Đái tháo đường hay tiểu đường được xếp vào nhóm các bệnh nguy hiểm nhất thời đại. Không chỉ người lớn tuổi mà tỷ lệ các bạn trẻ mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng, trong đó thường gặp nhất có đái tháo đường type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về loại type 1 trong bài viết dưới đây.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 1
Bệnh thường diễn tiến vài tháng đến vài năm trước khi các triệu chứng đầu tiên được chú ý. Các triệu chứng đái tháo đường có thể hình thành và khởi phát trong một thời gian ngắn từ vài tuần đến vài tháng. Một khi xuất hiện các triệu chứng có thể khá nghiêm trọng. Bao gồm:
- Đi tiểu nhiều: cơ thể tăng thải lượng đường dư thừa trong máu qua thận dẫn đến tình trạng tiểu nhiều.
- Khát nước nhiều: khi có nhiều đường trong máu, cơ thể sẽ đi tiểu nhiều hơn để loại bỏ đường. Điều này dẫn đến tình trạng mất nước, khô miệng, khát nước.
- Uống nước nhiều: khi cơ thể bị mất nước sẽ cố gắng bù trừ bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ngọt.
- Giảm cân/Cảm thấy đói nhanh chóng (đặc biệt là sau khi ăn). Khi glucose đi ra ngoài cơ thể qua đường tiểu sẽ mang theo calo. Điều này giải thích vì sao nhiều người có lượng đường trong máu cao lại có xu hướng giảm cân hoặc xuất hiện tình trạng nhanh đói. Mất nước cũng là một trong những yếu tố gây sụt cân.
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Thường xuyên bị nhiễm trùng da, đường tiết niệu hoặc âm đạo
- Cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng
- Đái dầm mới xuất hiện ở trẻ trước đó không có
Các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hơn ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 bao gồm:
- Bứt rứt, lú lẫn
- Thở nhanh sâu (nhịp thở Kussmaul)
- Hơi thở có mùi trái cây (mùi táo chín…)
- Đau bụng
- Mất ý thức (hiếm gặp)
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1
Nguyên nhân gây đái tháo đường tuýp 1 có thể do tự miễn hoặc vô căn.
Đái tháo đường tuýp 1 do tự miễn
Tình trạng tự miễn phá hủy tế bào beta đảo tụy sản xuất insulin, ví dụ: tự kháng thể kháng tế bào đảo tụy (ICA), tự kháng thể kháng insulin (IAA), tự kháng thể kháng glutamic acid decarboxylase (GAD), tự kháng thể kháng tyrosine phosphatase IA-512/ICA-1,…
Đái tháo đường do tự miễn thường gặp ở người trẻ, nhưng có thể xảy ra ở người lớn tuổi 80, 90. Quá trình phá hủy các tế bào beta đảo tụy có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng. Ở người trẻ bệnh thường diễn tiến nhanh hơn.
Đái tháo đường tuýp 1 tự miễn thường đi kèm với các bệnh tự miễn khác như: Basedow, viêm tuyến giáp Hashimoto, Addison, bạch biến, thiếu máu ác tính.
Đái tháo đường tuýp 1 vô căn
Một số người bị đái tháo đường tuýp 1 không liên quan đến tình trạng tự miễn, cũng không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Các trường hợp này chiếm tỉ lệ nhỏ, gây thiếu insulin tuyệt đối và rất dễ dẫn đến nhiễm toan ceton.
Bệnh có xu hướng di truyền mạnh. Một người nếu có bố, mẹ hoặc anh chị em bị tiểu đường loại 1 thì có nguy cơ cao cũng mắc bệnh.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 1
Người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 phải gánh chịu những cơn đau đớn về sức khỏe, tinh thần, tốn nhiều chi phí chữa trị. Dưới đây là cách phòng bệnh tiểu đường cả tuýp 1 và tuýp 2, mọi người nên lưu ý:
- Tránh để nhiễm độc, nhiễm virus… để hạn chế nguy cơ phá hủy tế bào beta tuyến tụy.
- Kiểm soát cân nặng, không để tăng cân quá đà (dễ rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đường huyết) hoặc quá thấp đều dẫn đến sức đề kháng giảm sút.
- Ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn những thực phẩm quá ngọt, giàu chất béo. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt (đậu phộng, óc chó, hạt dẻ…).
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.
- Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra lượng đường thường xuyên để sàng lọc bệnh. Điều này rất quan trọng với người bệnh tiền đái tháo đường có cơ hội để ngăn bệnh tiến triển nhanh sang tiểu đường.
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống bia rượu.
- Kiểm tra, chăm sóc đôi chân mỗi ngày để tránh tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu ở chân, điều trị các bệnh nhiễm trùng chân.
Cách chăm sóc người bệnh tiểu đường tuýp 1
Đái tháo đường type 1 khi đã bộc lộ ra ngoài thì các triệu chứng thường rất dồn dập và nguy cấp khiến người bệnh khó lòng thích ứng hay kiểm soát tình hình. Nhiều bệnh nhân khi phát hiện ra thì lập tức phải nhập viện theo dõi do quá nghiêm trọng. Lúc này, bệnh nhân cần đặc biệt nghiêm túc trong việc đo lượng đường huyết thường xuyên hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần cho tới khi ổn định.
Bên cạnh đó, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân bị đái tháo đường type 1 uống các loại thuốc điều trị đặc trị, đồng thời kết hợp một số phương pháp điều trị phổ biến nếu cần khác như sau:
Bổ sung Insulin chủ động
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh đái tháo đường tuýp 1. Việc cần làm là bệnh nhân phải được cung cấp đủ nhu cầu insulin cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Liều lượng linh hoạt từng thể trạng mỗi người. Bệnh nhân có thể đến các cơ sở y tế hoặc tự bổ sung insulin qua đường tiêm ở tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ, thường thì mỗi ngày từ 2-3 lần.
Chế độ dinh dưỡng chuyên biệt và phù hợp
Mục đích cuối cùng của việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng chuyên biệt chính là điều tiết lượng đường được đưa vào cơ thể mỗi ngày để không bị quá tải. Khi không may bị đái tháo đường loại này thì lời khuyên cho các bệnh nhân là hãy tìm tới chuyên gia dinh dưỡng hoặc xin tư vấn chi tiết từ bác sĩ của mình. Ví dụ như: Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ, nhiều bữa phụ trong ngày, ưu tiên ăn các loại đường đa hay đường đơn, chất béo loại nào thì phù hợp…
Tập thể dục và điều tiết sinh hoạt hợp lý
Chưa cần tới khi bị bệnh thì việc luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày đã giúp chúng ta tăng sức đề kháng, tăng lưu thông máu và chuyển hóa chất. Người mắc bệnh đái tháo đường được khuyên là thường xuyên áp dụng các bài tập phù hợp mỗi ngày, tuần để kiểm soát lượng đường huyết.
Bên cạnh đó, cần chú ý tới việc kiểm tra mắt, chân tay thường xuyên để ngăn chặn, lường trước các biến chứng ngay từ giai đoạn sớm bằng việc định kỳ thực hiện các sàng lọc và kiểm soát biến chứng.
Bệnh nhân chủ động trang bị cho mình thiết bị đo đường huyết hằng ngày và chăm chỉ kiểm tra sức khỏe khi cần.
Tại Việt Nam, đái tháo đường type 1 nói riêng và tiểu đường nói chung nằm trong nhóm 4 bệnh nghiêm trọng có tốc độ phát triển nhanh nhất và gây thiệt hại lớn cho con người và xã hội. Điều cần thiết hiện tại là các cơ quan y tế và mỗi cá nhân cùng chung tay trong việc phát hiện các biểu hiện của tiểu đường type 1 càng sớm càng tốt. Khi đó khả năng chữa bệnh sẽ dễ dàng hơn, hạn chế tối đa các biến chức sức khỏe không mong muốn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.