Tổng quan chung
Viêm hang vị dạ dày là tình trạng niêm mạc bị sưng, viêm loét do vi khuẩn và chế độ ăn uống không khoa học gây ra. Bệnh phổ biến ở độ tuổi trung niên và người già, tuy nhiên xu hướng mắc bệnh lý này ở trẻ nhỏ cũng đang dần tăng lên.
Nếu để tình trạng viêm loét hang vị dạ dày kéo dài, bệnh có thể phát triển và biến chứng thành các căn bệnh nguy hiểm hơn. Chính vì thế, ở bất cứ độ tuổi nào bạn cũng cần chú ý tới sức khỏe của mình. Khi nhận thấy cơ thể có những bất thường ở dạ dày như đau âm ỉ hay đau quặn dữ dội thì cần đi thăm khám.
Triệu chứng
Mỗi người sẽ có những nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe khác nhau. Từ đó, bệnh sẽ gây ra những triệu chứng khác nhau. Ở một số trường hợp, viêm hang vị dạ dày có thể phát bệnh dưới dạng không triệu chứng.
Một số dấu hiệu viêm hang vị dạ dày mà người bệnh có thể nhận biết bệnh gồm:
-
- Xuất hiện các cơn đau ở vùng thượng vị
- Cảm giác đầy bụng, nóng rát ở thượng vị
- Ợ hơi, ợ chua
-
- Chán ăn
- Buồn nôn và nôn
- Nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen
Nếu như xuất một trong những dấu hiệu nêu trên trong thời gian dài, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán với bác sĩ chuyên môn sớm.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân gây loét hang vị dạ dày, có thể kể đến các yếu tố nguy cơ sau:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Khoảng 10-20% trong số những người bị H. pylori xâm chiếm phát triển thành loét dạ dày tá tràng và đau dạ dày.
- Thường xuyên sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, đặc biệt ở người lớn tuổi sẽ làm quá trình tổng hợp prostaglandin có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị sụt giảm, dẫn đến loét dạ dày tá tràng
- Stress kéo dài, trầm cảm có ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết acid trong dạ dày cũng tác động tiêu cực đến kết quả điều trị hang vị dạ dày.
- Hút thuốc lá, sử dụng rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung. Bên cạnh đó còn kích thích cơ chế để tiết ra nhiều cortisol làm tăng nguy cơ loét dạ dày và gây đề kháng với điều trị.
- Ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh. Ăn nhiều các món chua, cay, nóng, lạnh, cứng, khó tiêu…
Đối tượng nguy cơ
Tuy viêm niêm mạc hang vị dạ dày có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng bệnh phổ biến hơn ở những người trên 60 tuổi. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh có thể bao gồm:
- Uống nhiều rượu
- Hút thuốc lá
- Trên 60 tuổi
Chẩn đoán
Viêm hang vị gây tổn thương thực thể kèm theo các triệu chứng cơ năng. Bước đầu tiên trong chẩn đoán bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng. Sau đó để xác định chính xác bệnh lý cần thực hiện thêm một số kỹ thuật chẩn đoán bằng máy móc.
- Xét nghiệm vi khuẩn HP: xét nghiệm qua huyết thanh học, qua hơi thở hoặc tìm kháng nguyên trong phân của người bệnh.
- Nội soi dạ dày giúp xác định chính xác vị trí, mức độ tổn thương ở hang vị nói riêng và các vị trí các của đường tiêu hóa trên nói chung (thực quản, dạ dày, tá tràng). Bác sĩ nội soi có thể thực xét nghiệm tìm vi khuẩn H.p (CLOtest), hoặc sinh thiết mẫu mô bất thường để làm giải phẫu bệnh.
- Chụp X-quang vùng bụng, hoặc các phương tiện hình ảnh khác như siêu âm bụng, các xét nghiệm khác để hỗ trợ chẩn đoán.
Phòng ngừa bệnh
- Chia nhỏ các bữa ăn, ăn uống thường xuyên
- Tránh các thực phẩm gây kích ứng, đặc biệt là những loại thực phẩm cay, chua, chiên hoặc béo
- Hạn chế uống rượu bia, cà phê, trà đặc
- Sau khi ăn không nên làm việc ngay hoặc không nên chạy nhảy, tập thể dục ngay mà cần ngồi thoải mái để thức ăn được nhào trộn kỹ ở dạ dày trước khi xuống ruột non.
- Xem xét việc thay đổi thuốc giảm đau, tránh các thuốc có thể gây ra viêm niêm mạc hang vị dạ dày
- Giảm căng thẳng bằng cách tập yoga hoặc thiền
Điều trị như thế nào?
Điều trị viêm hang vị dạ dày thường sẽ phụ thuộc vào tình trạng nhiễm HP của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân phát hiện trong dạ dày có HP thì phải điều trị triệt để HP trước, sau đó mới tiến hành các biện pháp tiếp theo.
Điều trị theo phác đồ của bác sĩ
- Với những người bị viêm hang vị dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, bắt buộc phải diệt vi khuẩn HP trước. Về liều lượng cũng như loại kháng sinh được sử dụng cần tuân thủ theo đúng liệu trình của bác sĩ, tránh việc kháng thuốc, lờn thuốc do việc quên uống hay uống không đủ liều.
- Sau khi điều trị dứt điểm HP, các thuốc ứng chế bơm acid lên niêm mạc của hang vị dạ dày sẽ được chỉ định như: thuốc ức chế histamin H2, ức chế bơm proton, thuốc trung hòa acid…
Việc điều trị viêm hang vị dạ dày thường sẽ kéo dài vài tháng, vì vậy người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng lịch nhằm kiểm tra theo từng giai đoạn, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với kết quả sau khi tái khám.
Thay đổi chế độ ăn uống khoa học
Thay đổi thói quen ăn uống và chế độ dinh dưỡng là phương pháp giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm hang vị dạ dày, nhằm rút ngắn thời gian chữa bệnh, cải thiện hệ tiêu hóa và ngăn ngừa tối đa khả năng bệnh bị tái phát. Một số thực phẩm nên sử dụng như:
- Thực phẩm giàu chất xơ: các loại thực phẩm như rau xanh, hoa quả và loại ngũ cốc nguyên hạt thường dùng ở Việt Nam như gạo lứt vừa giúp cung cấp chất xơ, vừa bổ sung dinh dưỡng và tăng cường chức năng tiêu hóa.
- Thực phẩm chứa chất chống viêm: Các loại thực phẩm giàu chất chống viêm và chất chống oxy hóa như: nho đen, dứa, dưa chuột, hạt chia giúp giảm viêm và làm bớt triệu chứng khó chịu do viêm hang vị dạ dày gây ra.
- Thực phẩm chứa chất giảm tiết acid như: bánh mì, khoai tây, ngô, củ cà rốt … giúp giảm tiết acid dạ dày, giảm triệu chứng bệnh…
- Uống đủ nước: Điều này cực kỳ quan trọng nhằm giữ ẩm niêm mạc dạ dày
Ngoài ra, cần tránh các thực phẩm cay nóng, thực phẩm có hàm lượng acid cao, hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu bia vì có thể làm tăng nguy cơ viêm hang vị dạ dày.