Viêm tụy mạn là một bệnh lý mạn tính của tuyến tụy, gây ra do sự viêm nhiễm kéo dài, dẫn đến xơ hóa và suy giảm chức năng của tuyến tụy. Bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nắm vững kiến thức về triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị viêm tụy mạn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm và quản lý bệnh hiệu quả. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Tổng quan chung
Viêm tụy mạn tính là gì? Viêm tụy mạn tính là bệnh lý do viêm kéo dài dẫn đến sự xơ hóa từ từ của nhu mô tụy. Các tuyến tụy không còn khả năng tạo enzyme tiêu hóa. Tình trạng này dẫn tới sự mất khả năng tiêu hóa và hấp thụ chất béo (gọi là suy tụy ngoại tiết). Đồng thời xơ hóa lâu ngày của nhu mô tụy dẫn tới suy giảm sản xuất hormone insulin (suy tụy nội tiết). Khi đó, người bệnh sẽ bị suy giảm hoặc mất chức năng tụy.
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm tụy mạn tính
- Đau bụng trên, thường xảy ra sau ăn, có thể lan ra sau lưng
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Ói mửa
- Giảm cân
- Phân có mỡ
- Vàng da
- Viêm tụy thường có cơn đau bắt đầu từ từ hoặc đột ngột ở vùng bụng trên
Nguyên nhân
Những nguyên nhân dẫn đến viêm tụy mạn gồm:
Nhóm chuyển hóa gây độc
- Nghiện rượu, bia: Nghiện rượu là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây viêm tụy. Lạm dụng rượu sẽ gây tổn thương những tế bào tụy, gây xơ hóa dẫn tới viêm tụy mạn. Đây là nguyên nhân chủ yếu chiếm tới 70% số trường hợp bị viêm tụy mạn.
- Thuốc lá: là yếu tố tăng nguy cơ tới viêm tụy mạn , đặc biệt là ở người uống rượu nhiều
- Tăng mỡ máu (Triglyceride): tăng mỡ máu nhiều và lâu dài là nguyên nhân gây viêm tụy cấp và viêm tụy mạn
Nhóm viêm tụy cấp tái phát và viêm tụy cấp nặng
- 10% viêm tụy cấp sau này chuyển thành viêm tụy mạn tính.
Nhóm nguyên nhân do gen
- Do đột biến gen, như đột biến gen PRSS1 gây viêm tụy mạn di truyền. Những đột biến gen khác gây đặc biệt là khi thiếu hụt α1 antitrypsin trong bệnh xơ hóa tụy dạng nang.
Do nguyên nhân tự miễn
- Cơ thể người bệnh sinh ra kháng thể tự chống lại tế bào tụy của mình.
Viêm tụy do tắc nghẽn
- Sỏi tụy: Người bệnh sỏi tủy có nguy cơ cao bị viêm tụy mạn nếu không có biện pháp can thiệp sớm và kịp thời.
- Những u trong ống tụy
Một số trường hợp khác mắc viêm tụy mạn không rõ căn nguyên hay viêm tụy mạn tự phát, là do sử dụng thuốc, tiếp xúc một số hóa chất, tổn thương do tai nạn giao thông hay chấn thương ở bụng, các bệnh lý di truyền, một số thủ thuật ngoại khoa, bệnh lý nhiễm trùng.
Bệnh viêm tụy mạn không lây nhiễm. Thể viêm tuỵ này thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Bệnh xảy ra ở lứa tuổi 30 tới 40.
Đối tượng nguy cơ
Tỷ lệ mắc viêm tụy mạn trên thế giới không đồng đều, dao động từ 5 đến 12 trường hợp trên 100.000 dân, thậm chí lên đến 50/100.000 dân ở một số khu vực.
Tại các quốc gia nhiệt đới, tỷ lệ mắc bệnh biến động lớn, từ 20 đến 125/100.000 dân. Riêng ở Mỹ, thống kê cho thấy nguyên nhân hàng đầu gây viêm tụy mạn là do lạm dụng rượu bia, chiếm đến 50% các trường hợp. Viêm tụy mạn vô căn, không rõ nguyên nhân, xếp ở vị trí thứ hai, chiếm 10-30% và thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Ngược lại, nam giới lại có tỷ lệ cao hơn nữ giới trong các trường hợp viêm tụy mạn do rượu.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Người có tiền sử lạm dụng rượu bia.
- Người có sỏi mật.
- Người mắc các bệnh tự miễn.
- Người có người thân bị viêm tụy mạn tính.
- Người béo phì
- Người hút thuốc lá
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng
- Triệu chứng thường gặp là đau bụng vùng thượng vị lan ra sau lưng. Cơn đau với nhiều mức độ. Triệu chứng này thường tăng lên khi ăn.
- Rối loạn tiêu hóa: Phân lỏng xuất hiện váng mỡ với lượng nhiều.
- Suy dinh dưỡng: Người bệnh bị sút cân nhanh. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị phù chi, tràn dịch các màng do hội chứng kém hấp thu.
- Đái tháo đường: Xảy ra khi tụy bị xơ hóa hơn 85%.
- Tụy khi viêm có dấu hiệu xâm lấn đè đẩy vào những tạng lân cận dẫn tới những triệu chứng như nôn và buồn nôn, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và vàng da tắc mật.
- Khám bụng: Bác sĩ có thể sờ thấy khối u ở trên rốn. Khối u có thể do xuất hiện nang giả tụy và tụy to.
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Tiến hành thăm dò chức năng của tụy ngoại tiết bị rối loạn. Một vài trường hợp mắc cả rối loạn chức năng nội tiết.
- Những xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng ngoại tiết của tụy bao gồm:
- Kiểm tra kích thích tiết secretin (secretin cholecystokinin test).
- Kiểm tra hơi thở C13 (cholesteryl(C13) octanoate breath test).
- Xét nghiệm elastase trong phân (faecal elastase test).
- Xét nghiệm máu: Kết quả giúp bác sĩ đánh giá tình trạng dinh dưỡng; protein huyết thanh thường giảm, nhất là albumin huyết thanh.
- Xét nghiệm khảo sát sự dò enzyme ra máu do mô tụy bị viêm gây ra, xem xét khả năng sản xuất được enzyme. Khi tụy bị xơ hóa nhiều, amylase và lipase không tăng. Xét nghiệm: xuất hiện rối loạn mỡ máu, ảnh hưởng tới đường huyết.
- Xét nghiệm phân: Kết quả giúp bác sĩ đánh giá mức độ nhầy mỡ của phân.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang
- Siêu âm hay CT scan, MRI.
Phòng ngừa bệnh
- Với những biến chứng nguy hiểm do viêm tụy mạn, bác sĩ khuyến cáo mọi người không nên lạm dụng rượu, bia, không hút thuốc lá. Các trường hợp mắc viêm tụy mạn cần kiêng rượu, bia tuyệt đối. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát các những cơn viêm tụy.
- Điều trị kịp thời viêm tụy cấp tránh để tái phát nhiều lần.
- Hạn chế tối đa việc bổ sung chất béo từ mỡ động vật. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để dùng trong ngày. Thêm vào đó, bạn nên chọn các loại thức ăn dễ tiêu, hàng ngày cần bổ sung nhiều rau, trái cây và uống đủ nước cần thiết.
- Điều trị tăng triglycerid nếu có.
Điều trị như thế nào
Điều trị nội khoa
- Việc điều chỉnh chế độ ăn uống là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình điều trị. Người bệnh cần hạn chế chất béo, tránh xa rượu bia và các chất kích thích như caffeine. Bệnh nhân nên chia nhỏ các bữa ăn và lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa.
- Các chế phẩm enzyme tụy được sử dụng để cải thiện tình trạng đi ngoài phân mỡ, thường được dùng trước và trong bữa ăn. Đồng thời, các loại thuốc kháng axit như natri bicarbonat, ranitidin hoặc omeprazol có thể giúp giảm tình trạng phân mỡ do axit dạ dày làm bất hoạt enzyme lipase. Trong một số trường hợp, thuốc giảm đau hoặc insulin cũng được sử dụng để kiểm soát triệu chứng và điều trị bệnh tiểu đường đi kèm.
Điều trị ngoại khoa bằng phẫu thuật và nội soi
- Phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ tắc nghẽn ống tụy, dẫn lưu các nang giả tụy, hoặc trong những trường hợp nặng, cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tụy. Can thiệp nội soi bao gồm các thủ thuật như đặt lưới qua nội soi để xử lý tình trạng rò tụy, tán sỏi và lấy sỏi nội soi, hoặc phong bế đám rối thần kinh để giảm đau mạn tính.
Kết luận
Viêm tụy mạn là một bệnh lý phức tạp và nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ người bệnh và các chuyên gia y tế. Việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia và các chất kích thích, cùng với việc tuân thủ các chỉ dẫn điều trị của bác sĩ là những yếu tố quan trọng giúp quản lý bệnh hiệu quả. Ngoài ra, người bệnh cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng.
Trong quá trình điều trị, người bệnh nên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia y tế để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn kịp thời. Sự hiểu biết và kiên trì trong việc điều trị sẽ giúp người bệnh có thể kiểm soát bệnh viêm tụy mạn tốt hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.