Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc) là một bệnh lý tại mắt khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi bị viêm nhiễm làm phần lòng trắng bên trong có màu hồng hoặc đỏ. Đây là loại bệnh rất phổ biến và dễ lây lan ở trẻ em.
Triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ em?
Một số triệu chứng đau mắt đỏ ở trẻ em:
- Kết mạc mắt (lòng trắng mắt) chuyển sang màu đỏ
- Khó chịu ở mắt, cộm xốm mắt, ngứa mắt khiến bé liên tục dụi mắt
- Mí mắt sưng nề
- Xuất hiện nhiều ghèn mắt đặc biệt khi mới ngủ dậy
- Một số bé còn xuất hiện tình trạng sốt, đau họng,…
Thường thì những triệu chứng trên sẽ hết trong vòng 1-2 tuần. Tuy nhiên nếu không được chăm sóc đúng cách thì những triệu chứng có thể trở nặng thậm chí dẫn đến mù lòa nên ba mẹ cần lưu ý các triệu chứng của bé.
Một số triệu chứng bệnh đau mắt đỏ đã trở nặng:
- Các triệu chứng không thuyên giảm trên 10 ngày
- Thay đổi trong tầm nhìn
- Đau mắt dữ dội
- Nhạy cảm quá mức với ánh sáng
- Sưng húp mí mắt
- Trẻ sốt và phát ban
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ ở trẻ em
Một số nguyên nhân đau mắt đỏ phổ biến là:
- Nhiễm virus: virus là nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ. Có 2 nhóm virus gây nên bệnh đau mắt đỏ là Enterovirus và Adenovirus
- Nhiễm khuẩn: một số vi khuẩn phổ biến gây viêm kết mạc, bao gồm: Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumonia và Pseudomonas aeruginosa.
- Đau mắt đỏ do dị ứng khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật, các loại thuốc, mỹ phẩm,… đây là nguyên nhân không gây lây lan tuy nhiên sẽ bị xảy ra thường xuyên nếu bé có tiền sử bị dị ứng với các dị nguyên.
- Đau mắt đỏ do kích ứng khi bị bắn hóa chất hoặc dị vật vào mắt
Với nguyên nhân do virus hay vi khuẩn thì rất dễ lây lan nếu các bé tiếp xúc với dịch tiết, đồ vật của người bị nhiễm bệnh. Nên ba mẹ cần đề phòng tình trạng đau mắt đỏ bị lây nhiễm qua bé khi trong trường hay trong nhà có người bị đau mắt đỏ.
Cách phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ em
Để phòng ngừa đau mắt đỏ cho trẻ em, phụ huynh nên chú ý chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Giữ gìn vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vệ sinh mắt mỗi ngày với nước muối sinh lý 0,9%
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân đặc biệt là của người đau mắt đỏ.
- Không cho trẻ đưa tay lên mắt, nhất là trong mùa dịch.
- Nếu trẻ mắc bệnh thì nên ở nhà và thông báo cho nhà trường để có phương án phòng chống lây nhiễm tại nhà trường. Chuẩn bị vật dụng riêng cho bé.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng, thường xuyên vệ sinh ga giường, ga gối.
- Rửa tay sạch sẽ thường xuyên sau khi đi từ bên ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
- Hạn chế cho trẻ đến các khu vực đông người, đặc biệt là vùng dịch. Trường hợp bắt buộc, trẻ nên được đeo khẩu trang và kính bảo hộ
- Bổ sung các loại vitamin tăng cường đề kháng cho trẻ trong mùa dịch
Đau mắt đỏ là một bệnh lý phổ biến, dễ dàng phòng chống và điều trị tại nhà nếu ba mẹ có những kiến thức cơ bản về bệnh. Tuy nhiên nếu trẻ không thuyên giảm khi được chăm sóc tại nhà thì ba mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám sớm.