Bệnh lý võng mạc tiểu đường là 1 trong những biến chứng bệnh nhân đái tháo đường, đặc biệt ở những đối tượng người cao tuổi. Bệnh võng mạc tiểu đường có nguy hiểm không? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh lý này.
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì?
Bệnh võng mạc tiểu đường là một biến chứng bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mắt. Bệnh xảy ra do tổn thương các mạch máu của võng mạc. Lúc đầu, bệnh võng mạc tiểu đường có thể không gây ra triệu chứng hoặc chỉ có dấu hiệu nhẹ về thị lực. Nhưng lâu dài bệnh có thể gây mù lòa. Người bị tiểu đường càng lâu năm càng có nguy cơ cao bị biến chứng mắt.
Bệnh xảy ra hầu hết ở các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm. Người ta thống kê, nhìn chung sau 15 năm bị đái tháo đường, 2% bệnh nhân sẽ mù, 10% bệnh nhân thị lực kém.
Triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường
Ảnh hưởng của bệnh võng mạc tiểu đường đến thị lực (sức nhìn) thay đổi tùy theo giai đoạn của bệnh. Hầu như bệnh nhân không có triệu chứng gì trước đó, đến khi thị lực giảm (mắt mờ) là mắt đã bị tổn thương võng mạc. Và lúc này thường bệnh đã diễn tiến nặng. Do vậy bệnh nhân bị đái tháo đường nên thường xuyên đi kiểm tra mắt định kỳ để bác sĩ phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường, điều trị ngăn ngừa sự giảm thị lực.
Dưới đây là một vài triệu chứng biểu hiện của bệnh (tuy nhiên cũng có những biểu hiện khác):
- Nhìn mờ (thường liên quan đến nồng độ đường trong máu)
- Ruồi bay và chớp sáng
- Giảm thị lực đột ngột
- Mù lòa ở giai đoạn cuối
Nguyên nhân bệnh võng mạc tiểu đường
Đường trong máu tăng cao trong thời gian dài dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc, cắt nguồn cung cấp máu cho võng mạc. Khi đó, mắt sẽ cố gắng phát triển các mạch máu mới. Nhưng những mạch máu mới không phát triển đúng cách và dễ dàng bị rò rỉ. Tổn thương mạch máu ở võng mạc gây ảnh hưởng đến thị lực, nếu không điều trị sớm sẽ gây biến chứng nguy hiểm ở mắt.
Vì sao người cao tuổi dễ mắc bệnh võng mạc do tiểu đường?
Thời gian đái tháo đường là yếu tố rất quan trọng, thời gian càng lâu tỷ lệ của bệnh càng cao. Ở những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường trước 30 tuổi, sự xuất hiện bệnh lý võng mạc đái tháo đường sau 10 năm là 50% và sau 30 năm là 90%.
Ở người cao tuổi dễ mắc các bệnh khác như tăng huyết áp, suy thận, mất bù trừ của tim, béo phì, nghiện thuốc lá,… Những yếu tố này làm bệnh lý võng mạc đái tháo đường đến sớm hơn và phát triển nhanh hơn.
Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường
Tùy vào tình trạng sức khỏe của mắt, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Tuy nhiên, việc đầu tiên mỗi bệnh nhân tiểu đường cần làm là kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp để ngăn chặn mất thị lực. Đến gặp bác sĩ tiểu đường để được hướng dẫn chế độ ăn uống và vận động phù hợp cho người bệnh tiểu đường. Kiểm soát đường huyết tốt giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn. Ngoài ra người bệnh sẽ được bác sĩ mắt chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau:
- Tiêm thuốc vào mắt: thuốc giúp giảm phù điểm vàng, làm chậm quá trình mất thị lực và có thể cải thiện thị lực. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm: avastin, eylea, lucentis… Thuốc được tiêm vào mắt, người bệnh có thể tiêm nhiều mũi trong thời gian điều trị.
- Laser: để giảm sưng ở võng mạc, bác sĩ khoa Mắt sẽ sử dụng tia laser để làm cho các mạch máu co lại và ngừng rò rỉ. Phương pháp laser gọi là phẫu thuật bằng laser tán xạ (đôi khi gọi quang đông võng mạc). Trước khi làm laser bạn sẽ được nhỏ thuốc tê vào mắt, sử dụng một thấu kính đặc biệt và nhắm tia laser vào mắt.
- Phẫu thuật: cắt bỏ dịch kính được chỉ định với các trường hợp bong võng mạc nhằm sửa các lỗ hổng hoặc vết rách trên võng mạc. Giải quyết xuất huyết dịch kính và chữa các nguồn chảy máu ở võng mạc.
Lưu ý: sau phẫu thuật, mắt có thể bị sưng và đỏ trong vài tuần. Khi mắt đang phục hồi, bạn có thể bị đau mắt, thị lực kém hơn trước phẫu thuật. Người bệnh cần tái khám kiểm tra thị lực thường xuyên để đảm bảo mắt đang tiến triển tốt. Sau phẫu thuật người bệnh cần đeo miếng che mắt, sử dụng thuốc nhỏ mắt giảm sưng và ngừa nhiễm trùng, tránh các hoạt động như lái xe, tập thể dục cường độ cao, nâng vật nặng, đi máy bay, du lịch… Nghỉ ngơi ở nhà từ 2 – 4 tuần.
Phương pháp phòng tránh bệnh võng mạc do tiểu đường dành riêng cho người cao tuổi
Những người cao tuổi bị đái tháo đường có thể kéo dài thời gian không mắc bệnh, hoặc làm chậm diễn tiến bệnh võng mạc đái tháo đường bằng cách giữ mức độ đường máu và huyết áp ổn định. Các chỉ số này luôn nằm trong giới hạn an toàn mà bác sĩ điều trị ĐTĐ đặt ra. Phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến võng mạc như thuốc lá, béo phì, huyết áp, mỡ máu,… Thực hiện chế độ ăn khoa học và tập thể dục đều đặn.
Tất cả các điều này sẽ giúp bảo vệ thị lực lâu hơn. Ngoài ra, bệnh nhân ĐTĐ phải đi khám mắt định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần, để bác sĩ tại bệnh viện mắt phát hiện sớm tổn thương võng mạc, điều trị sớm sẽ giữ được thị lực, ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực hoặc mù.
Tóm lại, bệnh võng mạc do tiểu đường ở người cao tuổi là một biến chứng nguy hiểm, nhưng có thể phòng ngừa và quản lý hiệu quả nếu bạn thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Kiểm soát đường huyết và huyết áp, duy trì lối sống lành mạnh, và đi khám mắt định kỳ là những bước quan trọng giúp bảo vệ thị lực của bạn. Hãy luôn lắng nghe cơ thể, chia sẻ với bác sĩ về những thay đổi bất thường và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị. Nhớ rằng, sức khỏe là tài sản quý giá nhất, và việc chăm sóc đôi mắt cũng là một phần không thể thiếu trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn diện của bạn.