Buồn ngủ nhưng không ngủ được là một một dạng rối loạn giấc ngủ khá phổ biến hiện nay. Tình trạng này nếu bị kéo dài trong một thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thần kinh, công việc và chất lượng cuộc sống. Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để có những hướng khắc phục phù hợp.
Buồn ngủ nhưng không ngủ được gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và đời sống
Buồn ngủ nhưng không ngủ được có nguy hiểm không?
Đa phần, hiện tượng buồn ngủ nhưng không ngủ được thường khá phổ biến ở người trưởng thành do mệt mỏi quá độ, áp lực từ công việc, đời sống và các mối quan hệ xã hội. Buồn ngủ nhưng không ngủ được kéo dài, không được cải thiện có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính, tạo tiền đề cho nhiều bệnh lý khác xuất hiện và gây hại cho sức khỏe toàn thân như:
- Bệnh tim mạch: Tình trạng tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ, và rối loạn nhịp tim được phát hiện phổ biến ở những người bị rối loạn giấc ngủ.
- Bệnh đái tháo đường: Mệt mỏi, không ngủ ngon và đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Vì vậy việc tối ưu thời lượng và chất lượng giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường.
- Trầm cảm: Mối liên hệ giữa giấc ngủ và chứng trầm cảm rất phức tạp. Trầm cảm có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng khó ngủ. Ngược lại, những rối loạn giấc ngủ cũng chính là tác nhân thúc đẩy các triệu chứng trầm cảm.
Nguyên nhân buồn ngủ nhưng không ngủ được
Buồn ngủ nhưng không thể ngủ được có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do yếu tố tinh thần hoặc do các tác nhân bên ngoài. Cụ thể hơn:
Hội chứng giấc ngủ đến muộn (DSPS)
Hội chứng giấc ngủ đến muộn (DSPS) là một dạng rối loạn giấc ngủ liên quan đến đồng hồ sinh học. Điều này xảy ra khi giờ ngủ của bạn trễ hơn 2 giờ so với mô hình giấc ngủ thông thường. DSPS khiến bạn đi ngủ muộn hơn và thức dậy muộn hơn.
Những người mắc hội chứng giấc ngủ đến muộn thường sẽ gặp khó khăn về việc ngủ gật, cảm thấy buồn ngủ nhưng lại không ngủ được. Thông thường thì những người này sẽ đi ngủ rất muộn. Theo thống kê từ Stanford Health Care, đa phần thanh thiếu niên và thanh niên thường mắc hội chứng này, chiếm khoảng 7-16% người bệnh.
DSPS khiến bạn đi ngủ muộn hơn và thức dậy muộn hơn
Cơ thể mệt mỏi và căng thẳng quá mức
Áp lực từ công việc, cuộc sống hay các mối quan hệ xã hội rất dễ khiến bạn bị rơi vào trạng thái mệt mỏi và căng thẳng. Điều này có thể làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và thể chất, thậm chí có khả năng khiến não bộ tỉnh táo và không ngủ được. Được biết, những người có trạng thái tâm lý lo lắng, áp lực liên tục đều sẽ gặp phải tình trạng này.
Theo các chuyên gia chuyên nghiên cứu lĩnh vực mất ngủ cho hay, các triệu chứng căng thẳng, thần kinh mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng mất ngủ kinh niên. Những triệu chứng này có thể dần trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được quan tâm và khắc phục kịp thời.
Không ngủ được do tác động thói quen xấu trước giờ ngủ
Tại sao nằm mãi không ngủ được? Nếu thỉnh thoảng gặp phải tình trạng này, có thể bạn đang có những thói quen xấu. Sau đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó ngủ mặc dù cơ thể thấy buồn ngủ.
- Thói quen sử dụng các chất kích thích: Việc uống cà phê, rượu hoặc bia sẽ gây kích thích thần kinh trung ương, gia tăng cảm giác hưng phấn. Từ đó giấc ngủ của bạn sẽ bị cản trở, ban ngày mệt mỏi nhưng đêm về thường rất tỉnh táo, khó ngủ.
- Thói quen xấu trước lúc ngủ: Tình trạng sử dụng các thiết bị máy tính, điện thoại hoặc ăn quá no là thói quen trước khi ngủ của rất nhiều bạn trẻ ngày nay. Đây chính là nguyên do khiến bạn thường không ngủ được, trằn trọc khó vào giấc.
Ngủ trưa quá nhiều ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối
Khi bị khó ngủ vào ban đêm, không ít bạn lo lắng không biết buồn ngủ nhưng không ngủ được là do đâu? Hãy xem lại thói quen sinh hoạt của mình, bởi vì đôi khi việc ngủ trưa quá nhiều (hơn 2 tiếng) cũng có thể gây ra tình trạng khó ngủ vào buổi tối.
Một giấc ngủ trưa ngắn khoảng 15 – 20 phút có thể giúp cân bằng não bộ, cải thiện năng suất làm việc. Tuy nhiên, ngủ trưa quá lâu sẽ khiến tinh thần bạn mệt mỏi, mất ngủ, dễ thức giấc và không ngon giấc vào ban đêm.
: Nên ngủ trưa bao lâu để đạt hiệu quả tốt nhất?
Trầm cảm dẫn đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ
Bên cạnh chứng rối loạn lo âu, trầm cảm cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạn không ngủ được. Về cơ bản, trầm cảm có thể dẫn đến rối loạn nhịp sinh học, từ đó khiến bạn uể oải nhưng lại không ngủ được.
Theo báo cáo vào năm 2019, 90% số người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm gặp các vấn đề với chất lượng giấc ngủ của họ. Những vấn đề này bao gồm: mất ngủ, rối loạn nhịp thở khi ngủ và hội chứng chân không yên…
Khi bạn mất ngủ, kèm theo các triệu chứng như tâm trạng chán nản, buồn phiền, trống rỗng hoặc ăn uống không ngon miệng, suy nghĩ tiêu cực,… kéo dài trên 2 tuần, bạn cần gặp chuyên gia tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ.
Không ngủ được do ảnh hưởng của chế độ ăn kiêng
Chế độ ăn uống và giấc ngủ có liên quan mật thiết với nhau. Một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu đã xem xét chế độ ăn kiêng và buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Họ phát hiện ra việc thay thế 5% lượng calo mỗi ngày của một người từ protein bằng một lượng tương đương chất béo bão hòa hoặc carbohydrate sẽ làm tăng nguy cơ gây buồn ngủ vào ban ngày.
Mặt khác, thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa, protein hoặc carbohydrate sẽ làm giảm nguy cơ buồn ngủ ban ngày. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp ích cho những người mắc rối loạn giấc ngủ.
Cách khắc phục buồn ngủ nhưng không ngủ được
Bạn có thể áp dụng một số thói quen và cách khắc phục sau để có thể dễ ngủ hơn và tránh tình trạng buồn ngủ nhưng không ngủ được.
Điều chỉnh tư thế ngủ
Không ngủ được phải làm sao? Điều chỉnh tư thế ngủ cho đúng sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng khó ngủ, cụ thể như sau:
- Nằm ngửa: Đây là tư thế nằm được các bác sĩ khuyến cáo nên áp dụng. Tư thế này giúp cho phần đầu, cổ và cột sống được nghỉ ngơi ở tư thế trung lập, từ đó giúp đem lại một giấc ngủ ngon.
- Nằm nghiêng: Đây là tư thế được khá nhiều người áp dụng, thống kê có đến 41% người lớn ngủ theo tư thế này. Tư thế này chỉ tốt với phụ nữ mang thai vì nó giúp tăng lưu thông máu, tuy nhiên lại không tốt cho người bình thường vì sẽ dễ gây cản trở hô hấp, đau lưng và đau khớp khi ngủ dậy.
- Nằm sấp: Tư thế này khiến cột sống không ở vị trí trung lập, từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến lưng và cổ. Ngoài ra, nằm sấp còn khiến cơ bắp và các khớp chịu áp lực lớn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, tê liệt.
Giảm tình trạng căng thẳng, lo lắng
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân chính khiến bạn bị trì hoãn giấc ngủ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền chánh niệm trước khi ngủ có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.
Ngoài thiền, có thể áp dụng bất cứ điều gì giúp bạn giảm căng thẳng như: viết nhật ký, đốt nến thơm, tập yoga,… đều có thể giúp bạn dễ ngủ hơn. Ngoài ra, nếu bạn buồn ngủ nhưng không ngủ được, có thể thử nghiệm liệu pháp âm thanh. Ví dụ bạn có thể thử ứng dụng tạo tiếng ồn trắng, nghe âm thanh tự nhiên (tiếng nước suối chảy, tiếng mưa,…).
Thay đổi thói quen xấu trước khi đi ngủ
Nhiều người thường có thói quen xem tivi, máy tính và điện thoại để giải trí hay để kiểm tra mạng xã hội trước khi đi ngủ. Điều này không tốt cho giấc ngủ của chúng ta. Vì vậy hãy ngưng sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là điện thoại trước khi đi ngủ. Ngoài ra, hình thành thói quen đi ngủ khoa học, đúng giờ để đồng hồ sinh học của bạn hoạt động đều đặn ngay cả khi vào cuối tuần sẽ giúp bạn khắc phục được tình trạng buồn ngủ mà không ngủ được hiệu quả.
Không ngủ được có thể xảy ra bởi nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài và cả bên trong cơ thể. Việc phát hiện sớm nguyên nhân và các nguy cơ hình thành tình trạng này sẽ giúp bạn có thể cải thiện giấc ngủ cũng như đảm bảo sức khỏe thể chất tốt hơn.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Ngủ ngáy là bệnh gì? Cách khắc phục
- Mất ngủ là gì? Mẹo chữa mất ngủ dân gian
- Ngủ trưa có tốt không? Lợi ích của việc ngủ trưa
- Cách cải thiện chu kỳ giấc ngủ
- Cách dễ ngủ đơn giản và hiệu quả
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.