Viêm tá tràng là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa phổ biến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh này. Nếu không được điều trị sớm, viêm loét hành tá tràng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm bắt những kiến thức cơ bản về viêm tá tràng, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, và các phương pháp điều trị hiệu quả.
Tổng quan chung
Tá tràng chính là phần đầu của ruột non, nằm giữa dạ dày và hỗng tràng và là một phần trong hệ tiêu hóa của con người. Bên trong tá tràng có lớp niêm mạc (hay còn được gọi là màng nhầy là một lớp lót có nguồn gốc chủ yếu từ nội bì), nó đóng vai trò khá quan trọng trong cơ thể chúng ta và có nhiệm vụ sản xuất ra chất nhầy và một số loại enzyme nhằm hỗ trợ tiêu hóa. nhưng đóng vai trò khá quan trọng trong cơ thể chúng ta.
Viêm tá tràng là một bệnh lý thường gặp ở hệ tiêu hóa, là tình trạng viêm loét của niêm mạc tá tràng. Khi lớp niêm mạc bị bào mòn và tổn thương gây ra tình viêm trên bề mặt niêm mạc tá tràng, nặng hơn gây ra vết loét mở ở niêm mạc tá tràng có thể gây phá hủy lớp cơ và gây thủng ổ loét. Khi tá tràng bị viêm, lớp niêm mạc bị tổn thương gây ra tình trạng đau bụng, chảy máu và một số vấn đề tiêu hóa khác.
Triệu chứng của bệnh viêm tá tràng
Viêm tá tràng có thể gây ra một số triệu chứng và dấu hiệu, các triệu chứng và dấu hiệu này có thể khác nhau tùy vào tình trạng bệnh, sức khỏe và cơ thể của mỗi người. Ngoài ra, một số bệnh nhân viêm loét tá tràng không có triệu chứng.|
Đa số bệnh nhân sẽ có một vài triệu chứng đang bị viêm loét tá tràng, bao gồm:
- Đau, nóng rát phần thượng vị (vùng bụng trên rốn): Đây là một trong các dấu hiệu chính của bệnh viêm loét tá tràng. Cơn đau xuất hiện theo từng đợt, đau âm ỉ, đau quặn từng cơn, tăng lên khi thay đổi thời tiết nhất là vào mùa lạnh đau nhiều hơn.
- Ợ chua, ợ hơi: Đây là triệu chứng của bệnh trong kỳ đầu, xảy ra ở hầu hết người mắc bệnh.
- Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không được sâu giấc, giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn do bụng bị đầy hơi, bụng nặng cảm giác khó tiêu.
- Rối loạn chức năng tiêu hóa: đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ.
- Buồn nôn và nôn: Các triệu chứng này thường xuất hiện khi bệnh nhân ăn các thức ăn khó tiêu hoặc uống rượu bia.
- Chán ăn và sụt cân: Nếu viêm tá tràng kéo dài, người bệnh có thể bị chán ăn và dẫn đến sụt cân.
Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý các triệu chứng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng: viêm loét tá tràng có khả năng biến chứng chảy máu và ung thư ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Các dấu hiệu như:
- Phân đen hoặc có lẫn máu đỏ: Do xuất huyết tiêu hóa dẫn đến đi phân đen
- Nôn mửa nhiều, có lẫn máu.
- Giảm cân đột ngột, không lý do.
- Thiếu máu không rõ lý do.
- Nuốt nghẹn kéo dài
Nguyên nhân của bệnh viêm loét tá tràng
Viêm tá tràng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:
- Vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P), là một loại trực khuẩn có thể sống trong môi trường acid của dạ dày, gây viêm niêm mạc, lâu ngày dẫn tới teo các tuyến của niêm mạc. Có 60% – 80% người Việt Nam có nhiễm vi khuẩn H.P. Vi khuẩn Helicobacter pylori có thể xâm nhập vào bên trong con người thông qua nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm, những người sống trong môi trường bị ô nhiễm cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.P.
- Dùng thuốc giảm đau,chống viêm không steroid (NSAIDs) có khả năng làm tăng nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ ở đường tiêu hóa. Sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm ở người lớn tuổi làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, là chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc bị sụt giảm, gây viêm loét tá tràng. Mức độ nguy cơ trên đường tiêu hóa sẽ khác nhau tùy theo loại thuốc NSAID.
- Căng thẳng và stress: Stress kéo dài có thể làm tăng tiết axit dạ dày, gây tổn thương lớp niêm mạc tá tràng.
Ngoài ra, đây cũng là một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét tá tràng:
- Bệnh Crohn (viêm đường tiêu hóa).
- Tình trạng tự miễn.
- Trào ngược dịch mật (khi dịch mật chảy từ tá tràng vào dạ dày).
- Nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc virus, chẳng hạn như virus Herpes dạng đơn, cùng với một hệ thống miễn dịch yếu.
- Tổn thương ở ruột non.
- Ăn các chất ăn da, chất độc (chất mạnh có thể làm cháy hoặc ăn mòn các mô của bạn nếu bạn nuốt chúng): pin cúc áo, hóa chất độc hại
- Xạ trị ung thư và hóa trị ung thư: điều này không chỉ tấn công vào tế bào ung thư mà còn có thể gây tổn thương tế bào lành của cơ thể.
- Người sử dụng nhiều rượu bia: rượu bia có khả năng phá hủy lớp nhầy bảo vệ niêm mạc, đồng thời tăng acid trong dạ dày khiến gây ra sự tổn thương và viêm loét ở dạ dày.
- Thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh: đây là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hệ tiêu hóa, gây rối loạn sự điều tiết acid dạ dày. Ăn uống không đúng giờ giấc, không điều độ, lúc quá no, lúc quá đói, hoặc đến bữa ăn lại vội vàng, không nhai kỹ, làm việc ngay sau ăn no. Thói quen xấu này sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày tá tràng.
- Ăn nhiều các thức ăn có tính chất kích thích niêm mạc đường tiêu hóa như thức ăn chua, cay, quá nóng, rượu, cà phê, chè đặc…, ăn nhiều chất béo, …
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm tá tràng
Hầu hết tất cả mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều có khả năng bị viêm tá tràng. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhất ở những người trên 50 tuổi.
Bên cạnh đó những bệnh nhân thường xuyên sử dụng các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, cafe,…), người lớn tuổi có tiền sử bị nhiễm HP, bệnh nhân mắc hội chứng hội chứng Zollinger-Ellison, bệnh nhân ung thư phải hóa trị và xạ trị,… có nguy cơ cao bị loét tá tràng. Không phải tất cả những người có yếu tố nguy cơ trên đều sẽ mắc bệnh viêm tá tràng.
Chẩn đoán bệnh viêm tá tràng
Để chẩn đoán tình trạng viêm loét tá tràng ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng cần phải dựa vào kết quả nội soi tá tràng.
Trên lâm sàng bệnh nhân sẽ được khai thác các thông tin liên quan đến bệnh sử, các triệu chứng mà người bệnh đang trải qua như đau bụng ở vị trí nào. Nếu bệnh nhân bị nghi ngờ nhiễm khuẩn H.P thì có thể sẽ được chỉ định thực hiện những xét nghiệm sau:
Nội soi tiêu hóa: Đây là phương pháp chính xác nhất để chẩn đoán viêm tá tràng. Qua nội soi, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp lớp niêm mạc tá tràng và phát hiện các tổn thương, viêm nhiễm.
Xét nghiệm máu và phân: Các xét nghiệm này giúp phát hiện vi khuẩn H. pylori trong máu hoặc phân của bệnh nhân.
Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể giúp phát hiện các tổn thương ở tá tràng, nhưng không chính xác bằng nội soi.
Xét nghiệm hơi thở ure: Để chuẩn bị cho xét nghiệm bạn cần uống thuốc chứa công thức ure đặc biệt. Sau đó bác sĩ sẽ cho bạn thờ vào một chiếc túi để thu thập hơi thở. Nếu bạn bị nhiễm vi khuẩn thì ure trong thuốc sẽ chuyển thành CO2 ( carbon dioxide). Dựa vào nồng độ CO2 các chuyên gia sẽ đánh giá bạn có bị nhiễm khuẩn HP hay không.
Phòng ngừa bệnh viêm loét tá tràng
Bạn hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình khỏi viêm loét tá tràng bằng cách chủ động phòng ngừa bệnh, hạn chế tối đa các tác động làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Hạn chế sử dụng thuốc NSAIDs: Chỉ sử dụng thuốc này khi cần thiết và theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Tránh rượu bia và thuốc lá: Hạn chế hoặc ngừng hẳn việc sử dụng rượu bia và thuốc lá để giảm nguy cơ viêm tá tràng.
- Giảm căng thẳng: Áp dụng các phương pháp giảm stress như tập yoga, thiền định, hoặc tham gia các hoạt động giải trí
- Ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng.
- Hạn chế nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP bằng cách vệ sinh tay thường xuyên và ăn những loại thực phẩm sạch, được nấu chín hoàn toàn. Không ăn uống chung cùng người bị nhiễm H.P
- Tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc và phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Cần lưu ý là tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng và loại thuốc mà không có bất kỳ chỉ định nào từ bác sĩ.
Bệnh viêm loét hành tá tràng ở một số người có thể có những biểu hiện không rõ ràng hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên dấu hiệu thường thấy nhất là đau, rát vùng thượng vị liên quan đến bữa ăn. Khi có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh viêm loét hành tá tràng người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám chẩn đoán và được điều trị đúng cách. Bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như thủng tá tràng, xuất huyết tiêu hóa.
Điều trị viêm loét tá tràng
Việc điều trị bệnh viêm loét tá tràng sẽ phụ thuộc vào tình trạng viêm loét, giai đoạn phát bệnh của bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ xét qua bệnh sử của bệnh nhân để có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Điều trị với nguyên tắc chung là loại bỏ các yếu tố tấn công vào niêm mạc, tăng cường chức năng của các thành phần bảo vệ dạ dày và hỗ trợ điều trị triệu chứng kèm theo.
Một số phương pháp điều trị bệnh viêm loét tá tràng được sử dụng hiện nay gồm:
Điều trị bằng thuốc: Lưu ý chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ
- Đối với trường hợp bị nhiễm H.P: phương pháp điều trị sẽ là sử dụng kháng sinh. Phác đồ diệt vi khuẩn H.pylori thường sẽ cần sử dụng phối hợp một vài loại kháng sinh trong thời gian ít nhất 2 tuần, sau đó đánh giá lại xem đã sạch vi khuẩn hay chưa.
Các thuốc kháng sinh bao gồm :amoxicillin, clarithromycin (Biaxin), metronidazole (Flagy), tetracycline,.. - Điều trị bằng can thiệp qua nội soi tiêu hóa trên: Bác sĩ sẽ sử dụng ống soi để can thiệp những vết loét đang hoặc có nguy cơ cao chảy máu.
- Thuốc kháng tiết acid: Bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc ức chế acid phổ biến là nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) có khả năng ngăn chặn acid mạnh. Lưu ý với phương pháp này, người bệnh thường cần ăn một bữa sau dùng thuốc 30 phút để kích hoạt thuốc hoạt động hiệu quả.
- Kết hợp với nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc nhóm Antacid
Thay đổi chế độ ăn uống: Tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, và thức ăn khó tiêu. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, và uống đủ nước.
Điều chỉnh lối sống: Giảm stress, hạn chế rượu bia và thuốc lá, và duy trì lối sống lành mạnh.
Điều trị bằng can thiệp qua nội soi tiêu hóa: Bác sĩ sẽ sử dụng ống soi để can thiệp những vết loét đang hoặc có nguy cơ cao chảy máu.
Kết luận:
Viêm tá tràng là một bệnh lý về tiêu hóa phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu được chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phù hợp. Việc thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, và tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ là những yếu tố quan trọng giúp bạn kiểm soát và cải thiện tình trạng viêm tá tràng. Hãy chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình, đồng thời đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế khi cần thiết.
Bằng việc hiểu rõ hơn về viêm tá tràng và các biện pháp phòng ngừa, điều trị, bạn sẽ có thể bảo vệ sức khỏe tiêu hóa của mình một cách tốt nhất. Hãy luôn theo dõi các triệu chứng của cơ thể và đến gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.