Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người. Không có cách nào để đảo ngược quá trình tiến triển bệnh, nhưng việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tổng quan chung
Bệnh Alzheimer (AHLZ-high-merz) là một bệnh rối loạn não bộ gây suy giảm trí nhớ, các kỹ năng tư duy và cuối cùng là khả năng thực hiện các nhiệm vụ đơn giản nhất. Bệnh Alzheimer cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng giảm trí nhớ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến não bộ, khiến người bệnh gặp trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh mất trí nhớ Alzheimer diễn ra theo tiến trình thời gian, bệnh thường bắt đầu với triệu chứng đãng trí nhẹ. Rồi sau đó, người bệnh có thể mất khả năng trò chuyện và phản ứng với môi trường.. Ở giai đoạn cuối, người bệnh thường bị tổn thương não nghiêm trọng.
Bệnh Alzheimer’s không phải là bệnh lão khoa thông thường hoặc bệnh thần kinh.
Triệu chứng
Bệnh alzheimer có các dấu hiệu, triệu chứng bệnh như sau:
- Triệu chứng đầu tiên là đãng trí, bị quên tên hoặc nơi vừa đặt đồ vật, hay còn gọi là bệnh mất trí nhớ alzheimer
- Trí nhớ và tư duy bất thường, có thể quên tên người quen, hỏi cùng một câu hỏi, kể cùng một câu chuyện nhiều lần, khó khăn trong ghi nhớ mọi thứ trong cuộc sống.
- Ở những giai đoạn sau, người bệnh sẽ cần giúp đỡ nhiều hơn từ người xung quanh và cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt toàn diện bởi lẽ bệnh nhân bị Alzheimer giai đoạn cuối thường đi lang thang hoăc bị lạc, thay đổi tính cách cảm xúc.
Khi có bất kỳ các dấu hiệu bất thường trên, cần kịp thời đến cơ sở y tế để được kịp thời phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những tình huống xấu xảy ra.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh hiện chưa được xác định một cách rõ ràng, tuy nhiên các nhà khoa học có đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh Alzheimer:
- Do sự tích tụ của một loại protein ở trong não dẫn đến chết dần các tế bào não.
- Quá trình lão hóa gây ra sự phá hủy các myelin làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, kết quả làm chết các tế bào thần kinh.
- Do rối loạn quá trình sản xuất và hoạt động của các chất oxy hóa trong cơ thể.
Đối tượng nguy cơ
Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer tăng lên theo tuổi tác, bắt đầu từ khoảng 65 tuổi. Nhiều nghiên cứu đã xem xét liệu các hoàn cảnh sống, bệnh tật hoặc hành vi cụ thể có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh hay không. Mặc dù vẫn chưa đưa ra bất kỳ câu trả lời rõ ràng nào, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các yếu tố sau có khả năng thúc đẩy bệnh phát triển:
- Bệnh tiểu đường;
- Stress, căng thẳng và phiền muộn kéo dài;
- Cholesterol cao;
- Hút thuốc;
- Ít giao tiếp xã hội.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh Alzheimer sẽ được thực hiện như sau:
Đánh giá tình trạng tâm thần
Kiểm tra tình trạng tâm thần giúp bác sĩ có ý niệm chung về việc trí não hoạt động tốt đến mức nào. Bài kiểm tra này cung cấp cho bác sĩ cái nhìn tổng quát, cho biết liệu người bệnh có thể:
- Nhận thức được các triệu chứng hay không
- Biết được ngày, giờ và nơi họ đang ở hay không
- Nhớ được từ ngữ, theo kịp hướng dẫn và thực hiện được các phép tính đơn giản hay không
Khám lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán
Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát của người bệnh như đánh giá chế độ dinh dưỡng, đo huyết áp hay nhịp tim. Mẫu máu và nước tiểu sẽ được thu thập, một số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ được tiến hành.
Thông tin từ các xét nghiệm này giúp xác định các rối loạn như bệnh thiếu máu, tiểu đường, bệnh gan hay thận, sự thiếu hụt một loại vitamin hoặc hormon nào đó, sự bất thường ở tuyến giáp và các vấn đề tim mạch. Tất cả các tình trạng này đều có thể dẫn đến suy nghĩ lẫn lộn, các vấn đề về trí nhớ hoặc các triệu chứng khác tương tự bệnh sa sút trí tuệ.
Bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ, khả năng cân bằng, chuyển động mắt, ngôn từ và cảm giác của người bệnh. Bác sĩ tìm kiếm những dấu hiệu của chứng đột quỵ nhẹ hoặc nặng, bệnh Parkinson, u não, tích tụ dịch trong não (não úng thủy) và các bệnh khác có thể làm suy giảm trí nhớ hay rối loạn nhận thức suy nghĩ cho người bệnh.
Quá trình khám thần kinh có thể bao gồm việc chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp vi tính (CT). MRI và CT có thể phát hiện các khối u, bằng chứng của chứng đột quỵ nhẹ hoặc nặng, tổn thương từ các chấn thương đầu nghiêm trọng hay sự tích tụ quá nhiều dịch trong não.
Phòng ngừa bệnh
Bệnh Alzheimer xảy ra do tiến trình lão hóa não bộ theo thời gian và tuổi tác. Tuy nhiên, bệnh có thể đến sớm hay muộn, mức độ trầm trọng hay giảm nhẹ là do lối sống và sinh hoạt của chúng ta. Do đó, có nhiều cách để phòng ngừa bệnh đến sớm và kiểm soát biến chứng nguy hiểm như:
Phòng ngừa các bệnh tim mạch
Theo nghiên cứu, 80% người bị Alzheimer có các vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch. Không chỉ vậy, ở một số người, não bộ xuất hiện những mảng vón và đám rối đặc trưng nhưng lại không có biểu hiện của Alzheimer.
Để giải thích cho vấn đề này, theo chuyên gia, các mảng vón và đám rối ấy chỉ phát tác khi hệ mạch máu não cũng có vấn đề. Tức bệnh về tim mạch là yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Do đó, những người bị tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), rối loạn lipid máu (mỡ máu cao) cần khống chế ngay các rối loạn này, vì lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tim mạch.
Thường xuyên tập thể dục
Với người bệnh Alzheimer, việc tập thể dục có thể giúp trì hoãn các triệu chứng. Việc vận động cần theo phác đồ của chuyên gia để có thể khiến máu và oxy dồi dào lên nuôi dưỡng não.
Tránh gặp các chấn thương vùng đầu
Khảo sát cho thấy có một mối liên hệ rõ ràng giữa chấn thương đầu nặng với khả năng mắc Alzheimer về sau, đặc biệt là các chấn thương dẫn tới bất tỉnh. Vì vậy nên bảo vệ vùng đầu và tránh những chấn thương không đáng có.
Ăn uống khoa học
Một thực đơn cân bằng nhóm chất dinh dưỡng gồm nhiều rau và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, đậu phộng, cá, gà, trứng, các chế phẩm từ sữa… giúp tăng cường sức khỏe não bộ. Lưu ý hạn chế ăn các loại thịt đỏ và đường.
Ngủ đúng giờ, đủ giấc và ngủ có chất lượng
Giấc ngủ tốt có thể giúp ngăn Alzheimer đến sớm và tiến triển trầm trọng. Bởi vì trong lúc ngủ, não bộ sẽ tiến hành “vệ sinh” các synapse để việc truyền tin được thông thoáng, lọc bỏ những ký ức không cần thiết, và dọn bớt amyloid β để không tạo mảng vón. Ngủ 8 tiếng mỗi đêm mà không dùng thuốc là việc lý tưởng…
Điều trị như thế nào?
Hiện nay, không có phương pháp điều trị nào ngăn chặn hoặc đảo ngược sự tiến triển của nó, mặc dù một số phương pháp có thể tạm thời cải thiện các triệu chứng.
Để điều trị bệnh Alzheimer đòi hỏi sự tham gia của : thầy thuốc – người bệnh – gia đình – xã hội.
Do vậy còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị
- Chất ức chế cholinesterase cải thiện một cách khiêm tốn chức năng nhận thức và trí nhớ ở một số bệnh nhân.
- Thuốc đối kháng thụ thể N – metyl – d aspartate, dường như cải thiện được nhận thức và khả năng hoạt động chức năng của bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer từ vừa đến nặng
- Điều trị các thuốc hướng thần: trong các trường hợp rối loạn tâm thần và hành vi
- Điều trị các bệnh nội khoa đồng diễn: theo thống kê khoảng 80% người bị Alzheimer có các vấn đề liên quan đến bệnh tim mạch, ngoài ra còn có các bệnh lý khác như đái tháo đường…
- Hiệu quả của vitamin E liều cao ( 1000 IU lần / ngày ): Vitamin E có tác dụng làm chậm quá trình thoái hoá myelin.
- Ginkgo – biloba (cao bạch quả ) có tác dụng tăng tuần hoàn não , làm giảm nguy cơ huyết khối và bảo vệ tế bào thần kinh (cải thiện khả năng nhận thức và trí nhớ ).
Sau khi được chẩn đoán mắc Alzheimer bên cạnh các phương pháp điều trị thì tinh thần người bệnh và chế độ chăm sóc, luyện tập cũng nên được chú trọng giúp làm chậm sự phát triển của bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.