Loét đường tiêu hóa là sự hình thành một lỗ trên lớp niêm mạc lót bên trong dạ dày, tá tràng và thực quản. Tình trạng loét xảy ra khi lớp niêm mạc lót bên trong các cơ quan này bị mòn đi, bởi do dịch tiêu hóa có tính axit do tế bào dạ dày tiết ra. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về Loét tiêu hóa là gì?
Tổng quan chung về bệnh loét tiêu hoá
Loét đường tiêu hóa là vết loét trên niêm mạc đường tiêu hóa, gồm thực quản, dạ dày, tá tràng và ruột. Vết loét có thể gây chảy máu, thủng dạ dày, gây hẹp môn vị làm cho thức ăn từ dạ dày không xuống được ruột và ung thư hóa.
Triệu chứng loét tiêu hoá
Về triệu chứng của loét đường tiêu hóa cũng rất đa dạng. Có những bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi khó tiêu và khó chịu trong khi có một số người cảm thấy rát bỏng vùng thượng vị hoặc đau 1-3 giờ sau bữa ăn và lúc nửa đêm, ợ hơi, ợ chua và chúng thường mất đi khi ăn hoặc uống thuốc trung hòa acid. Tuy nhiên, việc các cơn đau của loét kéo dài bao lâu hay mức độ đau nhiều hay ít có liên quan rất ít đến sự hiện diện và mức độ trầm trọng của các ổ loét. Một số bệnh nhân vẫn cảm thấy đau ngay cả sau khi đã điều trị khỏi hoàn toàn trong khi những bệnh nhân khác có thể không đau ngay cả khi ổ loét tái phát.
Nguyên nhân
Loét là một thuật ngữ chỉ tình trạng tổn thương ở da, niêm mạc ruột hoặc ở miệng. Loét đường tiêu hóa có thể là do những nguyên nhân như:
- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Theo nghiên cứu, có tới 90% các trường hợp nhiễm vi khuẩn HP bị loét dạ dày và khoảng 70% trường hợp loét tá tràng. Đây là một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể lây lan từ người này sang người khác khi sử dụng chung đồ dùng ăn uống.
- Stress căng thẳng kéo dài: Thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài sẽ gây tổn thương cho dạ dày, khiến người bệnh dễ bị loét dạ dày và tình trạng loét ngày càng nghiêm trọng hơn.
- Do chế độ ăn uống không khoa học: Thường xuyên ăn những thực phẩm chua, cay, nóng…; sử dụng đồ uống chứa chất kích thích… gây kích thích đường tiêu hóa, khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng gây loét.
- Sử dụng thuốc trong thời gian dài: Loét đường tiêu hóa có liên quan tới các thuốc kháng viêm, giảm đau nếu sử dụng trong thời gian dài gây tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn tới loét.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị loét đường tiêu hóa như:
- Thường xuyên hút thuốc lá và uống bia rượu (hoặc các loại nước uống có cồn khác). Khói thuốc lá chứa hơn 200 loại chất gây hại cho sức khỏe con người. Đặc biệt là chất nicotine gây kích thích cơ chế để tiết ra nhiều cortisol – tác nhân chính làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày.
- Căng thẳng thần kinh: Tình trạng căng thẳng kéo dài gây ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết axit trong dạ dày, tăng khả năng mắc bệnh.
- Thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ: Thức khuya, thường xuyên bỏ bữa sáng, ăn uống không đúng giờ giấc, ăn khuya, lười vận động…
- Căng thẳng hoặc ăn nhiều thức ăn cay nóng. Hiện nay, nguyên nhân gây loét thực quản được biết đến không phải vậy mặc dù những yếu tố này có thể làm nặng thêm tình trạng viêm loét sẵn.
- Gia đình có người bị loét thực quản hay bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
- Bản thân bị loét dạ dày tá tràng là yếu tố nguy cơ của loét thực quản
- Viêm thực quản tiến triển thành loét thực quản
- HIV và AIDS
- Bệnh đái tháo đường
- Nấm Candida phát triển quá mức
- Herpes simplex virus
- Cytomegalovirus
Chẩn đoán
Hiện nay có hai phương pháp chính để chẩn đoán loét đường tiêu hóa là nội soi đường tiêu hóa trên và chụp X-quang đường tiêu hóa trên.
Phòng ngừa bệnh
Những điều cần chú ý để phòng ngừa loét tiêu hóa:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào;
- Không dùng các loại thuốc kháng viêm như aspirin, ibuprofen…;
- Không uống cafe và rượu bia;
- Không ăn các thức ăn nhiều gia vị cay nóng như tiêu, ớt, tỏi, gừng;
- Không ăn các thức ăn có vị chua như canh chua, dưa, cà muối chua, các loại rau quả chua như chanh, sấu, khế, chùm ruột, me, cam, quýt, bưởi, lá giang, quả bứa
- Nên ăn thành nhiều bữa trong một ngày, ăn thường xuyên hơn khi đang bị đau do loét tiêu hóa;
- Không uống các loại nước có ga;
- Không ăn các thức ăn cứng, khó tiêu như vỏ tôm, vỏ tép, hạt ổi, hạt cà chua;
- Không ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh;
- Không làm việc nặng trước và ngay sau bữa ăn;
- Không thức khuya;
- Tránh mọi căng thẳng về thể chất và tinh thần.
Điều trị như thế nào?
Căn cứ vào việc chẩn đoán, xác định mức độ của loét đường tiêu hóa, các bác sĩ sẽ có được các phương pháp điều trị loét đường tiêu hóa sao cho hiệu quả nhất với mục đích là làm hết đau, ngăn chặn các biến chứng như xung huyết, tắc nghẽn và thủng.
- Dùng kháng sinh diệt vi khuẩn H.Pylori (nếu có). Điều trị chuẩn sử dụng kết hợp các loại thuốc sau đây cho 7- 14 ngày: thuốc ức chế bơm Proton như Omeprazole (Prilosec), Lansoprazole (Prevacid), hoặc Esomeprazole (Nexium) và Bismuth (thành phần chính trong Pepto- Bismol) có thể được thêm vào để giúp tiêu diệt vi khuẩn.
- Giảm nồng độ axit trong dạ dày.
- Thay đổi lối sống (không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, đồ cay nóng,…).
- Nếu vết loét không do H.Pylori (loét do dùng thuốc Aspirin hoặc các NSAIDs,…), bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc ức chế bơm Proton trong 8 tuần. Nếu phải tiếp tục dùng thuốc Aspirin hoặc các NSAIDs, các loại thuốc khác được sử dụng cho loét là: Misoprostol giúp ngăn ngừa các vết loét ở những người dùng NSAIDs thường xuyên, thuốc bảo vệ niêm mạc (như Sucralfat).
- Nếu Loét dạ dày gây chảy máu nhiều, các phương pháp được sử dụng để cầm máu bao gồm: Tiêm thuốc vào vết loét, kẹp kim loại các vết loét. Phẫu thuật có thể cần thiết.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.