Liệt nửa người khiến cho một bên cơ thể bị mất đi khả năng vận động, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vậy nguyên nhân gây liệt nửa người là gì, làm sao để chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả hội chứng này? Những câu hỏi ấy sẽ được giải đáp ngay trong nội dung được chia sẻ dưới đây.
Tổng quan chung
Liệt nửa người là tình trạng một bên cơ thể suy yếu, đau tê nửa người bên phải hoặc bên trái phụ thuộc vào vùng não bị tổn thương khi đột quỵ hoặc các nguyên nhân khác. Tổn thương não trái sẽ gây ra liệt nửa người phải và ngược lại. Bên liệt sẽ có cử động yếu hơn bên còn lại hoặc thậm chí không thể cử động
Liệt nửa người được chia ra thành:
- Liệt nửa người bẩm sinh: trẻ bị liệt nửa người do tổn thương não trong hoặc ngay sau sinh
- Liệt nửa người mắc phải: Xảy ra do chấn thương hoặc bệnh tật
Triệu chứng
Bệnh nhân bị yếu liệt nửa người thường có những triệu chứng sau đây:
- Bị mất thăng bằng.
- Có tình trạng khó nói, bị khó nuốt hoặc đi lại một cách khó khăn.
- Một phần cơ thể bị tê ngứa thậm chí có thể bị mất cảm giác.
- Khả năng cầm nắm bị yếu dần, các cử động không còn rõ ràng.
- Phần cơ bị yếu và các vận động bị thiếu sự phối hợp ăn ý.
Nguyên nhân
- Nguyên nhân chính gây ra liệt nửa người là xuất huyết não hay đột quỵ xuất huyết, các bệnh về mạch máu não làm gián đoạn quá trình vận chuyển máu lên não gây thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ.
- Các chấn thương, tổn thương não cũng là nguyên nhân gây ra liệt nửa người.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây liệt nửa người nhưng ít cấp tính hơn gồm có:
- Khối u, áp-xe, tổn thương não
- Bệnh phá hủy vỏ bọc xung quanh tế bào thần kinh
- Mạch biến chứng do nhiễm virus hoặc vi khuẩn
- Viêm não
- Bệnh truyền nhiễm do poliovirus (virus bại liệt)
- Rối loạn tế bào thần kinh vận động trong tủy sống, thân não và vỏ não
Đối tượng nguy cơ
Người mắc các loại bệnh lý sau đây có nguy cơ mắc phải chứng yếu liệt nửa người với tỷ lệ cao hơn, bao gồm:
- Những người bị mắc chứng cao huyết áp, bị mắc bệnh tim mạch, bị tiểu đường hoặc bị u não.
- Những người đã từng bị đột quỵ hoặc có nguy cơ cao sẽ bị.
- Người bị tổn thương khi sinh nở. Quá trình chuyển dạ gặp khó khăn hoặc bị đột quỵ chu sinh đối với thai nhi trong khoảng 3 ngày.
- Những người bị thương ở vùng đầu.
- Người bị đau nửa đầu.
- Người bị những bệnh lý nhiễm trùng vô cùng nghiêm trọng, nhất là chứng nhiễm trùng huyết và bị áp xe cổ lan rộng đến não khi không được điều trị.
- Bệnh nhân bị loạn dưỡng chất gây trắng não.
- Những người bị viêm mạch máu.
Chẩn đoán
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng liệt nửa người?
Bác sĩ có thể hỏi bạn về bệnh sử và khám lâm sàng để chẩn đoán tình trạng yếu cơ. Việc xác định dạng yếu cơ hoặc liệt có thể giúp bác sĩ tìm ra những nơi tổn thương trong hệ thống thần kinh.
Bạn cũng cần thực hiện một vài thủ thuật để xác định nguyên nhân gây ra liệt nửa người. Một số xét nghiệm cần thiết bao gồm:
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ
- Xét nghiệm sinh hóa máu
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não
- Chụp cộng hưởng từ sọ não
Phòng ngừa bệnh
Do nguyên nhân chính của liệt nửa người là tình trạng đột quỵ nên khả năng lường trước gần như là không thể. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Tập thể dục hằng ngày để duy trì một sức khỏe tốt
- Lựa chọn giày dép phù hợp với điều kiện môi trường
- Ngủ đủ giấc và ngủ sâu
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý, giàu rau xanh, trái cây nhiều vitamin, hạn chế ăn thức ăn dầu mỡ
- Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia
Điều trị liệt nửa người như thế nào?
Những người bị yếu liệt nửa người để hồi phục cần phải có một thời gian điều trị và chăm sóc khá dài. Mỗi một trường hợp bị liệt nửa người đều sẽ có tình trạng khác nhau. Chính vì vậy, hiệu quả điều trị cũng không giống nhau. Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh rồi mới lập nên một phác đồ thích hợp nhất cho bệnh nhân.
- Bệnh nhân liệt nửa người do đột quỵ và có nguy cơ tái phát trở lại sẽ được chỉ định sử dụng thuốc hạ áp, hạ cholesterol.
- Chỉ định sử dụng thuốc kháng đông nhằm hạn chế tình trạng bị tắc nghẽn mạch và làm giảm nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai.
- Thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch có khả năng chống lại tình trạng viêm não.
- Phẫu thuật sẽ được áp dụng với những bệnh nhân bị phù não, có dị vật hoặc những vấn đề thứ phát khác. Một số trường hợp bị co cơ tự phát, bị thương cột sống, các dây chằng bị tác động hoặc phần gân bên đối diện bị ảnh hưởng cũng sẽ được phẫu thuật.
- Vật lý trị liệu sẽ hỗ trợ cho vùng não ở gần khu vực bị tổn thương có thể hoạt động được. Ngoài ra, liệu pháp cũng hỗ trợ phần cơ thể không bị liệt và kiểm soát tốt hơn các hoạt động và duy trì sức khỏe ở trạng thái tốt nhất.
- Biện pháp tâm lý trị liệu sẽ giúp tâm lý của người bệnh được ổn định hơn, tránh căng thẳng và giảm áp lực.
- Tăng cường và hỗ trợ cho vùng cơ chân, thăng bằng thông qua những bài luyện tập. Người bệnh nên mang giày đế bằng, rộng và sử dụng thêm các thiết bị hỗ trợ các theo yêu cầu của bác sĩ, hạn chế vịn tường hoặc bất cứ đồ vật nào khác khi đi bộ.
Tùy từng mức độ nặng nhẹ của hội chứng và biện pháp điều trị mà khả năng hồi phục ở mỗi bệnh nhân không giống nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, người bệnh sẽ phải sống chung với tình trạng này trong suốt một thời gian dài. Vì thế, để giảm bớt triệu chứng và những tác động do nó gây ra, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh thăm khám để có những tư vấn chính xác.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.