Tổng quan chung
Khi sinh ra, cơ thể một người khỏe mạnh sẽ có 270 chiếc xương. Trong quá trình phát triển, cơ thể sẽ có nhiều xương liên kết với nhau. Đến lúc trưởng thành, cơ thể sẽ có 206 chiếc xương, chưa kể số lượng lớn những xương tại các vùng nhỏ trong cơ thể. Xương lớn nhất là xương đùi. Xương nhỏ nhất là xương bàn đạp, thuộc phần tai giữa, có vai trò tham gia dẫn truyền những rung động âm thanh vào tai trong.
Rạn xương hay còn được gọi là nứt xương là một dạng gãy xương kín, không có di lệch (xương chưa bị tách ra khỏi chiều dọc, chiều ngang hoặc lòi ra ngoài da). Tình trạng này thường xảy ra do vận động quá mức hoặc chấn thương, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến gãy xương, cần can thiệp phẫu thuật.
Triệu chứng
Khi xương bị rạn nứt, tùy thuộc vào vị trí và mức độ nứt xương mà có thể gây nên các triệu chứng như:
- Đau nhức: cơn đau có thể xuất hiện ngay sau khi gặp phải tai nạn gây rạn nứt xương hoặc một thời gian sau đó. Đối với những vết nứt nhỏ, cảm giác đau thường nhẹ và dễ bị nhầm lẫn với các vết thương khác.
- Khả năng vận động giảm: nứt xương xảy ra ở khớp hoặc khu vực quan trọng trong quá trình vận động thì có thể làm giảm khả năng, phạm vi chuyển động.
- Đau khi chạm vào và đau mạnh về đêm: khi chạm vào vùng bị nứt xương thường cảm thấy đau. Cảm giác đau thường trở nên dữ dội hơn vào buổi tối, đặc biệt là khi bệnh nhân nằm ngủ.
Nguyên nhân
Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng rạn xương:
- Tập luyện thể thao sai tư thế, sai kỹ thuật.
- Vận động quá sức, tập luyện liên tục khiến cơ thể không có thời gian nghỉ ngơi.
- Thay đổi bề mặt tập luyện đột ngột, chẳng hạn như chuyển từ chạy ở bề mặt mềm sang bề mặt cứng.
- Chạy trên đường đua hoặc đường có bề mặt dốc.
- Sử dụng giày dép không phù hợp, quá mòn, quá mỏng hoặc quá cứng.
- Thực hiện hoạt động lặp đi lặp lại trong một số môn thể thao, chẳng hạn như: chạy đường dài, quần vợt, bóng rổ, thể dục dụng cụ, khiêu vũ
- Chế độ ăn uống không cung cấp đủ calo cho hoạt động thể lực, thể thao thường xuyên.
- Cơ thể thiếu vitamin D.
Đối tượng nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ dễ đối mặt với tình trạng này cao hơn bình thường:
- Người cao tuổi: Theo quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, xương dần dần trở nên yếu hơn do tổn thương và giảm mật độ xương. Do đó, người già có nguy cơ bị rạn xương cao hơn, đặc biệt là các loại gãy xương do loãng xương.
- Nữ giới: Phụ nữ có nguy cơ cao hơn bị rạn xương cao hơn so với nam giới. Điều này liên quan đến sự giảm estrogen sau khi mãn kinh, một hormone quan trọng cho sự duy trì sức khỏe xương.
- Người bị loãng xương: Những người mắc các bệnh loãng xương như loãng xương khi tiền mãn kinh, loãng xương do dùng corticosteroid có nguy cơ cao hơn bị rạn xương.
- Người có chế độ ăn không cân đối: Việc thiếu canxi và vitamin D trong chế độ ăn hàng ngày có thể làm yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
- Vận động viên và người tham gia hoạt động thể thao cường độ cao: Các hoạt động vận động mạnh và diễn ra liên tục làm tăng rủi ro chấn thương trong thể thao dẫn đến rạn xương.
- Người mắc các bệnh lý xương: Các bệnh lý xương như bệnh Paget, bệnh ung thư xương hoặc bệnh lý đa u nang xương có thể làm yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
- Người có tiền sử gia đình mắc hiện tượng rạn xương: Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong nguy cơ bị rạn xương. Nếu trong gia đình của bạn có người mắc bệnh loãng xương hoặc có tiền sử gãy xương, bạn có thể có nguy cơ cao hơn.
- Thiếu canxi và vitamin D: Canxi và vitamin D là hai yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì sức khỏe xương. Khi cơ thể thiếu canxi hoặc vitamin D, nguy cơ bị rạn xương tăng lên.
- Thói quen sống không lành mạnh: Hút thuốc, uống cồn quá mức, dùng chất kích thích như ma túy có thể làm yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
- Sử dụng corticosteroid: Việc sử dụng corticosteroid trong thời gian dài có thể làm yếu xương và tăng nguy cơ gãy xương.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác rạn, nứt xương, cần chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI), nhất là xương chậu, xương sọ, xương đá…
Ban đầu, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng các triệu chứng và trao đổi về các yếu tố nguy cơ, nguyên nhẫn dẫn đến rạn xương. Người bệnh có thể cần trả lời một số câu hỏi liên quan đến:
- Tiền sử bệnh lý, chấn thương trước đó.
- Thói quen vận động, công việc hàng ngày.
- Triệu chứng cụ thể gặp phải.
- Các loại thuốc đang sử dụng.
Chụp X-quang: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để phát hiện triệu chứng gãy xương. Tuy nhiên, phương pháp này thường khó phát hiện tổn thương do kích thước vết nứt nhỏ. Thực tế, kết quả chụp X-quang đã bỏ sót đến ⅔ trường hợp xương bị rạn. Tuy nhiên, khi xương gãy bắt đầu lành, X-quang có thể quan sát được khối can xương gồ xung quanh chỗ gãy.
Chụp xạ hình xương: Nếu chụp X-quang không mang lại kết quả như mong muốn, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện phương pháp này. Trong quá trình chụp xạ hình xương, chất phóng xạ được tiêm vào máu, tích tụ trong xương và lắng đọng tại những vị trí đang được sửa chữa. Lúc này, vị trí xương rạn sẽ xuất hiện trên máy tính sẽ có màu sắc đậm hơn.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu bác sĩ cần hình ảnh chi tiết hơn về tổn thương, người bệnh có thể được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI). Phương pháp này có nhiều ưu điểm như sau:
- Hạn chế tác động gây hại của tia bức xạ.
- Không mất nhiều thời gian thực hiện.
- Giúp chẩn đoán đồng thời các vấn đề về xương và mô mềm khác.
Phòng ngừa bệnh
Phòng tránh nứt xương cũng giống như gãy xương là một quá trình đòi hỏi bạn phải tăng cường sức khỏe xương kết hợp với việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em và người cao tuổi. Để phòng tránh gãy xương, bạn cần:
- Điều chỉnh thói quen sinh hoạt: Tiêu thụ đầy đủ canxi và vitamin D giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương; đồng thời, hạn chế tiêu thụ rượu bia và thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe xương;
- Tăng cường vận động: Vận động vừa phải như đi bộ, chạy, nhảy, bơi lội,… giúp kích thích hóc-môn tăng trưởng và hệ tuần hoàn, thúc đẩy xương mau lành;
- Tránh nguy cơ gây tai nạn: Sắp xếp nhà cửa sao cho không có vật cản trở hoặc bề mặt quá trơn, làm tăng nguy cơ té ngã;
- Sử dụng đồ bảo hộ: Khi tham gia hoạt động nguy hiểm, như đi xe đạp hay trượt ván, luôn mang theo đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm, bảo vệ cổ chân, tay và khớp gối để giảm thiểu nguy cơ gãy xương;
- Kiểm tra tác dụng phụ của thuốc: Một số thuốc có thể gây mất khoáng chất trong xương, chẳng hạn như thuốc điều trị viêm loét dạ dày, thuốc kháng viêm chứa hoặc không chứa steroids, thuốc bổ sung hormone,… Do đó, bạn cần thảo luận với bác sĩ để có biện pháp ngăn ngừa loãng xương kịp thời hoặc ngừng việc lạm dụng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ;
- Kiểm tra sức khỏe xương định kỳ: Đối với người cao tuổi, việc xem xét việc thực hiện kiểm tra mật độ xương thường niên giúp đánh giá chính xác sức khỏe xương, phòng ngừa nguy cơ loãng xương, dễ gãy.
Điều trị như thế nào?
Sau tai nạn, nếu đau nhức, rất khó chịu vùng xương nào đó, nên nhanh chóng đến bệnh viện ngay không nên chủ quan để đề phòng biến chứng có thể xảy ra. Ở bệnh viện, tùy theo mức độ tổn thương, vị trí của xương, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp cho từng trường hợp trên nguyên tắc cố định (bó bột, nẹp…) và bất động kết hợp với giảm đau, chống phù nề và dinh dưỡng tốt để chóng liền xương
Một số biện pháp thường được áp dụng như:
- Bó bột hoặc băng: Trong một số trường hợp, rạn xương nhẹ có thể được điều trị bằng cách đặt bó bột hoặc băng xung quanh khu vực tổn thương để giữ xương ổn định. Điều này giúp xương hàn lại và phục hồi nhanh chóng. Bó bột hoặc băng thường được giữ trong khoảng thời gian 4-6 tuần, tùy thuộc vào vị trí và tính chất của rạn xương.
- Nạo vét xương: Khi có các mảnh xương bị văng ra hoặc xương bị chèn vào các cơ quan quan trọng, phẫu thuật nạo vét xương có thể được thực hiện. Quá trình này bao gồm việc loại bỏ các mảnh xương không cần thiết hoặc tái điều chỉnh xương để đạt được liên kết chính xác. Sau đó, xương được gắn kết bằng vật liệu như ốc vít, tấm kim loại hoặc chốt.
- Phẫu thuật gắn kết xương: Hiện tượng rạn xương làm mất liên kết xương sẽ được phẫu thuật gắn kết xương. Phương pháp này gồm các công đoạn như sử dụng các bộ gắn kết như ốc vít, tấm kim loại hoặc chốt để giữ các mảnh xương với nhau chính xác nhất.
- Điều trị hỗ trợ: Bên cạnh việc điều trị trực tiếp rạn xương, điều trị hỗ trợ có thể được áp dụng để rút ngắn thời gian phục hồi. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng đai hỗ trợ, tham gia tập vật lý trị liệu, giảm cân, thực hiện các bài tập tăng cường cơ và sức mạnh xung quanh khu vực tổn thương.
- Chăm sóc sau phẫu thuật: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và hướng dẫn về cách chăm sóc vết mổ và khu vực tổn thương để đảm bảo phục hồi tốt.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về rạn xương. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.