Tổng quan chung
Viêm dây thần kinh là tình trạng các rễ dây thần kinh bị viêm nhiễm khiến người bệnh cảm thấy đau nhức lan tỏa, tê bì, mất cảm giác,… chạy dọc theo dây thần kinh. Thuật ngữ viêm dây thần kinh và bệnh lý thần kinh đôi khi sẽ được dùng thay thế cho nhau. Thế nhưng, bệnh thần kinh có thể xuất phát từ nguyên nhân viêm hoặc không viêm. Thuật ngữ này bao gồm bất kỳ dạng thoái hóa, tổn thương hay rối loạn chức năng nào. Trong khi đó, viêm dây thần kinh đề cập một cách cụ thể đến quá trình viêm. Ở một số trường hợp, viêm dây thần kinh có thể chuyển biến, tiến triển thành bệnh thần kinh.
Bệnh viêm dây thần kinh có thể tác động đến một dây thần kinh hoặc đám rối thần kinh. Trường hợp một số dây thần kinh bị ảnh hưởng đồng thời thì được gọi là tình trạng viêm đa dây thần kinh đơn nhân. Nếu các dây thần kinh cách xa nhau chịu tác động thì được gọi là viêm đa dây thần kinh.
Triệu chứng
Tùy vào vị trí dây thần kinh bị viêm mà người bệnh sẽ gặp những triệu chứng khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu bệnh nhân thường gặp phải nhất:
- Tê ngứa, cảm giác như kim chích ở vùng tay và chân.
- Nhói đau hoặc chuột rút, đặc biệt là ở vùng cơ bắp.
- Đau nhức.
- Phản xạ chậm chạp, khó phối hợp các động tác.
- Teo cơ bắp ở chân và tay.
- Liệt mặt nếu viêm các dây thần kinh ở mặt.
- Mất khả năng thăng bằng, đặc biệt là vào ban đêm.
- Chóng mặt, choáng váng mỗi khi thay đổi tư thế, đứng lên ngồi xuống.
- Rối loạn chức năng sinh lý.
- Đổ mồ hôi nhiều, đi tiểu không kiểm soát.
- Không cảm nhận được nhiệt độ.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
Nguyên nhân
Tình trạng viêm có thể xuất hiện khi các dây thần kinh bị nhiễm trùng hoặc chấn thương. Bên cạnh đó, sự rối loạn chuyển hóa, tiếp xúc với chất độc hại hay yếu tố di truyền cũng có thể là tác nhân gây viêm dây thần kinh, cụ thể như sau:
Viêm dây thần kinh do bệnh lý
Hiện nay ước tính có hơn 100 nguyên nhân gây ra bệnh viêm dây thần kinh. Trong đó, các tác nhân đến từ bệnh lý là phổ biến hơn cả, ví dụ như:
- Tiểu đường: Khoảng một nửa người bệnh đái tháo đường sẽ gặp tình trạng viêm các dây thần kinh ngoại biên. Lúc này, người bệnh có thể sẽ đối mặt với những biến chứng như lở loét chi, nhiễm trùng.
- U bướu: Khối u và một số bệnh ung thư có thể dẫn đến di căn như ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi,…
- Nhiễm trùng: Các căn bệnh truyền nhiễm như phong, bạch hầu, zona, HIV, uốn ván, viêm gan B, C,…
- Thoát vị đĩa đệm: Nhân nhầy đĩa đệm thoát ra bên ngoài sẽ chèn ép lên dây thần kinh dẫn đến tình trạng viêm nhiễm.
- Rối loạn tủy xương: Đây là biểu hiện của một vài loại ung thư như ung thư xương, ung thư hạch hoặc bệnh amyloidosis.
- Một số bệnh lý khác: Suy giáp, bệnh thận, gan,…
Ngoài các tác nhân bệnh lý, viêm dây thần kinh còn đến từ một số nguyên nhân khác, điển hình gồm có:
- Lạm dụng chất kích thích: Nghiện ma túy, rượu,…
- Tiếp xúc với chất độc: Làm việc ở khu công nghiệp trong thời gian dài và tiếp xúc với các chất độc như thủy ngân, chì.
- Tác dụng phụ của một vài loại thuốc đặc trị: Chủ yếu là những loại thuốc chữa bệnh ung thư.
- Chấn thương: Té ngã, tai nạn thể thao, tai nạn giao thông,… tác động mạnh, nghiêm trọng lên dây thần kinh.
- Thiếu vitamin: Chủ yếu là tình trạng thiếu vitamin B1, B6, B12, E.
- Gia đình có tiền sử bị bệnh về thần kinh: Yếu tố di truyền có thể làm gia tăng nguy cơ bị viêm dây thần kinh.
Đối tượng nguy cơ
Viêm dây thần kinh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm dây thần kinh được thực hiện nhằm mục đích xác định nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Qua đó, bác sĩ sẽ biết liệu có thể chữa chứng viêm dây thần kinh cho người bệnh hay không. Vì không phải loại bệnh viêm dây thần kinh nào cũng chữa khỏi được. Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng.
Việc chẩn đoán, mô tả bệnh viêm dây thần kinh sẽ được bắt đầu bằng một cuộc kiểm tra thể chất cẩn thận, kỹ lưỡng. Qua đó, bác sĩ có thể xác định, mô tả bất kỳ triệu chứng nào ở một dây thần kinh cụ thể hoặc nhận định được sự phân bổ của các dây thần kinh.
Một cuộc kiểm tra sẽ hỗ trợ bác sĩ quan sát, đánh giá tiến trình thời gian, mức độ nghiêm trọng, sự phân bổ và tình trạng rối loạn chức năng thần kinh. Đồng thời, thông qua việc kiểm tra, bác sĩ sẽ nhận biết liệu tình trạng bệnh có liên quan đến các dây thần kinh vận động, cảm giác hoặc cả hai hay không. Khi định vị được tổn thương, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho người bệnh thực hiện các kỹ thuật cụ thể phù hợp với những dây thần kinh liên quan.
Ngoài việc khám lâm sàng, người bệnh sẽ cần làm các xét nghiệm dưới đây để giúp bác sĩ chẩn đoán chứng viêm dây thần kinh một cách chính xác:
- Điện cơ ký (EMG) hỗ trợ bác sĩ kiểm tra chức năng thần kinh.
- Xét nghiệm máu, đo lường nồng độ vitamin B12, HbA1C, ESR, CBC.
- Phương pháp khảo sát dẫn truyền dây thần kinh (NCS).
- Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp x-quang, MRI, CT.
- Chọc dò tủy sống.
- Thực hiện những bài kiểm tra thần kinh khác, ví dụ như kiểm tra cảm giác khi tác động nhiệt, rung, chạm vào.
- Sinh thiết da.
- Sinh thiết dây thần kinh.
- Kiểm tra mắt cho người bị viêm dây thần kinh thị giác.
Phòng ngừa bệnh
Để ngăn ngừa bệnh lý này người bệnh cần chủ động kiểm soát các vấn đề sức khỏe hay bệnh lý có nguy cơ gây bệnh. Các bệnh vấn đề như nghiện rượu hoặc bệnh lý tiểu đường, viêm khớp dạng thấp. Song song đó, người bệnh cũng cần xây dựng lối sống lành mạnh, tạo thói quen hỗ trợ sức khỏe thần kinh như sau:
Ăn uống đủ dinh dưỡng
Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và các thực phẩm giàu protein để giúp hệ thần kinh luôn khỏe mạnh. Cung cấp đủ vitamin B12 bằng cách ăn bổ sung cá, thịt, trứng, thực phẩm từ sữa ít béo và ngũ cốc. Nếu là người ăn chay, người bệnh có thể tăng cường vitamin B12 bằng cách sử dụng nguồn đạm từ thực vật.
Tập thể dục
Tập luyện thường xuyên ít nhất 30 phút cho đến một giờ, tần suất ít nhất ba lần trong một tuần.
Tránh các yếu tố có thể làm tổn thương thần kinh
Một số các chuyển động lặp đi lặp lại tại một vị trí khớp xương trong thời gian dài có thể làm tổn thương dây thần kinh. Bên cạnh đó, việc mặc trang phục bó sát, chật chội cũng gây áp lực lên dây thần kinh. Ngoài ra, tiếp xúc với hóa chất độc hại, uống nhiều rượu, hút thuốc lá cũng sẽ khiến dây thần kinh yếu đi.
Nhìn chung, bệnh nổi bật với các triệu chứng rối loạn cảm giác như đau, tê, châm chích và các rối loạn vận động, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh nên chủ động phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, bằng cách kiểm soát tốt bệnh lý có sẵn. Ngoài ra, mỗi người cần xây dựng những thói quen, chế độ dinh dưỡng khoa học, vừa tránh tổn thương sợi thần kinh, vừa bảo vệ sức khỏe.
Điều trị như thế nào?
Để đảm bảo điều trị hiệu quả bệnh này, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Dùng thuốc
Một số loại thuốc có tác dụng giảm đau và giảm các triệu chứng của bệnh như:
- Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm,… có tác dụng đối với các trường hợp có triệu chứng nhẹ. Đối với những dấu hiệu đau nặng hơn, thuốc phải được bác sĩ kê đơn, tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người.
- Thuốc chống động kinh: Các loại thuốc này dùng để điều trị động kinh nhưng cũng có tác dụng giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ như gây chóng mặt, buồn ngủ.
- Thuốc chống trầm cảm: Có thể dùng để giảm đau, nhưng cũng gây ra rất nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, khô miệng, buồn ngủ, ăn không ngon miệng, táo bón,…
Khi sử dụng các loại thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ đơn thuốc được chỉ định.
Vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu áp dụng cho người bệnh bị viêm các dây thần kinh liên quan đến vận động, một số phương pháp vật lý trị liệu được dùng:
- Kích thích các dây thần kinh qua da để hỗ trợ giảm đau (TENS).
- Ứng dụng nhiệt.
- Liệu pháp lạnh.
- Massage.
- Bấm huyệt.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm dây thần kinh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.