Bệnh sốt bại liệt là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều di chứng cho bệnh nhân. Bài viết này sẽ cho quý độc giả kiến thức tổng quan nhất về sốt bại liệt như: Triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị và phòng tránh bệnh như thế nào?
Tổng quan chung
Sốt bại liệt là gì?
Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hoá do vi rút Polio (Poliovirus) gây nên, có thể lan truyền thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp (Acute Flaccid Paralysis: AFP). Vi rút Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi rút Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.
Triệu chứng bệnh sốt bại liệt
Bệnh sốt bại liệt thường không có hoặc có rất ít triệu chứng. Trẻ em khi mắc bệnh thường bị sốt nhẹ, nhức đầu, nôn ói kéo dài trong vài ngày rồi sau đó hồi phục hoàn toàn.
Một số trẻ có hội chứng viêm màng não với biểu hiện sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, cứng cổ, cứng lưng, có khi bị co giật cơ,… Đôi khi bệnh diễn biến nặng chỉ sau vài giờ, dẫn tới liệt 2 chân. Thông thường, bệnh sẽ gây liệt chân và nửa thân dưới. Nếu tổn thương lan tới thân não thì sẽ gây khó nuốt, khó thở, dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh sốt bại liệt
Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh bại liệt là do virus polio. Đây là virus có hình khối cầu, không có vỏ đồng thời có chứa ARN. Polio hiện tại có 3 typ bao gồm:
- Typ I: Giữ vai trò chính trong việc gây ra căn bệnh bại liệt (chiếm tới 90%) và được gọi với tên Brunhilde.
- Typ II: Được gọi với tên là Lansing
- Typ III: có tên gọi là Leon
Chuyên gia nhận định virus bại liệt có thể sống dai ở những môi trường bên ngoài. Chúng có thể sống được nhiều tháng trong phân ở điều kiện nhiệt độ từ 0 – 40 độ C. Ở môi trường nước chúng có thể sống được 2 tuần trong điều kiện nhiệt độ thường. Virus bại liệt có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560 độ C sau thời gian nửa giờ đồng hồ và chỉ bị tiêu diệt bởi thuốc tím.
Về cơ chế xâm nhập, virus có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua đường tiêu hóa. Tiếp sau đó di chuyển tới các hạch bạch huyết, tại đây một lượng nhỏ virus sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở tế bào thần kinh vận động của vỏ não, tế bào sừng trước tủy sống và gây ra hội chứng liệt mềm trên lâm sàng.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh sốt bại liệt
Phụ nữ có thai, người lớn tuổi, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng có nguy cơ cao nhất bị nhiễm bệnh bại liệt.
Tỷ lệ mắc bại liệt cao nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, tỷ lệ này càng thấp ở những tuổi càng lớn hơn. Tuy nhiên, trong những vụ dịch gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi trên 15 tuổi tăng lên rõ rệt.
Lý do khiến bại liệt hay thấy ở trẻ dưới 3 tuổi là do sự lưu hành rộng rãi của virus Polio. Một phần lớn trẻ đang bú mẹ vẫn còn miễn dịch do mẹ truyền sang nên nếu có nhiễm virus thì dấu hiệu bại liệt ở trẻ cũng không rõ rệt và ít để lại di chứng.
Chẩn đoán sốt bại liệt
Bệnh bại liệt được chẩn đoán thông qua các biểu hiện lâm sàng bao gồm: Khó khăn khi nuốt, thở, phản xạ bất thường, cứng cổ và lưng. Ngoài ra việc chẩn đoán căn bệnh cần dựa vào tiền sử tiêm chủng, xét nghiệm phân lập chính xác virus bại liệt trong thời gian 14 ngày kể từ thời điểm mắc bệnh.
Ngoài ra trước khi chẩn đoán nghi ngờ mắc bại liệt cần khai thác và loại trừ các nguyên nhân khác do:
- Bị liệt do chấn thương.
- Liệt do tình trạng viêm dây thần kinh.
- Liệt do bị hội chứng Guillain Barré.
- Triệu chứng liệt do nhiễm virus ECHO và Coxsackie
Phòng ngừa bệnh sốt bại liệt
Để phòng chủ động phòng chống bệnh sốt bại liệt, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau:
- Phòng bệnh chủ động cho trẻ dưới 5 tuổi bằng uống vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
- Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em cũng phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
- Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh sốt bại liệt
Bệnh bại liệt là bệnh lây nhiễm do vi rút nên hiện chưa có các biện pháp điều trị đặc hiệu. Điều trị bệnh bài liệt là điều trị nâng đỡ và điều trị triệu chứng:
- Bất động hoàn toàn.
- Tăng cường và nâng cao thể trạng bằng sinh tố và dịch truyền.
- Hỗ trợ hô hấp, nếu có dấu hiệu của liệt tủy.
- Phục hồi chức năng và khắc phục di chứng, cải thiện sức mạnh và phục hồi thể lực.
Bệnh sốt bại liệt là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều di chứng nghiêm trọng. Hiện nay, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này, nhưng việc phòng ngừa là hoàn toàn khả thi thông qua tiêm vắc-xin. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bạn nên tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ và tiêm phòng đầy đủ. Nếu phát hiện các triệu chứng như sốt, đau đầu, cứng cổ hay liệt mềm cấp, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám và điều trị kịp thời. Bảo vệ sức khỏe không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là hành động vì cộng đồng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.