Ung thư tế bào hắc tố hắc tố da rất nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm, cơ hội điều trị bệnh hiệu quả sẽ rất cao. Chính vì thế, ngay khi phát hiện những bất thường trên da, bạn nên đi khám sớm để được kiểm tra về sức khỏe, phòng tránh hậu quả nghiêm trọng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Ung thư tế bào hắc tố qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể, diện tích che phủ khoảng hơn 1,8m2. Da bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, siêu vi và vi nấm; giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ và cảm nhận xúc giác (nóng, lạnh).
Da có 3 lớp:
- Thượng bì (biểu bì): lớp ngoài cùng, là hàng rào giúp chống thấm nước và tạo màu sắc cho da.
- Trung bì: dưới lớp thượng bì, chứa các mô liên kết, mạch máu, nang lông (tóc) và tuyến mồ hôi.
- Hạ bì: lớp dưới cùng, chứa mô mỡ, mô liên kết và mạch bạch huyết.
Ung thư tế bào hắc tố phát triển từ các tế bào thượng bì (biểu bì) tạo hắc tố (Melanocyte). Các tế bào này có nhiệm vụ sản xuất ra melanin (sắc tố mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt). Melanin giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia cực tím (UV). Mức độ melanin trong da là do di truyền từ ba mẹ qua con cái. Tuy nhiên, vẫn có vài yếu tố ảnh hưởng đến việc tạo ra Melanin:
- Tiếp xúc tia cực tím (phơi nắng hoặc nhuộm da)
- Hormones
- Tuổi
- Rối loạn sắc tố da.
Ung thư tế bào hắc tố được xem là loại ung thư da nguy hiểm nhất. Chúng có khả năng tiến triển nhanh và di căn xa đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Tuy nhiên, đây là bệnh vẫn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Triệu chứng
Dưới đây là các dấu hiệu của ung thư da hắc tố ở giai đoạn sớm mà bạn nên chú ý:
- Nốt ruồi trên cơ thể bị thay đổi màu sắc, hình dạng và kích thước
- Nốt ruồi dần sẫm màu, bị loét sùi, không đối xứng
- Một số đốm, mảng da có màu lạ đột ngột xuất hiện và lan ra
- Da ngứa hoặc bị chảy máu
- Đặc biệt, ung thư hắc tố xuất hiện ở mắt sẽ làm thay đổi thị lực người bệnh
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ung thư hắc tố da hiện chưa được sáng tỏ tuy nhiên tiếp xúc nhiều với tia UV từ ánh nắng mặt trời là yếu tố nguy cơ chính của bệnh.
Ung thư hắc tố da xảy ra khi các tế bào sản xuất melanin – sắc tố da của cơ thể bị phát triển quá mức không thể kìm hãm, dẫn đến hình thành khối u ác tính. Nguyên nhân là do các tổn thương ADN ở tế bào bình thường. Tuy nhiên tại sao ADN bị tổn thương và dẫn tới hình thành các khối u vẫn chưa được biết rõ.
Các bác sĩ cho rằng tiếp xúc với tia UV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư hắc tố da. Tia UV không phải là nguyên nhân gây tất cả các trường hợp ung thư hắc tố, đặc biệt ở các vị trí không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (kẽ tay chân, gan bàn tay, bàn chân…). Điều đó chứng tỏ có nhiều yếu tố nguy cơ khác của ung thư hắc tố, bao gồm:
- Da trắng: Có ít các sắc tố (melanin) trên da có nghĩa rằng bạn có ít khả năng bảo vệ khỏi các bức xạ UV hơn. Người tóc vàng, người dễ dàng có các tàn nhang, rám nắng có nguy cơ phát triển ung thư hắc tố hơn người da da đen.
- Tiền sử rám nắng: tăng nguy cơ ung thư hắc tố
- Sống vùng gần xích đạo: có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời với năng lượng bức xạ cao hơn, phơi nhiễm với tia UV nhiều hơn.
- Có nhiều nốt ruồi hoặc các nốt ruồi không bình thường: Có nhiều hơn 50 nốt ruồi là yếu tố nguy cơ của ung thư hắc tố. Tương tự, có nhiều các nốt ruồi bất thường cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
- Tiền sử gia đình bị ung thư hắc tố: người có tiền sử gia đình mắc ung thư hắc tố, đặc biệt là người thân thế hệ 1 như bố mẹ, anh chị em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Suy giảm hệ miễn dịch: người có hệ miễn dịch bị suy giảm có nguy cơ ung thư hắc tố da cao hơn.
Đối tượng nguy cơ
Yếu tố nguy cơ có thể đến từ những hoạt động của chính bản thân người bệnh, tác động từ môi trường sống xung quanh hoặc được truyền từ ba mẹ sang con cái qua bộ gen (gen là bộ mã hóa cho các tế bào trong cơ thể chúng ta). Có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ mắc ung thư hắc tố da.
Yếu tố di truyền
- Da sáng màu: Người có làn da sáng màu có nghĩa có ít hắc tố (melanin) nên ít được bảo vệ khỏi tác hại của tia cực tím.
- Da nhiều tàn nhang: Đa số tàn nhang sẽ không gây hại cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, người có nhiều tàn nhang nghĩa là có làn da khá nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời lại là một trong những yếu tố nguy cơ ung thư da.
- Da dễ cháy nắng: Người dễ bị cháy nắng hay người đã cháy nắng nhưng vẫn thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, đặc biệt có đỏ da và rộp da sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư tế bào hắc tố da.
- Mắt và tóc sáng màu: Tóc vàng hay đỏ; con ngươi màu sáng.
- Nhiều nốt ruồi và nốt ruồi bất thường: Người có nhiều nốt ruồi hoặc có các nốt ruồi hình dạng và kích thước bất thường (> 6mm, bờ không đều, bề mặt gồ ghề…).
- Làn da dễ cháy nắng, nhiều tàn nhang cũng là các yếu tố nguy cơ ung thư hắc tố da.
Yếu tố môi trường
Việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím sẽ tăng tốc độ lão hóa da và tăng nguy cơ ung thư da. Nguồn tia cực tím đến từ việc tắm nắng quá mức, sử dụng thiết bị nhuộm da nhân tạo, sống ở vùng khí hậu nắng nóng cao, làm việc ngoài trời…
Yếu tố tiền căn bản thân
- Làn da dễ cháy nắng có phồng rộp: Những người đã từng bị cháy nắng nghiêm trọng và phồng rộp da sau phơi nắng sẽ có nguy cơ mắc ung thư hắc tố da cao hơn.
- Tiền căn mắc các bệnh về da hoặc ung thư da: Người từng mắc bệnh dày sừng ánh sáng (Actinic keratosis – tình trạng da bị thô ráp, có vảy khi tiếp xúc với mặt trời, đặc biệt là trên mặt, tay, cánh tay và cổ, thường gặp ở những người da trắng, mắt xanh); hoặc đã bị ung thư da loại tế bào gai hay tế bào đáy.
- Ung thư tuổi nhỏ: Người từng mắc ung thư trước 16 tuổi sẽ dễ có nguy cơ phát triển ung thư hắc tố da khi lớn tuổi.
- Suy giảm miễn dịch: Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hay phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (người nhiễm HIV, hay AIDS) sẽ có nguy cơ mắc ung thư hắc tố da cao hơn người khỏe mạnh.
- Các bệnh hiếm gặp khác:
- Bệnh khô da sắc tố (Xeroderma pigmentosum): Hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể do di truyền làm cơ thể mất khả năng bảo vệ và tự chữa lành tổn thương do tia cực tím gây ra.
- Hội chứng ung thư vú và buồng trứng di truyền (HBOC – Hereditary Breast and Ovarian Cancer): Hội chứng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư và khởi phát ở tuổi trẻ hơn tuổi mắc bệnh ung thư trung bình của quần thể chung. Người mang hội chứng HBOC có nguy cơ cao bị ung thư vú, buồng trứng, và một số loại ung thư khác.
Yếu tố tiền căn gia đình
Khoảng 10% các trường hợp ung thư hắc tố da có liên quan đến tiền căn gia đình cũng mắc bệnh này. Một phần là do những người trong gia đình thường cùng loại da và thời gian tiếp xúc ánh sáng mặt trời tương đối giống nhau. Một phần khác là do chia sẻ cùng bộ gen nên những người trong gia đình sẽ có cùng nguy cơ mắc ung thư hắc tố da.
Bạn có thể có nguy cơ mắc ung thư hắc tố di truyền nếu có người thân cùng huyết thống mắc những bệnh sau:
- Ung thư hắc tố ở da hoặc mắt, đặc biệt nếu có nhiều người mắc thì nguy cơ sẽ càng tăng lên.
- Ung thư tụy, thận hoặc vú.
- U sao bào của não hoặc tủy sống (Astrocytoma – khối u hệ thần kinh trung ương phát triển từ tế bào hình sao).
- U trung biểu mô (Mesothelioma – ung thư ở các lớp màng mỏng bao bọc các tạng trong cơ thể như phổi, tim, bụng).
Có một vài đột biến gen liên quan đến ung thư hắc tố da di truyền bao gồm:
- Đột biến CDKN2A (còn gọi là P16INK4A hay MTS1), thường gặp nhất.
- Gen MC1R, là một gen xác định màu da. Nếu trong gia đình có người tóc đỏ và/hoặc da trắng, những người thân cùng huyết thống sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư sắc tố da.
- Đột biến gen BAP1.
Chẩn đoán
Chỉ thông qua những triệu chứng bất thường trên da sẽ không đủ dữ liệu để khẳng định bệnh. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Cụ thể như sau:
- Thăm khám lâm sàng là một bước quan trọng trong chẩn đoán bệnh
- Làm sinh thiết da: Bác sĩ sẽ dùng thủ thuật để lấy mẫu da nghi ngờ và mang đến phòng xét nghiệm để phân tích. Trong trường hợp, người bệnh được chẩn đoán là mắc ung thư hắc tố, cần tiến hành một số xét nghiệm cần thiết khác để xác định rõ hơn về giai đoạn bệnh để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
- Dùng kính hiển vi để xác định độ dày của khối u hắc tố: Nếu khối u có độ dày càng lớn thì nguy cơ di căn càng cao. Trong trường hợp khối u đã xâm lấn hạch bạch huyết, người bệnh cần được sinh thiết hạch.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định chụp X-quang, chụp CT,… và một số xét nghiệm khác để xác định chính xác mức độ xâm lấn của khối u như thế nào.
Phòng ngừa bệnh
Một số cách phòng ngừa ung thư hắc tố và các loại ung thư da khác nếu bạn thực hiện những lưu ý sau:
- Tránh ánh nắng mặt trời đỉnh điểm: Các hoạt động làm việc, vui chơi vào ban ngày cần tránh khung giờ 10-14h bởi đây được xem là khoảng thời gian tia UV mạnh nhất, tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt là làn da.
- Thoa kem chống nắng: Mọi người nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất 30 mỗi ngày. Sử dụng cả trong những ngày thời tiết không có nắng, nhiều mây. Nếu phải làm việc trong môi trường ngoài trời hoặc thường xuyên đổ mồ hôi, cần thoa lại kem chống nắng cách mỗi 1,5-2 giờ.
- Che chắn kỹ càng: Bạn cần che chắn cẩn thận bằng các loại quần áo tối màu, dệt kín, đội mũ và che chắn cả tay, chân để bảo vệ làn da.
- Sử dụng quần áo bảo hộ: Đối với một số đặc thù ngành nghề làm việc ngoài trời, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp có thể sử dụng các loại quần áo bảo hộ, kính râm có tác dụng ngăn chặn bức xạ UV.
- Tránh tắm nắng: Hạn chế tắm nắng tự nhiên và nhân tạo bởi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có khả năng gây ung thư hắc tố da. Hãy lựa chọn các phương pháp nhuộm da khác để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư hắc tố nói riêng và các loại ung thư da nói chung.
Điều trị như thế nào?
Đối với những trường hợp được phát hiện ở giai đoạn sớm, phương pháp điều trị phổ biến nhất chính là phẫu thuật để loại bỏ tổn thương trên da. Nếu những tổn thương này chỉ rất nhỏ, chuyên gia có thể loại bỏ ngay trong quá trình sinh thiết. Thông thường, phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời thì cơ hội điều trị hiệu quả sẽ rất cao, 99% bệnh nhân có thể sống trên 5 năm nếu phát hiện bệnh sớm và áp dụng đúng phương pháp điều trị.
Đối với những trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn, cơ hội điều trị bệnh hiệu quả sẽ giảm dần. Lúc này, bệnh nhân thường được điều trị bằng một số phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị để nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Có thể kết hợp các phương pháp này để mang lại hiệu quả cao nhất.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về ung thư tế bào hắc tố. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.