Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một loại bệnh tự miễn. Theo thống kê cho thấy, cứ 3 người bị lupus ban đỏ hệ thống thì có một người mắc biến chứng tổn thương ở thận dạng viêm mạn tính, hay còn gọi là bệnh thận do bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh thận có thể trở nên trầm trọng theo thời gian, có thể dẫn tới suy thận mạn giai đoạn cuối. Cùng tìm hiểu Các giai đoạn của bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương thận ở bài viết dưới đây.
Các giai đoạn phát triển của bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương thận
Bệnh thận lupus (viêm thận lupus) là bệnh tổn thương thận thứ phát do bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Lupus là một bệnh tự miễn, khiến hệ thống miễn dịch sản xuất các protein gọi là tự kháng thể tấn công các mô và cơ quan, bao gồm cả thận.
Viêm thận lupus xảy ra khi tự kháng thể lupus ảnh hưởng đến các cấu trúc của thận, gây ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này. Điều này gây ra viêm thận và dẫn đến tình trạng xuất hiện máu trong nước tiểu, protein trong nước tiểu, huyết áp cao, suy giảm chức năng thận hoặc thậm chí là suy thận do rối loạn chức năng thận trong một thời gian dài.
Viêm thận lupus là tổn thương thận do bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây ra
Phân loại tổn thương mô bệnh học thận
WHO đã phân loại tổn thương mô bệnh học trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống làm 6 lớp, cụ thể:
- Lớp I – Cầu thận bình thường (normal glomeruli): Không xuất hiện biểu hiện lâm sàng. Kết quả xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận đều bình thường.
- Lớp II – Viêm cầu thận trung mô lupus (mesangial lupus glomerulonephritis): Khi đó, tổn thương thận đã rõ ràng hơn với những triệu chứng gồm tiểu máu, có thể kèm theo tiểu đạm lượng ít. Một số trường hợp hiếm gặp hơn là xuất hiện hội chứng thận hư.
- Lớp III – Viêm cầu thận lupus tăng sinh khu trú, cục bộ (local and segmental proliferative lupus glomerulonephritis): Có khoảng 15-20% người bệnh suy giảm chức năng thận và khoảng 1⁄3 có hội chứng thận hư.
- Lớp IV – Viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa (diffuse proliferative lupus glomerulonephritis): Hơn 50% các mạch máu quan trọng ở thận đều bị tổn thương. Người bệnh mắc hội chứng thận hư thường kèm theo suy giảm chức năng thận.
- Lớp V – Viêm vi cầu thận màng lupus (membranous lupus glomerulonephritis): Hội chứng thận hư là dấu hiệu lâm sàng phổ biến nhất. Người bệnh khi đó có thể được chỉ định lọc máu hay thay thận.
- Lớp VI – Xơ hóa cầu thận (advanced glomerulonephritis): Là tình trạng thường gặp ở các trường hợp từng mắc viêm thận từ vài năm trước. Biểu hiện lâm sàng gồm suy thận, cao huyết áp và hội chứng thận hư. Hơn 90% mạch máu quan trọng tại thận bị mất khả năng hoạt động.
Triệu chứng của bệnh thận lupus
Triệu chứng của bệnh thận lupus được chia thành 4 nhóm:
- Nhóm 1: Triệu chứng của bệnh thận nhẹ có biểu hiện ở việc protein niệu ít, hồng cầu niệu nhưng không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, không tăng huyết áp hoặc dẫn đến suy thận. Ở nhóm này, bệnh nhân thể hiện ra bệnh lupus nhiều hơn là bệnh về thận tuy nhiên lâu dần, nguy cơ bùng phát thành bệnh thận nặng khá cao.
- Nhóm 2: Biểu hiện là hội chứng thận hư – có tới 40-60% bệnh nhân mắc lupus ban đỏ nằm trong “hội chứng” này. Ngoài ra, bệnh nhân có cặn ở nước tiểu, hồng cầu niệu, có thể có tăng huyết áp,… Trong nhóm 2 này có tới 50% các bệnh nhân sẽ phát triển bệnh theo hướng tăng huyết áp và mắc thận nặng trong vòng chưa tới 10 năm.
- Nhóm 3: Đây là nhóm biểu hiện triệu chứng bệnh thận nặng. Bệnh nhân có hội chứng thận hư, tăng huyết áp, hồng cầu niệu và cả suy thận. Nếu không được kịp thời chữa trị, khả năng dẫn đến bệnh thận giai đoạn cuối hoặc tử vong do các biến chứng là rất lớn.
- Nhóm 4: Biểu hiện bệnh thận và viêm cầu thận phát triển rất nhanh như tăng huyết áp nặng, phù nề nặng, suy tim và suy thận Những bệnh nhân ở nhóm này có thể có các biến chứng vô cùng nguy hiểm: xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối kết hợp cùng viêm cầu thận, ure trong máu cao và hội chứng tan máu.
Hội chứng thận hư là biểu hiện viêm thận lupus ở giai đoạn nặng
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh thận do lupus
Hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm viêm cầu thận lupus. Các biện pháp điều trị chỉ có mục đích giữ cho thận không bị tổn thương nhiều hơn, làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Bên cạnh đó là việc điều trị theo các triệu chứng của bệnh như:
- Uống thuốc điều chỉnh huyết áp.
- Sử dụng thuốc giảm viêm, sưng, phù.
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để giảm tổn thương thận do hệ miễn dịch.
- Nếu thận bị tổn thương nghiêm trọng, suy thận giai đoạn cuối thì cần điều trị bằng các phương pháp như chạy thận nhân tạo, ghép thận.
Cùng với đó, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn và xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học hơn nhằm giúp hỗ trợ khắc phục các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Sự điều chỉnh này bao gồm:
- Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 1,5 – 2 lít.
- Chế độ ăn lành mạnh: đảm bảo bổ sung đủ dưỡng chất trong thực đơn mỗi ngày. Hạn chế ăn những thực phẩm giàu natri đối với người bệnh huyết áp cao, giảm tiêu thụ muối, protein.
- Duy trì huyết áp khỏe mạnh.
- Tập thể dục, thể thao hằng ngày để nâng cao hệ miễn dịch.
- Hạn chế tiêu thụ cholesterol.
- Tránh hút thuốc, sử dụng rượu bia.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến thận như thuốc kháng viêm không chứa steroid.
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Thăm khám sức khỏe thận tiết niệu định kỳ để phát hiện sớm bất thường
Viêm cầu thận lupus có thể tiến triển thành suy thận rất nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh lại khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, cần thăm khám sức khỏe thận tiết niệu định kỳ để phát hiện sớm bất thường nhằm đưa ra biện pháp điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.