Không chỉ đơn thuần là một loại cây cảnh đẹp mà trong Đông Y, cây dừa cạn còn mang đến nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ mà không phải ai cũng biết. Vậy nên, để biết rõ hơn về tác dụng của cây dừa cạn với sức khỏe con người như thế nào? Hãy cùng Pharmacity khám phá ngay bài viết sau đây nhé.
Đặc điểm hình ảnh cây dừa cạn
Dừa cạn là một trong những loại cây thân thảo, có tên gọi khác là cây hải đằng hay bông dừa. Chúng có chiều cao khoảng 40 – 60cm, mọc thành bụi và phân thành nhiều cành. Đặc điểm của cây dừa cạn như sau:
- Thân cây mọc thẳng, nhẵn, lúc non có màu lục sau dần chuyển sang hồng.
- Lá hình bầu dục, mọc đối xứng trên cành, bề mặt có màu sẫm.
- Hoa có màu hồng tím, đôi lúc có màu trắng, 5 cánh đều nhau và nở quanh năm.
- Quả gồm 2 đại, dài, mọc thẳng đứng. Bên trong quả chứa nhiều hạt nhỏ.
- Cây dừa cạn mọc phổ biến ở vùng nhiệt đới. Chúng thường được trồng làm cây cảnh hoặc bào chế làm các vị thuốc Đông Y. Bộ phận được dùng làm thuốc chủ yếu là ngọn cây, lá mang đi phơi khô để sắc uống hoặc pha trà, đắp giã.
Theo nhiều nghiên cứu, sở dĩ cây dừa cạn được dùng làm thuốc bởi vì trong loại cây này có chứa tới khoảng 70 alkaloid thuộc nhiều nhóm khác nhau, nhất là alkaloid nhân indol. Nên có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Đặc điểm cây dừa cạn
Tác dụng của cây dừa cạn đối với sức khỏe
Cây dừa cạn trị bệnh gì? Thì nhờ trong thành phần có chứa nhiều nhóm alkaloid, nên loại cây này được nghiên cứu có tác dụng trong một số bệnh như:
- Chữa mất ngủ: Trong cây dừa cạn có chứa hợp chất Vinca alkaloid nên được chứng minh có khả năng hỗ trợ điều trị mất ngủ, giúp an thần.
- Hỗ trợ điều trị tiểu đường: Nhờ chứa nhiều nhóm alkaloid nên khi dùng cây dừa cạn sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều insulin, giúp duy trì lượng đường huyết luôn ổn định.
- Hỗ trợ điều trị U xơ tuyến tiền liệt: Trong cây dừa cạn có chứa chất alkaloid vincristine nên giúp ức chế tế bào hoặc sự phân bào nên có khả năng làm hạn chế việc quá sản ở những tế bào trong tuyến tiền liệt hiệu quả.
- Hỗ trợ điều trị Zona thần kinh: Trong Đông Y, dừa cạn có đặc tính mát cùng với nhiều thành phần dưỡng chất, nên khi sử dụng có khả năng giúp giảm đau, kháng viêm giúp hạn chế tình trạng đau rát ở vùng nổi mụn nước của bệnh Zona thần kinh gây ra.
- Hỗ trợ điều trị cao huyết áp: Cũng nhờ chất Vincamine ở trong cây dừa cạn nên khi sử dụng sẽ có khả năng hỗ trợ làm giãn các mạch máu, hạn chế việc hình thành máu đông và từ đó giúp huyết áp luôn được ổn định.
- Chữa bỏng nhẹ: Nhờ có tính mát nên khi bị bỏng lấy lá dừa cạn giã nát đắp trực tiếp lên vết bỏng sẽ giúp chống nhiễm khuẩn, giảm đau và nhanh lành vết thương. Tuy nhiên chỉ thực hiện với vết bỏng nhẹ.
- Hỗ trợ điều trị bí tiểu: Nếu dùng bông dừa cạn khô đem sắc cùng với một số loại thảo dược như cam thảo, hạ khô thảo, thổ linh, nam tục là một bài thuốc giúp trị bí tiểu, giảm tình trạng khó tiểu hiệu quả.
- Hỗ trợ điều trị bệnh máu trắng: Nhờ hợp chất alkaloid vincristine ở trong chiết xuất cây dừa cạn được nghiên cứu có khả năng làm ức chế tế bào hoặc sự phân bào, từ đó giúp ngăn chặn quá trình hình thành bạch cầu thừa ở người bị bệnh máu trắng hiệu quả.
Cây dừa cạn có nhiều lợi ích với sức khỏe con người
Cách sử dụng cây dừa cạn hiệu quả
Cây dừa cạn thường được trồng để làm cảnh. Bên cạnh đó, trong đông y thường dùng lá, hoa và thân cây dừa cạn phơi khô để làm thuốc. Mọi người có thể đem cây dừa cạn tươi rửa sạch rồi mang đi phơi khô hoặc sấy để sắc uống hoặc đắp ngoài da.
Dưới đây là một số bài thuốc từ cây dừa cạn mà mọi người có thể tham khảo:
- Bài thuốc trị chứng rong kinh: Lấy cây dừa cạn khô mang đi sắc uống liên tục trong 3 – 5 ngày.
- Bài thuốc trị mất ngủ: Lấy 20g lá dừa cạn khô kết hợp cùng 12g hạt muồng sao đen, 12g lá vông nem mang đi sắc uống trước khi ngủ.
- Bài thuốc trị chứng tiêu khát: Lấy 10g bông dừa cạn, 20g cây dây thìa canh mang đi sắc cùng 1l nước cho đến khi còn lại 300ml, chia thành 3 lần uống trong ngày. Nên uống sau ăn khoảng 20 phút.
- Bài thuốc trị lỵ trực khuẩn: Lấy 20g dừa cạn khô, 20g rau má, 20g đinh lăng, 20g lá khổ sâm, 20g cỏ mực, 20g cỏ sữa cùng 10g hoàng liên, 10g chi tử mang đi sắc với 600ml nước cho đến khi còn 300ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.
- Bài thuốc trị tăng huyết áp: Lấy 160g dừa cạn khô, 150g hoa hoè, 180g lá đinh lăng, 100g chi tử, 120g đỗ trọng, 140g cam thảo đất mang đi sao giòn, tán vụn thành bột và bảo quản trong hộp kính. Mỗi lần dùng lấy ra 40g hãm cùng 1l nước trong vòng 10 phút và uống thay nước trà mỗi ngày.
- Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư: Lấy 15g hoa dừa cạn khô cùng 30g cây xạ đen mang đi sắc cùng 1l nước, cho đến khi còn 700ml thì chia làm 3 lần uống sau ăn 30 phút.
Cây dừa cạn được dùng trong nhiều bài thuốc Đông Y
Một số lưu ý khi sử dụng cây dừa cạn
Mặc dù có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi sử dụng cây dừa cạn thì mọi người cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Cây dừa cạn chứa thành phần có dược tính mạnh nên không tuỳ ý sử dụng thuốc nếu không có sự tham vấn và chỉ định của bác sĩ.
- Người bị huyết áp thấp, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú thì không nên dùng các bài thuốc dừa cạn.
- Trong một số trường hợp, nếu dùng quá liều lượng bài thuốc từ cây dừa cạn dễ gây ra một số tác dụng phụ như nôn mửa, táo bón, rụng tóc, chán ăn,…thậm chí có thể gây ngộ độc, đột tử. Vậy nên, nếu sử dụng và gặp các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.
- Mỗi ngày chỉ nên dùng 8 – 20g dược liệu dừa cạn khô, nếu vượt quá dễ gây tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Kết luận
Trên đây là những thông tin giúp mọi người hiểu rõ hơn về đặc điểm và tác dụng của cây dừa cạn. Tuy nhiên, vì là một vị thuốc nên mọi người tuyệt đối không nên tự ý sử dụng, cần thăm khám để biết tình trạng bệnh và được bác sĩ chuyên môn đánh giá và đưa ra bài thuốc cũng như liều lượng sử dụng hợp lý nhất nhé.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
:
-
Những lợi ích bất ngờ của cây cỏ ngọt đối với sức khỏe
-
Cây cỏ sữa là gì? tác dụng của cây cỏ sữa có thể bạn chưa biết
-
Cây dành dành nước là cây gì? tác dụng của cây dành dành nước
-
Cây duối còn gọi là cây gì? Cây duối có tác dụng gì với sức khỏe?