Mụn cơm sinh dục (hay mụn cóc sinh dục) được biết đến là vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai giới. Bệnh có thể lây qua đường tình dục và gây biến chứng nguy hiểm. Vậy chúng ta nên làm gì khi được chẩn đoán mắc bệnh mụn cóc sinh dục cũng như cách phòng tránh sau khi chữa khỏi là gì? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Mụn cơm sinh dục là gì? Những điều cần biết về mụn cơm sinh dục qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Mụn cơm sinh dục (mụn cóc sinh dục) là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do virus gây u nhú ở người (HPV) gây ra.
HPV có rất nhiều túyp, nhưng trong đó chỉ có vài typ gây nên mụn cóc sinh dục. HPV lan truyền rất mạnh qua tiếp xúc da với da. Trên thực tế HPV phổ biến đến mức Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nhận định đa số người trong độ tuổi hoạt động tình dục đều nhiễm HPV ở một vài thời điểm nào đó. Bên cạnh đó, vì HPV lan truyền rất mạnh qua tiếp xúc da với da, và bởi HPV có rất nhiều type, nên nguy cơ phơi nhiễm với nhiều typ HPV khác nhau là rất dễ xảy ra.
Tuy nhiên, không phải cứ nhiễm HPV là sẽ mắc bệnh (như mụn cóc sinh dục). May mắn là trong đa số trường hợp virus sẽ bị hệ miễn dịch của cơ thể đào thải và không gây bệnh.
Triệu chứng
Triệu chứng của mụn cóc sinh dục bao gồm:
- Khối nhỏ như mụn thịt hay có màu xám ở khu vực sinh dục.
- Nhiều mụn cóc ở gần nhau nhìn có dạng như bông cải
- Ngứa hay khó chịu ở khu vực sinh dục
- Chảy máu khi giao hợp
Mụn cóc sinh dục có thể rất nhỏ và phẳng nên rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, chúng có thể nhân lên thành những đám lớn.
Nguyên nhân
Virus HPV là nguyên nhân gây ra các loại mụn cóc sinh dục. Có hơn 40 chủng HPV ảnh hưởng đến vùng sinh dục nhưng chỉ một vài trong số chúng có liên quan đến căn bệnh này. HPV là virus có khả năng lây truyền cao khi tiếp xúc với da, chính vì thế mà chúng rất dễ lây qua đường tình dục. Có thể bạn không biết, việc sử dụng chung sex toy với người bị bệnh cũng làm tăng nguy cơ mắc mụn cóc sinh dục.
Chủng virus gây mụn cóc sinh dục khác với chủng gây mụn cóc thông thường ở tay hoặc các vị trí khác trên cơ thể. Do đó, mụn cóc gần như không lây truyền từ tay sang cơ quan sinh dục và ngược lại.
Đối tượng nguy cơ
Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục có thể mọc ở âm hộ, thành âm đạo, vùng giữa cơ quan sinh dục ngoài và hậu môn, ống hậu môn và cổ tử cung.
Ở đàn ông, chúng có thể mọc ở đầu hoặc thân dương vật, bìu, hay ở hậu môn. Mụn cóc sinh dục có thể có ở miệng hay họng của những người quan hệ tình dục qua đường miệng với những người bị nhiễm bệnh.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tình trạng này, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe hiện tại, các triệu chứng gặp phải cũng như hành vi quan hệ tình dục trong quá khứ. Bác sĩ cần biết bạn có sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục hoặc có quan hệ bằng miệng hay không.
Tiếp đó, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ càng những nơi mà mụn cóc có thể phát triển trên cơ thể bạn. Đối với mụn cóc sinh dục nữ, bác sĩ có thể phải tiến hành khám vùng chậu vì một số mụn cóc có thể mọc sâu bên trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm Pap (xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung) để kiểm tra sự hiện diện của HPV.
Phòng ngừa bệnh
Để ngăn ngừa khả năng bị lây nhiễm virus HPV cũng như bệnh mụn cóc, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Luôn sử dụng bao cao su hoặc biện pháp tình dục an toàn: Bao cao su, màng chắn miệng,… là các sự lựa chọn giúp chúng ta tránh xa nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Trong đó bao gồm cả virus HPV. Ngoài ra, mỗi người nên chủ động chọn mua bao cao su uy tín, học cách sử dụng bao cao su đúng cách và tuyệt đối không tái sử dụng bao cao su.
- Tiêm phòng ngừa HPV đối với cả nam và nữ trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi. Các mũi tiêm này được khuyến cáo tiêm trước khi quan hệ tình dục vì đây là giai đoạn vắc-xin phát huy tác dụng toàn diện nhất.
- Dừng ngay hoạt động quan hệ tình dục nếu phát hiện bản thân hoặc bạn tình có dấu hiệu nghi ngờ có mụn cóc sinh dục.
- Khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường có nghi ngờ mình bị nhiễm virus HPV, cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị có thể khiến các triệu chứng của bệnh biến mất nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể tái phát mụn cóc sau khi quá trình chữa trị kết thúc.
Mụn cóc ở vùng kín có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị căn bệnh này bao gồm:
- Imiquimod: Loại thuốc bôi mụn cóc sinh dục này có tác dụng tăng cường khả năng chống lại mụn của hệ miễn dịch. Cần tránh quan hệ tình dục khi thuốc đang được bôi trên da
- Podophyllin và podofilox: Đây là một loại nhựa thực vật có tác dụng phá hủy mô mụn sinh dục hpv. Tuy nhiên, bạn không nên dùng chúng trong thời kỳ mang thai.
- Trichloroacetic acid: Phương pháp điều trị hóa học này đốt cháy mụn cóc và có thể sử dụng cho mụn cóc nằm ở sâu.
- Sinecatechin: Đây là một dạng thuốc bôi mụn cóc sinh dục được dùng để điều trị mụn cóc mọc bên ngoài vùng kín cũng như mụn cóc mọc ở trong và xung quanh ống hậu môn.
Nếu mụn cóc không biến mất theo thời gian, bạn sẽ cần phẫu thuật để loại bỏ chúng. Một số phương pháp thường được sử dụng là đốt điện, áp lạnh, phẫu thuật bằng laser…
Để tự bảo vệ sức khỏe của mình và ngăn ngừa sự lây lan của virus HPV cũng như mụn cóc sinh dục, việc sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục là rất quan trọng. Bao cao su được coi là phương tiện hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Hãy liên lạc với bác sĩ của bạn khi gặp các triệu chứng trên.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.