Đau bụng trên rốn là tình trạng bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau và đa số nhiều người đều cho rằng đây là dấu hiệu bệnh đau dạ dày. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về đau bụng trên, bao gồm định nghĩa, triệu chứng cần chú ý, nguyên nhân, đối tượng dễ mắc, phương pháp chẩn đoán, cách phòng tránh và điều trị.
Tổng quan chung
Đau bụng trên rốn là cơn đau xảy ra ở vùng nằm giữa xương sườn và rốn, thường liên quan đến các tổn thương ở dạ dày, gan, lách, tụy, túi mật, ống dẫn mật… hoặc các bộ phận khác như: cơ bụng, phúc mạc, thận, niệu quản… Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau bụng đi kèm khó thở và tức ngực, có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bất thường tại tim và phổi, người bệnh cần khám cấp cứu kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là ba vị trí đau bụng trên rốn cần lưu ý:
- Phía trên bên trái: Góc phần tư phía trên bên trái ngăn cách với vùng bụng bên phải bởi xương ức, đây là nơi chứa dạ dày, tụy và lách.
- Phía trên bên phải: Góc phần tư phía trên bên phải chứa hầu hết các cơ quan liên quan đến hệ thống mật, bao gồm túi mật, tụy, gan và ống dẫn mật.
- Giữa phía trên (vùng thượng vị): Cơn đau vùng thượng vị có thể liên quan đến hệ thống mật hoặc hệ thống ống tiêu hóa.
Triệu chứng đau bụng trên cần chú ý
Triệu chứng đau bụng trên có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra. Một số triệu chứng cần chú ý bao gồm:
- Đau âm ỉ hoặc đau nhói: Đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài.
- Buồn nôn và nôn mửa: Thường gặp khi có vấn đề về dạ dày hoặc tụy.
- Cảm giác đầy hơi, khó tiêu: Đau bụng trên kèm theo cảm giác đầy bụng, ợ hơi.
- Sốt và ớn lạnh: Có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Đau bụng trên kéo dài kèm sụt cân có thể là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây đau bụng trên
Đau ở vùng bụng trên có thể do rất nhiều nguyên nhân, thường gặp nhất là các nguyên nhân sau:
Hiện tượng khí đường ruột:
Đây là hiện tượng tiêu hóa bình thường khi khí do hệ tiêu hóa tạo ra trong quá trình co bóp, tiêu hóa thức ăn được đẩy ra ngoài qua đường miệng hoặc đường hậu môn. Ruột bình thường chứa < 200ml khí, cơ thể bình thường thải khoảng 600 – 700ml khí 1 ngày sau khi tiêu thụ thức năm. Nên nếu là hiện tượng tự nhiên thì không gây đau bụng.
Nếu hiện tượng đau ở vùng bụng trên do khí đường ruột thì sẽ biến mất sau khoảng vài giờ. Tuy nhiên việc tái phát triệu chứng nhiều lần có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Muốn cải thiện tình trạng này, người bệnh nên ăn chậm, nhai kĩ, hạn chế thực phẩm làm tăng khí.
Dù ít nhưng cần cẩn thận với trường hợp khí đường ruột biến chứng, gây đau dữ dội kèm nôn mửa, sốt,…
Khó tiêu:
Khó tiêu là triệu chứng tiêu hóa thường gặp và có thể gây ra những cơn đau bụng trên khó chịu. Tình trạng này thường gặp sau khi người bệnh ăn thực phẩm có tính acid hoặc dạ dày tiết quá nhiều acid. Ngoài ra, đây có thể là triệu chứng bệnh lý như trào ngược acid dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày,…
Đau bụng trên do thói quen ăn uống chưa tốt thường không đáng lo ngại, bệnh nhân chỉ cần thay đổi thói quen sống là có thể cải thiện được. Tuy nhiên nếu chứng khó tiêu nghiêm trọng, kéo dài, đi kèm với triệu chứng bệnh lý thì người bệnh nên đi thăm khám sớm.
Viêm ruột thừa:
Ruột thừa là phần ruột mà cơ thể không sử dụng, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể bị nhiễm trùng gây đau đớn, nguy cơ vỡ và đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Viêm ruột thừa thường khởi phát cấp tính với triệu chứng mức độ ngày càng nặng, cần được cấp cứu kịp thời.
Viêm ruột thừa đầu tiên sẽ có thể xuất hiện đau vùng thượng vị hoặc xung quanh rốn, sau đó khu trú hố chậu phải, mức độ đau nặng dần đi kèm với vị trí đau lan rộng. Đau bụng trên do đau ruột thừa kéo dài không dứt, mức độ tăng lên khi người bệnh thay đổi tư thế hoặc ho,…
Viêm dạ dày
Trong đó, viêm dạ dày cho vi khuẩn HP là phổ biến nhất. Ở bệnh nhân viêm dạ dày, niêm mạc dạ dày bị kích thích, sưng đau có thể viêm loét chảy máu, triệu chứng đau bụng trên là điển hình nhất.
Sỏi mật:
Mật cũng là cơ quan nằm ở vùng bụng trên, cụ thể là phía trên bên phải rốn. Triệu chứng thường gặp của sỏi mật là cơn đau bụng trên dữ dội kèm theo cơ thể mệt mỏi, nôn mửa, suy kiệt. Những triệu chứng này có thể khởi phát cấp tính theo đợt, tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn.
Sỏi mật là bệnh lý nguy hiểm có thể gây nhiễm trùng tuyến tụy, ảnh hưởng đến hoạt động của gan mật, tuyến tụy,… nên cần phát hiện và điều trị sớm.
Tắc ruột:
Hội chứng tắc ruột xảy ra khi hơi và dịch tiêu hóa không thể lưu thông dẫn đến lấp đầy lòng, người bệnh lúc này có biểu hiện đau bụng dữ dội, khó tiêu hóa, táo bón, kém hấp thu,… Tùy vào vị trí ruột bị tắc mà vị trí đau bụng trên có thể khác nhau.
Vấn đề về gan hoặc tuyến tụy:
Ba cơ quan có vai trò tiêu hóa thức ăn cùng nằm ở vùng bụng trên hoạt động phối hợp với nhau là gan, túi mật và tuyến tụy. Vì thế bất cứ bệnh lý hoặc vấn đề bất thường ở một trong các cơ quan này nên được điều trị sớm, tránh lây lan sang cơ quan khác.
Hầu hết các trường hợp đau bụng trên do bệnh lý sẽ trở nên nặng dần theo thời gian, không cải thiện được dù thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh. Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt bệnh.
Đối tượng nào dễ bị đau bụng trên
- Người có tiền sử bệnh tiêu hóa: Như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng.
- Người cao tuổi: Hệ tiêu hóa yếu dần, dễ mắc các bệnh lý về dạ dày và gan.
- Người sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá: Gây tổn thương niêm mạc dạ dày và gan.
- Người có chế độ ăn uống không lành mạnh: Thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, không đều đặn.
- Người có lối sống ít vận động: Dễ bị rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý về gan mật.
Đau bụng trên đươc chẩn đoán như thế nào?
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau bụng trên rốn, trước tiên bác sĩ sẽ ghi nhận các mô tả triệu chứng đau của người bệnh, tiếp theo là mô phỏng lại các triệu chứng bằng khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
- Siêu âm ổ bụng để biết tình trạng về gan, mật, hệ tiết niệu (thận, niệu quản), tụy, lách. Siêu âm tim nếu nghi ngờ đau bụng trên rốn do nhồi máu cơ tim.
- Chụp phim Xquang lồng ngực nếu nghi ngờ mắc các bệnh lý liên quan đến tim và phổi: Thuyên tắc phổi, viêm phổi, viêm màng ngoài tim.
- Khi nghi ngờ bệnh của dạ dày có thể chụp dạ dày có thuốc cản quang và chụp lúc đói. Hiện nay, nội soi dạ dày đang có xu hướng phát triển và rất tốt cho việc chẩn đoán bệnh dạ dày. Qua nội soi có thể xác định bệnh dạ dày có phải do vi khuẩn HP gây ra hay không bằng cách xác định men urease do vi khuẩn HP sinh ra, nhuộm Gram từ mảnh sinh thiết để tìm vi khuẩn HP hoặc xác định vi khuẩn HP bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
- Các xét nghiệm sinh hóa máu để đánh giá chức năng của gan, mật, tụy, lách… giúp hỗ trợ chẩn đoán.
Cách phòng tránh bị đau bụng trên
Tình trạng đau bụng trên rốn có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng các phương pháp hữu ích sau đây:
- Tập thể dục đều đặn, có thể bắt đầu bằng việc đi bộ, sau đó tăng dần cường độ phù hợp với độ tuổi
- Uống đủ nước trong ngày
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, ưu tiên các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ quả…
- Tránh ăn đồ chiên rán, thức ăn nhanh
- Tập thói quen ăn chậm nhai kỹ để ngăn ngừa chứng khó tiêu, không nên vừa ăn vừa xem phim, đọc sách…
- Nên thư giãn 1 – 2 giờ sau khi ăn, không nên nằm ngay sau ăn
- Kiểm soát căng thẳng
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn để tránh lây lan vi khuẩn từ bàn tay vào thức ăn, giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm
- Xây dựng lối sống lành mạnh, không sử dụng rượu bia, thuốc lá
Điều trị đau bụng trên như thế nào?
Khi đột nhiên bị đau bụng trên rốn, điều quan trọng nhất đó là phải tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng này, rồi mới có thể tìm ra biện pháp xử lý phù hợp.
Một số cách chữa đau bụng trên rốn tại nhà mà bạn có thể tham khảo để cải thiện tình trạng đau bụng âm ỉ như sau:
- Nguyên tắc chữa đau bụng trên rốn: Nếu nguyên nhân gây đau bụng là do ăn uống, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thực phẩm tốt cho tiêu hóa. Nếu cơn đau do bệnh lý, bạn nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh.
- Massage vùng bụng trên rốn: Phương pháp này có tác dụng thư giãn, giảm đau bụng do các vấn đề về hệ tiêu hóa. Bạn chỉ cần nằm ngửa, thả lỏng cơ bụng, sau đó xoa 2 bàn tay cho nóng rồi đặt lên vùng bụng trên rốn và xoa theo chiều kim đầu hồ nhiều lần.
- Chườm ấm giảm đau bụng: Cách này sẽ giúp giãn mao mạch, thư giãn các cơ quanh bụng, đồng thời kích thích hệ tiêu hóa, cải thiện tình trạng đau bụng. Bạn có thể sử dụng một túi chườm ấm hoặc một chiếc khăn ấm đặt lên bụng khoảng 15 phút.
- Dùng thuốc giảm đau: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc chữa bệnh phù hợp. Bên cạnh đó có thể kèm theo các loại thuốc giảm đau, thuốc chống co thắt, thuốc kháng acid dạ dày… để cải thiện nguyên nhân và triệu chứng gây đau bụng trên rốn.
Bài viết trên đây đã giới thiệu đến bạn đọc cách trị đau bụng quặn từng cơn trên rốn. Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào kể trên, bệnh nhân cần chú ý kỹ các đặc điểm của cơn đau để cung cấp đầy đủ thông tin về triệu chứng gặp phải cũng như tiền sử bệnh lý, sức khỏe nhằm giúp bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.