Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ, là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đối với những người đã từng trải qua tai biến mạch máu não, nguy cơ tái phát là rất cao. Vì vậy, việc hiểu rõ về nguyên nhân và cách phòng ngừa là vô cùng quan trọng để kiểm soát tình trạng này. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin chi tiết về định nghĩa, nguyên nhân và biện pháp kiểm soát tai biến mạch máu não tái phát.
Định nghĩa tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ (stroke) là tình trạng mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc bị nứt vỡ, gây chảy máu trong não.
Bộ não là cơ quan cực kỳ phức tạp kiểm soát các chức năng khác nhau của cơ thể. Não chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng lại cần 15-20% tổng cung lượng tim để cung cấp oxy cần thiết cho quá trình trao đổi chất. Nếu xảy ra tai biến mạch máu não, tế bào não chết đi sẽ gây ra nhiều biến chứng về thần kinh và vận động.
Tai biến mạch máu não là một tình trạng cấp tính cần cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng nhất là tàn tật và tử vong.
Nguyên nhân tai biến mạch máu não tái phát
Các nguyên nhân đột quỵ tái phát hầu như đều giống với nguyên nhân đột quỵ lần đầu tiên, bao gồm:
- Đột quỵ do xuất huyết não: Tình trạng mạch máu não bị vỡ, khiến máu chảy vào các mô não và gây tổn thương não.
- Đột quỵ do tắc nghẽn mạch máu não: Tình trạng các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn mạch máu não, ngăn cản dòng máu chảy đến não để nuôi các tế bào não.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ tái phát bao gồm:
- Không kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm cao huyết áp, cholesterol cao, tiểu đường, hút thuốc, và béo phì,.. Nếu người bệnh từng bị đột quỵ không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này, nguy cơ đột quỵ tái phát sẽ cao hơn.
- Tiền sử đột quỵ: Người đã từng bị đột quỵ lần 2 có nguy cơ tái phát cao hơn.
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn người trẻ tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ đột quỵ tái phát cao hơn nữ giới.
- Tiền sử gia đình đột quỵ: Người có tiền sử gia đình đột quỵ có nguy cơ tái phát cao hơn người không có tiền sử gia đình đột quỵ.
Biện pháp kiểm soát tai biến mạch máu não tái phát
Để tránh những rủi ro không đáng có, người bệnh và gia đình rất nên có ý thức kiểm soát và phòng ngừa thời gian tái phát. Các biện pháp cần áp dụng bao gồm:
- Kiểm soát huyết áp: Tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng, duy trì cân nặng lý tưởng và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát huyết áp. Ngoài ra người bệnh cũng nên tiếp tục sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp nếu cần theo ý kiến bác sĩ.
- Giữ cho mạch máu khỏe mạnh: Thay đổi chế độ ăn, ăn ít cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm giảm mảng xơ vữa bám trong động mạch, từ đó giúp mạch máu khỏe mạnh hơn.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ đột quỵ cho người hút thuốc và người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc lá. Vì vậy, cần bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với thuốc lá.
- Kiểm soát tốt đường huyết: Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát cân nặng và thuốc đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ là rất quan trọng để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các yếu tố nguy cơ.
Kiểm soát và phòng ngừa tai biến mạch máu não tái phát đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực từ người bệnh cũng như sự hỗ trợ từ gia đình và các chuyên gia y tế. Hiểu rõ nguyên nhân và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn hoặc người thân đã từng trải qua tai biến mạch máu não, hãy luôn theo dõi sức khỏe, tuân thủ điều trị và duy trì một lối sống lành mạnh. Sự quan tâm và chăm sóc đúng cách sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ cho người thân yêu của bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.