Viêm loét dạ dày là bệnh lý khá phổ biến nhưng việc lựa chọn thực phẩm, chăm sóc dành cho người bị viêm loét dạ dày không phải ai cũng biết. Người viêm loét dạ dày nên ăn gì và kiêng ăn gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.
Lựa chọn thực phẩm cho người viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày nên ăn gì?
Ưu tiên những thực phẩm sau đây tốt cho dạ dày:
- Thực phẩm Pectin: xuất hiện nhiều trong dâu tây, ổi, táo, lê,… giúp cân bằng hệ vi sinh và gia tăng lợi khuẩn;
- Thực phẩm Probiotic: được tìm thấy từ sữa chua. Đây là món ăn dồi dào lợi khuẩn rất tốt trong việc ổn định hệ tiêu hóa;
- Rau xanh: rau xanh có nhiều magie và chất xơ có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa rất hiệu quả;
- Ngũ cốc: một số loại ngũ cốc như lúa mì, đậu, yến mạch chứa nhiều chất xơ giúp cân bằng lượng axit dư thừa có trong dạ dày;
- Thực phẩm bổ sung vitamin: viêm loét dạ dày nên ăn gì? tất nhiên là không thể thiếu các loại thực phẩm giúp bổ sung vitamin A, B, C, E như thanh long, khoai tây, khoai lang,… những chất này có công dụng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và tái cấu trúc niêm mạc dạ dày;
- Thực phẩm chống oxy hóa: thường tìm thấy trong đu đủ, nghệ, cà chua, bông cải xanh giúp các vết viêm loét chóng lành.
Rau xanh rất tốt cho người bị viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày ăn kiêng gì?
Những thực phẩm nên kiêng để phòng ngừa viêm loét dạ dày gồm:
- Thực phẩm cay nóng: Ớt, mù tạt, tiêu… là những loại gia vị có thể gây kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị dễ gây tổn thương dạ dày.
- Thực phẩm – trái cây chua: Sẽ làm tăng lượng acid trong dạ dày, nếu bạn ăn cóc, xoài, chanh, dưa muối,… lúc đói có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày
- Đồ uống có ga: Khi uống nước có ga lượng khí được sinh nhiều trong dạ dày sẽ làm nó phình to, kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn.
- Cà phê: Có thể kích thích dạ dày, gây tăng tiết acid .
- Rượu bia: Đồ uống có cồn có thể gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày khiến dạ dày dễ bị viêm, loét và xuất huyết.
- Muối: Vi khuẩn H.pylori là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày. Nếu ăn nhiều muối có thể làm HP phát triển nhanh hơn, hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, muối còn làm kích ứng hoặc tổn thương dạ dày.
- Thực phẩm lên men: không nên ăn quá nhiều đồ muối chua như kim chi, dưa góp, mắm tôm hoặc mắm tép vì chúng có thể làm biến đổi axit trong dạ dày và tiến triển thành ung thư;
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ: vì khi ăn những thực phẩm này dạ dày sẽ tốn rất nhiều thời gian để tiêu hóa, bệnh nhân dễ gặp tình trạng chướng bụng, đau bụng, điều này càng tệ hơn đối với những người bị viêm loét dạ dày;
- Sữa tươi: loại đồ uống tưởng như vô hại và bổ dưỡng này lại không hề thích hợp cho người bị bệnh về dạ dày vì có thể kích thích tiết nhiều axit hơn và làm tăng mức độ viêm loét.
- Sản phẩm thịt nguội được chế biến sẵn gồm có dăm bông, lạp xưởng, xúc xích,…
Người bị viêm loét dạ dày nên kiêng những đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ
Cách chế biến và lời khuyên ăn uống cho người viêm loét dạ dày
Cách chế biến thực phẩm
- Chọn và chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu: Những thực phẩm dễ tiêu hóa sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho dạ dày, tránh co bóp mạnh liên tục và tính chất mềm mịn của thức ăn sẽ không làm các vết viêm loét, tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Bạn có thể cho những món ăn này vào danh sách: cháo, bơ, khoai lang, sữa chua,…
- Nên chế biến món ăn hấp, luộc; hạn chế chiên xào vì dễ gây chướng bụng, đau bụng, dạ dày sẽ tốn nhiều thời gian hơn để tiêu hóa
Lời khuyên ăn uống
- Rèn luyện nếp ăn uống khoa học: Ăn uống khoa học, lành mạnh tức là bạn cần ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, ăn đúng giờ. Ngoài ra không được để bụng quá rỗng hoặc quá no. Hiện nay có rất nhiều người lựa chọn phương pháp giảm cân khá cực đoan đó là nhịn ăn. Điều này rất có hại cho sức khỏe tổng thể nói chung và gây hại cho dạ dày nói riêng.
- Bổ sung đủ nước: Uống đủ nước mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể, nhất là vào thời điểm buổi sáng sau khi thức dậy, cách bữa ăn khoảng 1 giờ với một ly nước ấm. Không nên uống nước ngay khi vừa ăn xong vì điều này sẽ làm cho thức ăn chưa được nghiền nát kỹ tại dạ dày bị trôi tuột đi, ngoài ra còn làm loãng dịch vị dạ dày, gây khó khăn cho việc phân giải thức ăn.
- Bên cạnh nước lọc, bạn cũng có thể bổ sung các loại nước từ canh súp hoặc nước trái cây. Hạn chế sử dụng nước ngọt, nước có gas vì chúng chứa rất nhiều axit và đường, khiến các vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Các lưu ý khi chăm sóc người viêm loét dạ dày
Một vài lưu ý khi chăm sóc người viêm loét dạ dày:
- Nên thái nhỏ, nghiền nát và nấu thật mềm thức ăn giúp bệnh nhân dễ ăn và hấp thụ hơn.
- Hỗ trợ chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân tránh những căng thẳng, lo lắng. Cho họ nghỉ ngơi thật nhiều, tránh làm việc quá sức.
- Cho bệnh nhân ăn ngay sau khi nấu xong. Lưu ý thức ăn không được quá nóng hoặc quá lạnh không tốt cho dạ dày.
- Nhắc nhở bệnh nhân ăn chậm nhai kỹ giúp dạ dày không phải hoạt động nhiều gây tổn thương.
Phòng bệnh viêm loét dạ dày
Việc thay đổi thói quen sống, sinh hoạt, ăn uống sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày hiệu quả:
- Không uống quá hai ly thức uống có cồn hàng ngày.
- Có thói quen rửa tay sạch sẽ với xà phòng giúp làm sạch vi khuẩn, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng thực phẩm được nấu chín kỹ càng.
- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và rượu bia. Thay vào đó xây dựng chế độ ăn khoa học với trái cây, rau củ quả, ngũ cốc cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh xuất hiện.
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn không còn bối rối khi chăm sóc bệnh nhân bị viêm loét dạ dày. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.