Trầm cảm sau sinh rất phổ biến. Trên thế giới, khoảng 13% phụ nữ bị trầm cảm trong nhiều tháng đầu sau sinh. Theo ước tính trên thế giới có trên 300 triệu người bị trầm cảm, hay cứ 25 người thì có 1 người bị trầm cảm. Đây là một rối loạn tâm thần biểu hiện bằng sự buồn bã dai dẳng hoặc mất hứng thú đối với tất cả những thứ trước đây mình thích, kèm theo không có khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, thời gian ít nhất 2 tuần.
Ngoài ra, người trầm cảm thường có các triệu chứng sau: cảm giác không còn sức lực; thay đổi cảm giác ngon miệng; mất ngủ hay ngủ quá nhiều; lo lắng; giảm tập trung; do dự; thấy bất an; cảm thấy bản thân vô dụng, tội lỗi hoặc mất hy vọng; có suy nghĩ tự hại bản thân hoặc tự sát.
Nữ giới dễ bị trầm cảm hơn
Nhân ngày Sức khoẻ thế giới (7/4), Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trầm cảm phổ biến hơn ở nữ giới so nam giới. Theo ước tính mới nhất trên toàn cầu, 5,1% nữ giới bị trầm cảm, trong khi đó tỷ lệ này ở nam giới là 3,6%.
Ở đối tượng phụ nữ mang thai, trên thế giới, khoảng 10% phụ nữ mang thai mắc chứng rối loạn tâm thần, chủ yếu là trầm cảm. Một số nghiên cứu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cho thấy tỷ lệ hiện mắc trầm cảm ở các nước này cao hơn. Trầm cảm trong quá trình mang thai, gọi là “trầm cảm trong thời kỳ mang thai” là một yếu tố nguy cơ lớn đối với trầm cảm sau sinh. Ước tính, khoảng 13% phụ nữ bị trầm cảm trong nhiều tháng đầu sau sinh.
Các triệu chứng trầm cảm sau sinh gồm:
-
- Cảm thấy mệt đến kiệt sức, cảm giác tủi thân kéo dài mà không có lý do rõ ràng;
-
- Không quan tâm gắn bó với con mình
-
- Cảm thấy mình không thể chăm sóc cho bản thân và con mình.
Đây là những triệu chứng thêm ngoài các triệu chứng thường gặp khác như buồn bã dai dẳng; mất hứng thú/không quan tâm tới các hoạt động thường làm; và thay đổi cảm giác ngon miệng và mất ngủ hoặc ngủ quá mức.
Nếu không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể kéo dài trong vài tháng thậm chí vài năm. Trầm cảm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của em bé.
Cách nào tránh trầm cảm trước và sau sinh?
Theo các chuyên gia, các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm trong thời kỳ mang thai và sau sinh là: tiền sử bị trầm cảm, những biến cố căng thẳng gần đây trong cuộc sống, thiếu mạng lưới hỗ trợ xã hội, không có mối quan hệ tốt đẹp và lo lắng trong quá trình mang thai. Những phụ nữ bị trầm cảm trong quá trình mang thai sẽ có nhiều khả năng bị trầm cảm sau sinh hơn so với những người không bị trầm cảm trong quá trình mang thai.
Các bác sĩ cho rằng, trầm cảm trước và sau sinh có thể điều trị hiệu quả được. Quan trọng là phát hiện và điều trị sớm. Các biện pháp điều trị đầu tiên là liệu pháp trò chuyện như Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hay Liệu pháp giao tiếp (IPT). Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cần tránh dùng thuốc chống trầm cảm, nếu có thể. Nếu liệu pháp nói chuyện không hiệu quả, cần cân nhắc dùng một số loại thuốc chống trầm cảm, khởi trị bằng liều dùng thấp nhất có thể.
Lồng ghép hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ có thể giúp phát hiện và điều trị sớm trầm cảm cho phụ nữ trước và sau sinh.
WHO cho biết, nhiều phụ nữ cho biết tâm trạng họ kém hơn trước kia sau khi bắt đầu sử dụng thuốc uống tránh thai phối hợp. Các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc áp dụng các biện pháp tránh thai và trầm cảm là không rõ ràng nhưng không có bằng chứng cho thấy các biện pháp tránh thai này gây trầm cảm.
Kết quả của các nghiên cứu này không nói rằng phụ nữ không nên dùng thuốc uống tránh thai phối hợp. Cần có thêm nghiên cứu để tìm hiểu mối liên quan này.
Theo hướng dẫn của WHO về sự phù hợp để áp dụng các biện pháp tránh thai thì không có giới hạn trong việc sử dụng các biện pháp nội tiết tố (viên uống, miếng dán, đặt vòng, cấy, tiêm) ở phụ nữ bị trầm cảm. Tuy nhiên, không có số liệu về các biện pháp tránh thai nội tiết tố ở phụ nữ bị rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm sau sinh.
Nguồn: D.Hải