Bệnh mạch vành ở người cao tuổi tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với người trẻ, không chỉ ở triệu chứng bệnh mà ngay cả trong quá trình điều trị. Vì vậy, người cao tuổi cần thực hiện tầm soát bệnh mạch vành để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Các yếu tố tăng nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành ở người cao tuổi
- Tuổi tác: Nguy cơ bệnh mạch vành tăng lên theo tuổi, đặc biệt là sau 65 tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn nữ giới, mặc dù nguy cơ ở phụ nữ tăng sau mãn kinh.
- Tiền sử gia đình: Có người thân mắc bệnh mạch vành hoặc các bệnh tim mạch khác làm tăng nguy cơ.
- Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm tăng áp lực lên thành động mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch.
- Đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và xơ vữa động mạch.
- Rối loạn lipid máu: Mức cholesterol LDL cao và cholesterol HDL thấp góp phần vào sự hình thành mảng xơ vữa.
- Hút thuốc lá: Thuốc lá gây tổn thương lớp lót của động mạch và thúc đẩy quá trình xơ vữa.
- Thừa cân, béo phì: Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu.
- Lối sống ít vận động: Thiếu hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, muối và đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Căng thẳng và lo âu: Căng thẳng kéo dài có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh mạch vành.
- Sử dụng rượu bia: Tiêu thụ rượu bia quá mức có thể dẫn đến tăng huyết áp và tổn thương cơ tim.
- Mắc các bệnh lý mãn tính khác: Các bệnh lý như bệnh thận mãn tính và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng có thể tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
Những biểu hiện và triệu chứng thường gặp
Bệnh mạch vành ở người già gây ra bởi sự hình thành của các mảng xơ vữa, dẫn đến lòng mạch bị thu hẹp, lượng máu về tim bị suy giảm và gây ra một loạt các triệu chứng điển hình như:
- Đau thắt ngực: Bệnh nhân cảm nhận cơn đau như lồng ngực bị đè nén nặng nề, đau có thể lan ra vùng vai, lưng, cổ, hàm, cánh tay trái…;
- Khó thở, nhịp thở nhanh và gấp;
- Mệt mỏi khắp người;
- Chóng mặt, choáng váng.
Ở người cao tuổi, triệu chứng của bệnh mạch vành có thể thay đổi do quá trình lão hóa, khiến hệ thần kinh mất đi độ nhạy cảm và thể trạng cơ thể trở nên yếu ớt hơn. Các triệu chứng bệnh mạch vành ở người cao tuổi thường không rõ ràng. Đôi khi, bệnh nhân chỉ cảm nhận được những dấu hiệu thoáng qua, như cảm giác mệt mỏi, khó thở, đau nhẹ ở ngực. Những triệu chứng này thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi, khiến người bệnh không cảm thấy lo lắng. Do đó, việc phát hiện bệnh mạch vành ở người cao tuổi trong giai đoạn đầu là khá khó khăn.
Cách chăm sóc bệnh mạch vành ở người cao tuổi
Để kiểm soát rủi ro trong điều trị bệnh mạch vành, việc sử dụng thuốc đúng liều và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường là rất quan trọng. Nhiều người bệnh hiểu lầm rằng sau khi can thiệp hoặc phẫu thuật điều trị bệnh mạch vành, bệnh đã hoàn toàn khỏi. Do đó, họ có thể trở nên chủ quan và lơ là trong việc duy trì điều trị. Thực tế, sau khi thực hiện can thiệp như đặt stent, nguy cơ xuất huyết hoặc hình thành cục máu đông vẫn tiềm ẩn, và khả năng tái tái tắc hẹp cao nếu không được điều trị kỹ càng.
Người cao tuổi mắc bệnh mạch vành cần duy trì sử dụng thuốc chống đông từ 6 tháng đến 1 năm theo hướng dẫn của bác sĩ và chủ động tái khám nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc để điều chỉnh liều và loại thuốc phù hợp hơn. Đối với những bệnh nhân dùng phương pháp bắc cầu động mạch vành, thủ thuật này giúp giảm đáng kể các triệu chứng đau thắt ngực, cũng như giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, sau 10 năm, đoạn mạch máu được sử dụng để bắc cầu có thể bị lão hóa và tái tắc hẹp, điều này yêu cầu người bệnh thường xuyên khám và có thể cần phải tiếp tục can thiệp theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tập thể dục đều đặn cũng rất quan trọng trong điều trị bệnh mạch vành. Người cao tuổi nên đi bộ từ 30 đến 60 phút mỗi ngày, tuỳ thuộc vào sức khỏe cá nhân, và tránh quá gắng sức. Điều này sẽ giúp cải thiện sự tuần hoàn máu và tăng cường khả năng chịu đựng của tim.
Đổi lại, thay đổi thói quen ăn uống cũng là một thử thách đối với người cao tuổi, đặc biệt khi sống cùng gia đình. Tuy nhiên, việc từ bỏ thuốc lá, hạn chế các chất kích thích, ăn nhiều rau và trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và giảm chất béo, muối sẽ giúp cải thiện chất lượng sống và tăng cơ hội sống thọ của họ.