Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong sớm. Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ qua đo huyết áp tại nhà hay khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Biết được nguyên nhân và triệu chứng tăng huyết áp để phát hiện, kiểm soát sớm cũng như nắm được các biện pháp phòng ngừa bệnh tăng huyết áp là rất quan trọng đối với mỗi người.
Triệu chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng cách đo huyết áp. Huyết áp có hai chỉ số:
- Huyết áp tâm thu thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp khi tim co bóp
- Huyết áp tâm trương thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim bạn được thư giãn.
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh lý mạn tính, tình trạng này được xác định khi huyết áp đo tại phòng khám lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg – Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp khi nằm trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường khi < 120/80 mmHg.
Triệu chứng của tăng huyết áp
Khi huyết áp của bệnh trên mức 180/110mmHg, và có kèm theo nhức đầu thì rất có thể bạn đang bị tăng huyết áp. Triệu chứng đau đầu sẽ không xuất hiện ở trong trường hợp huyết áp chỉ tăng nhẹ. Chỉ khi bệnh cao huyết áp đã trở nên ác tính, thì lúc đó mới thấy xuất hiện những cơn đau đầu.
Chảy máu mũi: Đây cũng là cũng là một trong những dấu hiệu của căn bệnh huyết áp cao ở giai đoạn đầu. Khi huyết áp tăng cao và đột ngột bị chảy máu mũi nhiều, máu khó ngừng chảy.
Thấy có xuất hiện vệt máu bên trong mắt, hoặc bị xuất huyết kết mạc cũng có thể là dấu hiệu của người đang bị bệnh huyết áp cao hoặc tiểu đường.
Thấy tê hoặc ngứa râm ran ở các chi: đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh đột quỵ do huyết áp tăng gây ra. Khi bạn bị tăng huyết áp liên tục và không được kiểm soát được, thì cần chú ý, vì đây có thể là lý do dẫn đến sự tê liệt các dây thần kinh .
Một dấu hiệu khác của căn bệnh cao huyết áp là buồn nôn và nôn. Tuy nhiên, triệu chứng này, còn liên quan đến một số những bệnh lý khác. Do đó nên kiểm chứng với một số triệu chứng liên quan khác đi kèm như: nhìn không rõ, nhìn mờ, khó thở.
Thấy chóng mặt đi kèm với hai triệu chứng là: choáng và chóng mặt, thì đó cũng là dấu hiệu cảnh báo của bệnh huyết áp cao thường xảy ra đột ngột.
Thế nhưng, gần 50% người bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh vì chưa bao giờ được chẩn đoán. Tăng huyết áp sở dĩ được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó thường không gây ra triệu chứng, cho đến khi xảy ra biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy thận mới được phát hiện.
Do đó, tất cả mọi người nên tự kiểm tra huyết áp và khám sức khỏe định kỳ, nhất là những người lớn tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp.
Nguyên nhân gây ra tăng huyết áp
Đa phần bệnh thường gặp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát).
Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn)
Khoảng 90% trường hợp huyết áp tăng cao không xác định được nguyên nhân.
Tăng huyết áp thứ phát
Khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp thì gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tình trạng này chiếm khoảng 10% ca bệnh nhưng nếu điều trị theo đúng nguyên nhân thì bệnh có thể chữa khỏi. Các nguyên nhân thường gặp là:
- Các bệnh lý về thận: viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận
- Các bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, Cushing, cường Aldosteron, cường giáp,..
- Các bệnh lý tim mạch: hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), hẹp xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến động mạch thận
- Do thuốc: cam thảo, thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm
- Nguyên nhân khác: ngộ độc thai nghén, rối loạn thần kinh
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp
- Giới nam
- Nữ đã mãn kinh
- Tiền sử gia đình có người tăng huyết áp
- Béo phì, thừa cân
- Lối sống ít hoạt động thể lực
- Hút thuốc lá
- Chế độ ăn nhiều muối, ăn mặn
- Stress và căng thẳng tâm lý
- Uống nhiều rượu, bia
- Bệnh thận mạn, đái tháo đường, hội chứng ngừng thở khi ngủ
Biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp
Phòng ngừa bệnh cao huyết áp là một trong những cách hiệu quả nhất để duy trì sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh cao huyết áp:
Duy trì một lối sống lành mạnh
- Ăn uống cân bằng: hạn chế muối và chất béo, tăng cường tiêu thụ trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu kali và chất xơ.
- Giảm cân nếu bạn có thừa cân: duy trì cân nặng trong khoảng phù hợp giúp giảm áp lực lên hệ thống tim mạch.
- Hạn chế uống rượu và cafein: uống rượu một cách có kiểm soát và hạn chế tiêu thụ các thức uống chứa cafein như cà phê và nước ngọt có gas.
Tập thể dục đều đặn
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần: bao gồm các hoạt động aerobic như đi bộ nhanh, chạy, bơi, đi xe đạp.
- Tăng cường hoạt động hàng ngày: Ngoài tập thể dục định kỳ, hãy tìm cách tăng cường hoạt động hàng ngày bằng cách đi bộ, chạy bộ hoặc sử dụng cầu thang thay vì thang máy.
Kiểm soát stress
- Thực hiện các biện pháp giảm stress như thiền, yoga, tập thể dục, thư giãn, và thời gian cho bản thân.
- Xác định nguyên nhân stress và tìm cách giải quyết: tìm hiểu các kỹ năng kiểm soát stress và tìm cách giải quyết các tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ
- Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
- Giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí: hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và bảo vệ hệ thống hô hấp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
- Kiểm tra huyết áp định kỳ để phát hiện cao huyết áp sớm và điều chỉnh điều trị kịp thời.
- Theo dõi sức khỏe tổng thể: định kỳ kiểm tra các chỉ số sức khỏe quan trọng khác như cholesterol, đường huyết, hàm lượng kali và các chỉ số chức năng tim mạch.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.