Bệnh trĩ là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người, đặc biệt là những người làm việc văn phòng ít vận động. Theo Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, bệnh trĩ chiếm tới 35% – 50% các bệnh thuộc về đại trực tràng. Nhiều người đi khám trễ vì xấu hổ khiến bệnh biến chứng nặng. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh trĩ, nguyên nhân và triệu chứng cần biết.
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (Hemorrhoids) là tình trạng các tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị giãn ra.
Bệnh trĩ chia làm hai loại chính:
- Trĩ nội: Các tĩnh mạch cuối trực tràng giãn ra tạo thành búi trĩ nổi trên niêm mạc – phần ranh giới của hậu môn và trực tràng. Trĩ nội nằm sâu bên trong trực tràng, không thể sờ thấy hoặc nhìn thấy được. Khi trĩ phát triển, người bệnh có thể thấy búi trĩ lòi ra khi đi tiêu.
- Trĩ ngoại: Búi trĩ hình thành ngay dưới lớp da hậu môn, dễ nhìn và sờ thấy. Trĩ ngoại dễ cọ sát với quần áo, ghế ngồi gây đau đớn.
Triệu chứng của bệnh trĩ
Trĩ nội: người bệnh thấy dịch nhầy vùng hậu môn tăng tiết. Khi đi ngoài, người bệnh có bị chảy máu, trầy xước gây viêm nhiễm, ngứa. Bạn đi ngoài nhưng có cảm giác chưa đi hết phân ra ngoài.
Trĩ nội được chia thành 4 độ khác nhau:
- Trĩ độ 1: mức độ nhẹ nhất, búi trĩ vẫn nằm hoàn toàn trong ống hậu môn và chưa lòi ra ngoài.
- Trĩ độ 2: khi đi đại tiện, búi trĩ lòi ra ngoài và có thể tự chui vào lại sau đại tiện.
- Trĩ độ 3: búi trĩ lòi ra ngoài khi đại tiện. Búi trĩ chỉ vào lại vị trí cũ khi bạn dùng tay đẩy vào.
- Trĩ độ 4: khi không đại tiện, búi trĩ thường xuyên lòi ra ngoài, nhất là khi bạn ngồi xổm, làm việc nặng hoặc đi lại nhiều.
Trĩ ngoại: có dấu hiệu ngứa, sưng, đau xung quanh hậu môn. Bạn có thể nhìn và sờ thấy có một hoặc nhiều cục u bất thường nổi quanh hậu môn. Đôi khi có chảy máu, tăng tiết dịch nhầy, có thể bị rò rỉ phân. Hình ảnh búi trĩ ngoại cũng có đặc điểm giống như trĩ nội bị sa ra ngoài.
Một người có thể bị cả trĩ nội lẫn trĩ ngoại, gọi là trĩ hỗn hợp. Nam giới khi tiêu ra máu thì búi trĩ đã rất to, mất máu nhiều và khó điều trị hơn do đường hậu môn ở nam sâu hơn nữ nên khó phát hiện sớm.
Biến chứng của bệnh trĩ
Bệnh trĩ có thể diễn ra ở một giai đoạn hoặc kéo dài suốt đời. Có người từng bị trĩ mà không biết mình mắc bệnh. Phần lớn, người bệnh chỉ đến bệnh viện khi búi trĩ đã lớn, cọ xát, chảy máu, đau rát. Song việc điều trị trĩ ở giai đoạn nặng khó hơn do trĩ lâu ngày, biến chứng:
- Thiếu máu: do hậu môn thường xuyên chảy máu dẫn đến suy giảm hồng cầu trong máu khiến người bệnh kiệt sức, suy nhược, có khi phải truyền máu.
- Trĩ sa nghẹt: búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn và không thể tụt vào trong có thể gây tắc các mạch máu, có thể dẫn đến biến chứng hoại tử búi trĩ.
- Tắc mạch: khi tình trạng máu lưu thông bị ứ trệ thì cục máu đông hình thành trong mạch máu của búi trĩ. Biến chứng này gây đau, có thể hoại tử.
- Viêm loét, nhiễm trùng: có thể viêm da quanh hậu môn, viêm nhú hoặc viêm khe gây ngứa ngáy, đau rát vùng hậu môn. Nhiễm trùng xảy ra khi có loét hoặc hoại tử búi trĩ, làm vết thương tiếp xúc với phân chứa lượng lớn vi trùng.
- Ung thư đại trực tràng: người bị bệnh trĩ có nguy cơ ung thư đại trực tràng gấp 2,9 lần. Việc điều trị trĩ giúp giảm 50% nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.
Nguyên nhân của bệnh trĩ
Các tĩnh mạch xung quanh hậu môn có xu hướng căng dưới áp lực và có thể phồng lên hoặc xung huyết. Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng do:
- Rặn khi đi cầu
- Ngồi lâu trên bồn cầu lâu
- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
- Béo phì
- Mang thai
- Giao hợp qua đường hậu môn
- Bữa ăn hàng ngày ít rau xanh và chất xơ, thường xuyên ăn đồ cay nóng
- Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần.
- Ngồi nhiều, ít vận động
- Uống ít nước nhưng uống nhiều bia rượu
- U vùng tiểu khung như u đại trực tràng, u xơ tử cung…
Cách phòng bệnh trĩ
- Chế độ ăn giàu chất xơ
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày; hạn chế ăn cay, nóng, uống rượu, cà phê;
- Không ngồi quá lâu. Sau 30 phút một lần hãy đi lại một chút.
- Mỗi ngày tập thể dục ít nhất 30 phút.
- Không mặc quần quá chật.
- Đừng để táo bón kéo dài, nhất là phụ nữ mang thai.
Điều trị bệnh trĩ
Điều Trị Nội Khoa
- Chế độ ăn: Ăn nhiều chất xơ, hạn chế chất kích thích như rượu, ớt.
- Thói quen sinh hoạt: Tránh ngồi lâu, đứng quá lâu, thay đổi thói quen đi cầu để tránh táo bón.
- Ngâm hậu môn trong nước ấm: Giúp cải thiện triệu chứng.
- Dùng thuốc: Các loại thuốc bôi hoặc nhét tại chỗ, thuốc hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch.
Điều Trị Ngoại Khoa
- Thắt dây cao su: Thắt gốc búi trĩ, sau 1 tuần búi trĩ khô và rụng.
- Chích xơ: Tiêm hóa chất vào mô trĩ để làm teo búi trĩ.
- Phẫu thuật Longo: Cắt và treo búi trĩ bằng máy chuyên dụng.
- Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: Áp dụng cho các trường hợp trĩ hỗn hợp, trĩ biến chứng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.