Khi bị thoái hóa điểm vàng, thị giác của người bệnh sẽ giảm, thế giới xung quanh sẽ trở nên mờ nhạt và méo mó. Thoái hóa điểm vàng ở mắt tuy không gây đau đớn, nhưng khi đã mắc bệnh thì rất khó hồi phục, cuộc sống người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều. Vậy thoái hóa điểm vàng là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm là sự thoái hóa các tế bào điểm vàng, làm mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác làm thị giác giảm, hình ảnh được nhìn thấy mờ, méo mó, biến dạng.
Thoái hóa điểm vàng không gây ra mù hoàn toàn, tầm nhìn xung quanh của người bệnh vẫn còn bình thường nhưng làm khả năng đọc, lái xe, nhận dạng màu sắc, sự tương phản lại bị suy yếu nghiêm trọng. Thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân gây mất thị lực hàng đầu trên thế giới, chiếm khoảng 50% tất cả các trường hợp khiếm thị.
Triệu chứng
Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm, là một căn bệnh gây cản trở việc nhận cảm ánh sáng và hình ảnh tại trung tâm chỉ thị giác, làm cho mắt của chúng ta không thể hoạt động bình thường cũng như nhìn thấy rõ các vật xung quanh.
Ngoài ra, thoái hóa hoàng điểm còn gây khó khăn trong giao tiếp hay thậm chí ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh, ví dụ như: đi mua sắm, đọc báo, xem tin tức,…
Các dấu hiệu của thoái hóa điểm vàng thường xuất hiện rất sớm, tuy nhiên không rõ rệt và rất khó để nhận biết. Phần lớn bệnh nhân chỉ phát hiện sau khi các dấu hiệu phát triển nặng cụ thể là giảm thị lực.
Lúc mới bị bệnh có thể tầm nhìn của bệnh nhân chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng và phải sau khoảng một thời gian triệu chứng sẽ dần rõ rệt. Cụ thể hơn, những hình ảnh mà trung tâm võng mạc thu được lúc nhìn xa không có thay đổi so với ban đầu nhưng nhìn gần vật sẽ không được rõ nét và gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
Nhìn chung các dấu hiệu của thoái hóa điểm vàng có thể thấy đó là:
- Cảm thấy mỏi và mờ mắt mỗi khi nhìn gần một vật như sách, báo, tivi,…
- Khó khăn trong việc nhận diện khuôn mặt người khác.
- Độ đậm của màu sắc qua mắt người bệnh có xu hướng giảm.
- Cần nhìn các vật ở khoảng cách gần hơn.
- Đòi hỏi độ sáng cao hơn mức bình thường.
- Khó khăn trong việc định hình các vật xung quanh.
Nguyên nhân thoái hóa điểm vàng
Nguyên nhân chính xác của thoái hóa điểm vàng chưa được xác định rõ, nhưng một số yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh:
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc bệnh tăng lên theo tuổi, đặc biệt là sau 60 tuổi.
- Di truyền: Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh, nguy cơ bạn mắc bệnh cũng sẽ cao hơn.
- Lối sống: Hút thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh.
- Tác động từ ánh sáng mặt trời: Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mà không bảo vệ mắt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đối tượng nguy cơ
Thoái hóa hoàng điểm dễ mắc ở người cao tuổi, đây là nguy cơ lớn nhất gây ra bệnh. Thoái hóa điểm vàng ở người già trên 65 tuổi chiếm khoảng 10-12% và người trên 75 tuổi là 30%. Về giới tính, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở nam giới gấp 2 lần và mãn kinh sớm lại có nguy cơ mắc bệnh cao. Những nguy cơ khác bao gồm:
- Chủng tộc: Những người có nước da sáng màu dễ mắc bệnh hơn so với những người da tối.
- Tiền sử: Nếu như trong gia đình có người mắc bệnh sẽ có nguy cơ cao.
- Hút thuốc: Làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh, khói thuốc lá có thể là nguyên nhân gây bệnh và liên quan đến tuổi tác.
- Béo phì: Tăng nguy cơ mắc bệnh và có liên quan đến quá trình tiến triển bệnh từ giai đoạn đầu đến giai đoạn nặng.
- Tiếp xúc nhiều với ánh ánh mặt trời: Thường xuyên làm việc ngoài trời nhưng mắt không được bảo vệ tăng tốc độ của bệnh thoái hóa điểm vàng.
- Dùng nhiều thiết bị điện tử: Ánh sáng xanh từ máy tính, TV, điện thoại cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Do đó, thoái hóa hoàng điểm không còn riêng ở người già mà còn có thoái hóa điểm vàng ở người trẻ.
Chẩn đoán
Chẩn đoán thoái hóa điểm vàng bao gồm các bước:
- Khám mắt toàn diện: Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và thị lực để phát hiện các dấu hiệu của bệnh.
- Chụp ảnh võng mạc: Sử dụng các thiết bị chuyên dụng để chụp ảnh chi tiết của võng mạc.
- Kiểm tra lưới Amsler: Một bài kiểm tra đơn giản giúp phát hiện các biến dạng trong tầm nhìn.
Sau khi được nhỏ mắt bằng dung dịch đặc biệt, bác sĩ sẽ sử dụng ống kính y khoa để quan sát võng mạc, đánh giá các thay đổi về mạch máu và thần kinh.
Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một bài kiểm tra bằng cách nhìn vào lưới Amsler với từng mắt. Nếu nhìn thấy một số đường thẳng bị méo mó, biến dạng hay mờ đi, và kèm theo vùng tối ở trung tâm thì rất có thể bạn đã mắc bệnh.
Trong trường hợp phát hiện bất thường, một số biện pháp chụp hình võng mạc có thể được chỉ định thêm để khảo sát một cách chi tiết hơn.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh thoái hóa hoàng điểm, người bệnh cần lưu ý thực hiện những biện pháp sau đây:
Áp dụng chế độ ăn lành mạnh
Chế độ ăn vô cùng quan trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh. Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn cần bổ sung những thực phẩm hiệu quả cho đôi mắt:
- Thực phẩm có nhiều vitamin A: Trứng, sữa, gan động vật, cá chép, thịt vịt, súp lơ xanh, rau bina, rau ngót,……
- Thực phẩm giàu beta-caroten: Có nhiều trong cam, đu đủ, bí đỏ, cà rốt…
- Thực phẩm giàu vitamin C: cam bưởi, cà chua, súp lơ, nho, dứa, thì là, dâu tây… giúp giảm nguy cơ đục thủy tinh thể và tăng cường thị lực.
- Thực phẩm giàu vitamin E: hạt bí, hạt dưa, dầu thực vật…
- Thực phẩm giàu lutein: rau cải xoăn, cải bó xôi, trứng, ngô…
- Thực phẩm selenium: Gồm hải sản, các loại thịt, động vật, trứng, gan động vật…
Tập luyện mỗi ngày
Tập luyện sức khỏe mang đến nhiều lợi ích sức khỏe nhưng đây cũng là thói quen tốt cho đôi mắt. Ngoài ra những bài tập thể dục toàn thân, bạn cũng có thể áp dụng số bài tập mắt riêng biệt để đôi mắt luôn sáng khỏe và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng như liếc mắt, xoay tròn mắt, ấn nhẹ vào thái dương… Những bài tập ngắn trong vài phút nhưng có tác dụng rất lớn.
-
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đeo kính bảo vệ
Những người thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc với ánh nắng nên dùng kính bảo vệ để tránh tia UV. Điều này giúp ngăn chặn quá trình lão hóa các tế bào mắt.
Điều chỉnh thói quen dùng thiết bị
Những thiết bị công nghệ hiện đại để giúp cho cuộc sống dễ dàng hơn nhưng lại có thể ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác. Vậy nên, bạn cần chủ động bảo vệ đôi mắt của mình không nên tiếp xúc quá nhiều với thiết bị điện tử.
Trường hợp bạn phải thường xuyên làm việc với máy tính nên để mắt nghỉ ngơi, chớp mắt thường xuyên hơn khi làm việc. Có thể sử dụng màn hình chống chói và điều chỉnh ánh sáng, máy tính và có ánh sáng phòng làm việc phù hợp.
Khám mắt thường xuyên
Việc đi thăm khám thường xuyên đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là điều cần thiết. Thông qua việc thăm khám bác sĩ có thể phát hiện được những dấu hiệu ban đầu của thoái hóa điểm vàng như hình ảnh võng mạc có chất lắng đọng. Kiểm tra mắt có thể phát hiện sớm được những suy giảm dù rất nhỏ về thị lực của bệnh nhân khi mắc thoái hóa võng mạc.
Điều trị như thế nào?
Không có thuốc trị thoái hóa điểm vàng, nhưng có một vài phương pháp có thể kìm hãm sự phát triển của bệnh. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào loại thoái hóa điểm vàng người bệnh mắc phải:
- Thoái hóa điểm vàng thể khô: hiện tại, không có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn thoái hóa điểm vàng thể khô. Bác sĩ nhãn khoa có thể đề nghị thuốc bổ sung kẽm, beta carotene và Vitamin C, E với liều cao nhằm giúp AMD thể khô không trở nên tệ hơn. Các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm các phương pháp có thể kìm hãm tiến trình mất thị lực do AMD thể khô.
- Thoái hóa điểm vàng thể ướt: tương tự như thoái hóa điểm vàng thể khô, không có phương pháp điều trị nào đảo ngược những tác động của AMD thể ướt, nhưng có thể ngăn bệnh phát triển nghiêm trọng hơn. Phương pháp điều trị bao gồm:
- Tiêm thuốc: thoái hóa điểm vàng thể ướt có thể điều trị bằng thuốc được tiêm thẳng vào mắt (gọi là “liệu pháp chống VEGF” – “anti VEGF therapy”). Mắt bị thoái hóa điểm vàng thể ướt có các nhân tố kích thích sự tăng trưởng của các tân mạch bất thường.
Phương pháp này giúp ức chế tác động của các nhân tố tăng trưởng đó, làm chậm quá trình mất thị lực do thoái hóa điểm vàng, và trong một số trường hợp còn có thể cải thiện thị lực. Người bệnh áp dụng phương pháp điều trị này cần nhiều mũi tiêm, thường là phải tiêm mỗi tháng. Mắt sẽ được gây tê trước mỗi lần tiêm. Bệnh nhân vẫn phải ở lại bệnh viện một khoảng thời gian để theo dõi sau tiêm.
- Dược phẩm: có ba loại dược phẩm (ranibizumab, aflibercept và pegaptanib) được dùng để ức chế hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tân mạch. Nếu chỉ định phải sử dụng một trong những loại thuốc trên, bệnh nhân sẽ được vệ sinh mắt và gây tê mắt trước khi tiêm thuốc.
Nếu phải sử dụng ranibizumab, bệnh nhân phải tiêm mỗi tháng một lần. Nếu phải sử dụng aflibercept hoặc pegaptanib, bệnh nhân sẽ tiêm ít hơn. Một loại thuốc khác là bevacizumab, được sử dụng trong điều trị ung thư đại trực tràng, tuy nhiên thuốc cũng có khả năng gây ức chế sự rò rỉ từ các tân mạch bất thường trên võng mạc. Nhiều loại thuốc khác cũng đang được nghiên cứu.
- Liệu pháp quang động học (Photodynamic therapy): phương pháp này sử dụng laser lạnh kết hợp với thuốc cản quang nhẹ (a light-sensitizing medication) gọi là verteporfin, giúp khép các tân mạch bất thường mà không để lại sẹo. Phương pháp này hữu hiệu với một vài dạng AMD thể ướt.
- Quang đông (Photocoagulation): sử dụng chùm laser năng lượng cao phá hủy các tân mạch bất thường. Phương pháp này hữu hiệu với một vài dạng thoái hóa điểm vàng thể ướt.
- Phẫu thuật: Phương pháp này hữu hiệu với một vài dạng thoái hóa điểm vàng thể ướt.
Nếu cần điều trị thoái hóa điểm vàng thể ướt, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thực hiện một kiểm tra gọi là chụp mạch máu võng mạc (angiogram fluorescein). Trong kiểm tra này, một thuốc nhuộm đặc biệt được tiêm vào cánh tay. Hình ảnh được chụp khi thuốc nhuộm đi qua các mạch máu trong võng mạc, cho phép bác sĩ xác định được những mạch máu nào bị rò rỉ và đề nghị điều trị.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về thoái hóa điểm vàng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.