Viêm phế quản cấp tính là tình trạng viêm của cây khí-phế quản, thường xảy ra sau nhiễm trùng đường hô hấp trên mà không có bệnh phổi mạn tính. Nguyên nhân hầu như luôn là nhiễm virus. Các virus này có thể lây lan trong không khí khi người ta ho hay qua tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, viêm phế quản cấp tính có thể do bị bội nhiễm vi khuẩn.
Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về các triệu chứng của viêm phế quản cấp, cách điều trị và phòng ngừa viêm phế quản cấp nhé.
Các triệu chứng của viêm phế quản cấp là gì?
Viêm phế quản có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh về đường hô hấp trên. Khi bị viêm phế quản cấp, người bệnh sẽ xuất hiện những triệu chứng dưới đây:
- Ho: Người bị viêm phế quản cấp thường bị ho liên tục, ho khan, ho có đờm. Khi ho, có thể kèm theo triệu chứng đau tức ngực, chảy nước mũi.
- Đau họng: Cổ họng của người bệnh có thể sưng to, ngứa rát và đau khi nuốt.
- Tiết đờm: Phản ứng viêm thường gây nên tình trạng tiết dịch đờm. Đờm có thể có màu xanh, vàng hoặc trắng.
- Sốt: Người bệnh có thể bị sốt theo từng cơn hoặc sốt liên tục. Tuy nhiên, cũng có người không bị sốt.
- Thở khò khè: Thành phế quản bị sưng, viêm, phù nề dẫn đến hẹp lòng phế quản. Do đó, khi thở, không khí đi qua khe hẹp nên sẽ phát ra tiếng khò khè.
- Mệt mỏi: Khi bị bệnh, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, uể oải.
- Biểu hiện khác: Ngoài những triệu chứng kể trên, người bị viêm phế quản cấp còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở nhanh.
Viêm phế quản cấp được điều trị như thế nào?
Các loại thuốc điều trị triệu chứng:
Gần như tất cả các bệnh nhân bị viêm phế quản cấp chỉ cần điều trị triệu chứng, bằng cách sử dụng acetaminophen và bù dịch. Ngoài ra trong một số trường hợp có thể sử dụng một số loại thuốc giảm ho, loãng đờm và giãn phế quản nhưng cần lưu ý:
- Thuốc giảm ho chỉ nên cân nhắc sử dụng nếu tình trạng ho gây khó chịu hoặc ảnh hưởng tới giấc ngủ.
- Thuốc cường beta 2 dạng hít có thể được sử dụng trong một vài ngày khi bệnh nhân thở khò khè. Thuốc này không được khuyến cáo dùng rộng rãi bởi vì có thể gây các tác động bất lợi như gây run, căng thẳng…
- Thuốc tiêu đờm: Không có chỉ định rõ ràng về việc sử dụng thuốc tiêu đờm.
Điều trị bằng kháng sinh khi:
- Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích khiêm tốn về triệu chứng khi sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản cấp tính. Tuy nhiên cần khuyến cáo bệnh nhân và trì hoãn kê đơn (chỉ kê đơn nếu các triệu chứng không cải thiện sau ít nhất vài ngày) để hạn chế việc sử dụng kháng sinh không cần thiết.
- Thuốc kháng sinh đường uống thường chỉ được sử dụng nếu bệnh nhân bị ho gà hoặc trong các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn (mycoplasma, chlamydia) bùng phát dịch bệnh. Các loại kháng sinh cần được kê bởi bác sĩ chuyên khoa và sử dụng đúng liều lượng, tránh gây tác dụng phụ và nhờn thuốc.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp?
Phòng bệnh viêm phế quản cấp bao gồm:
- Cách ly người bệnh, không tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện viêm hô hấp, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, huấn luyện ho (khi ho phải ho vào khăn hoặc che miệng bằng vạt áo)…
- Vệ sinh các bề mặt: Vi khuẩn có thể dính trên bề mặt bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, áo quần… do đó cần thiết vệ sinh thường xuyên những vật dụng này.
- Uống nhiều nước, giữ ấm vào mùa đông.
- Bổ sung vi chất: Nếu muốn bổ sung kẽm, vitamin C thì cần có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Tăng cường dinh dưỡng: Ăn đa dạng thực phẩm và tiêm phòng vaccin phòng bệnh.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về triệu chứng viêm phế quản cấp, cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm phế quản cấp nhé.