổi lối sống khoa học
Người bị xơ gan còn bù cần chủ động thay đổi lối sống khoa học để hỗ trợ điều trị bệnh được hiệu quả. Một vài nguyên tắc thay đổi lối sống để hỗ trợ điều trị xơ gan còn bù bạn có thể áp dụng như:
- Hạn chế hoặc không uống rượu bia, chất kích thích để tránh làm tổn thương, đẩy mạnh quá trình xơ hóa gan còn bù thành xơ gan mất bù.
- Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, có nguồn gốc từ thực vật để giảm áp lực khi gan thực hiện chức năng của nó. Bạn nên ưu tiên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, protein được cung cấp từ thịt nạc, đồng thời nên hạn chế tiêu thụ chất béo và các loại thực phẩm chiên rán.
- Duy trì cân nặng hợp lý vì thừa cân, béo phì có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh lý.
Hi vọng với những chia sẻ ở bài viết trên giúp các bạn hiểu cụ thể hơn về xơ gan còn bù, nguyên nhân và triệu chứng của bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.