Viêm buồng trứng là bệnh khá phổ biến ở nữ giới, đặc biệt là chị em trong độ tuổi sinh sản. Những năm trở lại đây, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm buồng trứng không ngừng tăng lên gây nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của chị em. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về những điều cần biết về viêm buồng trứng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Buồng trứng là một phần quan trọng của hệ thống sinh sản ở nữ giới. Đây là một tuyến sinh dục có chức năng tạo thành giao tử cái hoặc còn gọi là trứng và tổng hợp hormone quy định giới tính nữ, estrogen và progesterone. Buồng trứng nằm trong khung chậu và ở hai bên tử cung, kết nối thông qua các ống dẫn trứng, tiếp cận buồng trứng trong quá trình rụng trứng để đón lấy trứng được phóng thích.
Viêm buồng trứng là một thuật ngữ có định nghĩa là hiện tượng viêm xảy ra tại cơ quan buồng trứng, thuộc nhóm bệnh viêm vùng chậu hay viêm sinh dục trên. Tình trạng viêm này sẽ có thể cùng lúc ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong khung chậu, bao gồm tử cung, nội mạc tử cung, ống dẫn trứng, buồng trứng và có thể là thành bụng hoặc phúc mạc.
Triệu chứng
Viêm buồng trứng được chia làm 2 loại:
Viêm buồng trứng cấp tính:
- Thường là đau dữ dội vùng bụng dưới do buồng trứng bị viêm gây rối loạn kinh nguyệt.
- Sốt, mệt mỏi kèm đau bụng dưới.
- Khi kiểm tra phụ khoa, nắn vào phần phụ thấy sưng nề, đau rõ rệt, khí hư màu vàng.
- Chán ăn và rối loạn tiêu hóa.
Viêm buồng trứng mãn tính:
- Đau bụng ở những mức độ khác nhau. Bụng dưới đau tức, lúc nặng lúc nhẹ, đặc biệt là khi mệt mỏi và trong kỳ kinh nguyệt.
- Lượng kinh nguyệt ra nhiều bất thường, máu kinh có màu đen, vón cục lớn đi kèm cảm giác đau nhức thắt lưng, vùng chậu.
- Kèm theo khí hư ra nhiều, có màu và mùi bất thường
- Khi khám phụ khoa sẽ thấy đau, kiểm tra phần phụ đôi khi có thể sờ thấy những khối sưng nề, ấn vào người bệnh bị đau. Thông thường, khi siêu âm sẽ không thấy những dấu hiệu bất thường nào. Trừ khi có hiện tượng tượng tích nước trong ống dẫn trứng hoặc khi đã hình thành u nang trong ống dẫn trứng và buồng trứng.
- Sốt cao đi kèm với tình trạng mệt mỏi thậm chí có thể kèm co giật.
Nguyên nhân
Bệnh này có nguyên nhân chính là qua sự lây nhiễm. Căn nguyên của bệnh là nhiễm trùng vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, E.coli,…) hoặc một số tác nhân khác (xoắn khuẩn, virus…). Có hai loại vi khuẩn thường gây lên bệnh nhất là chlamydia và vi khuẩn của bệnh lậu. Những hàng rào bảo vệ của cơ quan sinh dục không đủ khả năng ngăn chặn vi sinh vật xâm nhập.
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm ở mô buồng trứng thường do ống dẫn trứng bị nhiễm trùng. Các khoang của ống dẫn trứng luôn vô trùng, vì thế ống dẫn trứng bị nhiễm đa phần do vi khuẩn xâm nhập thông qua những đường vào âm đạo, cổ tử cung và tử cung. Ở hầu hết các trường hợp, cơ thể người phụ nữ khỏe mạnh sẽ tự chống lại sự lây nhiễm và ngăn không cho bệnh lan rộng.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng có những yếu tố sau có nguy cơ mắc bệnh cao là:
- Những người có cơ quan sinh dục ngoài và nội mạc tử cung đã từng bị tổn thương: Khi người bệnh được thực hiện các thủ thuật liên quan đến bộ phận sinh dục. Các tác nhân mầm bệnh sẽ xâm nhập thông qua các tổn thương ở niêm mạc và bắt đầu phát triển, sau đó di chuyển lên tử cung. Các tác nhân mầm bệnh sẽ xâm nhập thông qua dụng cụ phẫu thuật.
- Có sự viêm nhiễm của các bộ phận sinh dục: Bệnh lậu sau khi gây tổn hại các tế bào biểu mô của đường sinh dục ngoài và phát triển lan rộng. Từ đó nguy cơ cao buồng trứng bị viêm.
- Viêm nhiễm mạn tính ở trong tử cung: Mầm bệnh gây mạn tính nội mạc tử cung có thể sẽ di chuyển qua ống dẫn trứng và gây ra tình trạng buồng trứng viêm.
- Vòng tránh thai làm thủng nội mạc tử cung: Khi đặt vòng tránh thai bị nhiễm khuẩn, các tác nhân sẽ theo đó gây nên nhiễm trùng âm đạo và di chuyển vào nội mạc tử cung, sau đó đến ống dẫn trứng và làm buồng trứng bị viêm.
- Người có tâm lý căng thẳng, cơ thể suy nhược
- Xu hướng quan hệ tình dục: Việc quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình sẽ tăng cao mầm bệnh gây nên buồng trứng bị viêm và một số loại bệnh khác lây qua đường tình dục.
- Từng bị viêm cổ tử cung, và vùng chậu trước đó
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm buồng trứng, người bệnh cần nằm trên bàn khám với tư thế phụ khoa. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra phần phụ bằng cách đặt mỏ vịt. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ cần đến các xét nghiệm máu và siêu âm. Công cụ siêu âm phần phụ ngày nay khá phổ biến, đơn giản và dễ thực hiện, nhằm phát hiện bất thường trên buồng trứng cũng như các biến chứng khác đi kèm.
Ngoài ra, một điều quan trọng nhất cần lấy bệnh phẩm. Mẫu này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xác định các tác nhân gây viêm cũng như độ nhạy của mầm bệnh vi khuẩn đối với các loại kháng sinh nhằm lựa chọn thuốc phù hợp, đạt hiệu quả diệt trùng.
Phòng ngừa bệnh
Có nhiều biện pháp để phòng ngừa nguy cơ bị viêm buồng trứng, trong đó việc duy trì chế độ sinh hoạt khoa học có ý nghĩa quan trọng hàng đầu góp phần giảm sự nguy cơ mắc bệnh. Các biện pháp cụ thể như:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
- Có phương pháp tránh thai an toàn để tránh việc mang thai ngoài ý muốn
- Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe
- Duy trì việc tập thể dục thường xuyên để có cơ thể khỏe mạnh
- Quan hệ tình dục an toàn
- Thăm khám phụ khoa thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh
Điều trị như thế nào?
Mỗi nguyên nhân gây viêm buồng trứng đều có phương pháp điều trị khác nhau.
- Bệnh viêm buồng trứng chủ yếu được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh được chọn để có thể tiêu diệt cả hai loại vi khuẩn. Điều quan trọng là bệnh nhân cần sử dụng đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ và tiếp tục điều trị ngay cả khi các triệu chứng biến mất, nếu không bệnh có thể tái phát.
- Bệnh nhân viêm buồng trứng cần nghỉ ngơi tại giường và uống đủ nước.
- Ở giai đoạn cấp tính cần phải tiến hành siêu âm, lấy mủ.
- Trong trường hợp kết dính viêm, áp xe hoặc u nang lớn hơn cần được phẫu thuật cắt bỏ.
- Trong thời gian điều trị viêm buồng trứng, người bệnh cần kiêng quan hệ tình dục.
- Ngoài ra, cần kết hợp một lối sống lành mạnh để tránh những tổn thương tiếp tục vào bên trong như vệ sinh vùng kín sạch sẽ, mặc quần áo và dùng băng vệ sinh đảm bảo chất lượng để tránh các loại vi khuẩn, ký sinh trùng thâm nhập vào theo đường sinh dục và gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.