Suốt 9 tháng 10 ngày mang thai bao vất vả và lo lắng, chắc hẳn ai làm cha làm mẹ cũng mong ngóng ngày con yêu ra đời. Và ngay khi con yêu vừa cất tiếng khóc chào đời cũng chính là lúc cha mẹ có thể lập tức dành những điều tốt nhất cho con.
Cắt dây rốn chậm
Cắt dây rốn là việc làm mà bác sĩ sẽ thực hiện ngay sau khi đưa em bé ra ngoài bụng mẹ
Tưởng chừng như đây là một việc làm hết sức bình thường, tuy nhiên, việc cắt dây rốn như thế nào cũng có những ảnh hưởng nhất định tới em bé.
Hiện nay, phương pháp cắt dây rốn chậm đã được áp dụng khá rộng rãi, nhất là ở các bệnh viện tư Quốc tế. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu y khoa cho thấy, khi được cắt dây rốn chậm, trẻ sơ sinh sẽ có đủ thời gian để nhận đầy đủ các tế bào gốc tự nhiên từ mẹ của mình, điều này cũng giúp bé quá quá trình chuyển đổi thuận lợi hơn và hệ hô hấp của trẻ sẽ được hoàn thiện hơn.
Da áp da
Da áp da là phương pháp được áp dụng nhiều hơn với sinh thường. Ngay sau khi em bé ra đời sẽ được các bác sĩ và nữ hộ sinh hỗ trợ để thực hiện da áp da với mẹ. Việc da kề da sẽ giúp cả mẹ và bé đều cảm thấy thư giãn, bé sẽ bớt khóc hơn, giúp nhịp tim và hơi thở ổn định hơn. Bé được áp da với mẹ sau sinh sẽ được giữ ấm và duy trì nhiệt độ cơ thể, bé còn giúp mẹ kích thích sản xuất những hormone tuyến sữa hoạt động
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh – Trưởng khoa Phụ Sản bệnh viện ĐKQT Thu Cúc cho biết “Da áp da là phương pháp mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Phương pháp này thường được áp dụng với sinh thường, đối với mẹ có nhiều hạn chế hơn. Tại bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, đối với mẹ sinh mổ, bé cũng được gặp và áp da với mẹ trong thời gian ngắn nếu sức khỏe của cả 2 mẹ con đều ổn định. Ngay sau đó, bé sẽ được thực hiện áp da với bố trong phòng áp da chuyên biệt”.
Bác sĩ Tuấn Minh cũng cho biết thêm “Bằng cách được áp da với bố (đối với trường hợp mẹ sinh thường hoặc vì điều kiện sức khỏe không thể áp da với con), trẻ sơ sinh vẫn hoàn toàn có thể nhận được toàn bộ những lợi ích từ phương pháp da áp da”.
Sàng lọc sơ sinh
Đối với tất cả các loại bệnh, nếu được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng khỏi bệnh sớm và hoàn toàn sẽ dễ dàng hơn. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, việc phát hiện những loại bệnh không có biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài là rất khó khăn. Do đó, cha mẹ có thể tầm soát một số loại bệnh nguy hiểm cho trẻ bằng cách sàng lọc lấy máu gót chân.
Phương pháp sàng lọc này thường được thực hiện cho trẻ sau khi sinh từ 36 – 48 tiếng. Bằng cách lấy máu ở gót chân, trẻ có thể được tầm soát các bệnh về thể lực, trí tuệ và nhiều bệnh lý khác như thiếu men G6PD, tăng tuyến thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh…
Lưu trữ tế bào gốc
Tế bào gốc là tế bào có khả năng tạo ra hoặc tái tạo toàn bộ những tế bào khác trong cơ thể. Do đó, các tế bào trong cơ thể bị mất đi do già rồi chết tự nhiên hoặc do gặp phải một chấn thương nào đó vì những nguyên nhân khác nhau có thể được điều trị bằng tế bào gốc.
Và hơn hết, không ai có thể biết và lường trước được việc một em bé sinh ra khỏe mạnh nhưng sau này lớn lên có thể mắc phải những bệnh gì. Theo nhiều nghiên cứu khoa học, dây rốn của trẻ sơ sinh chính là nguồn cung cấp tế bào gốc rất dồi dào và đa dạng, có thể dùng để chữa trị cho em bé và chính những người thân trong gia đình sau này.
Chính vì vậy, lưu trữ tế bào gốc từ máu cuống rốn – màng dây rốn của trẻ sơ sinh được coi như một hình thức “bảo hiểm sinh học”. Đặc biệt, việc lưu trữ tế bào gốc này chỉ có thể thực hiện ngay sau khi bé vừa chào đời. Do đó, nếu có thể, cha mẹ hãy cố gắng thực hiện việc làm này cho trẻ.
Tuy nhiên hiện nay, không phải tất cả các bệnh viện đều cung cấp các dịch vụ này cho trẻ sơ sinh. Do đó, cha mẹ cần cân nhắc tìm hiểu và lựa chọn bệnh viện phù hợp để có thể thực hiện những việc làm cần thiết trên. Điều này sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con yêu ngay sau khi sinh và bảo vệ tương lai sau này của bé.
Nguồn: Sức khỏe đời sống