Hiện tượng dậy thì ở bạn gái đánh dấu bằng kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Khi đó, cơ quan sinh sản của bạn gái đã sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, giai đoạn đầu dậy thì, bạn gái dễ gặp phải một số trục trặc về kinh nguyệt.
- Kinh nguyệt không đều: Là tình trạng có khi 1 tháng có kinh 2 lần, nhưng đôi lúc 2 – 3 tháng mới có kinh 1 lần cùng những bất thường về lượng máu kinh. Nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì có thể do sự bất ổn định của hoạt động buồng trứng khiến những vòng kinh có khi rụng trứng có khi lại không rụng trứng. Thông thường, dần dần kinh nguyệt sẽ ổn định.
- Rong kinh: Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của bạn gái thường khoảng dưới 7 ngày. Nhưng với trường hợp rong kinh ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh nhiều. Rong kinh thường xảy ra ở những chu kỳ không có phóng noãn và không có hoàng thể.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do buồng trứng vẫn chưa hoạt động ổn định. Ngoài ra, sự rối loạn điều hòa hormon ở vùng dưới đồi – tuyến yên khi cơ thể đang trưởng thành cũng là một nguyên nhân gây bệnh do ảnh hưởng trực tiếp đến hormon của buồng trứng.
- Kinh mau: là tình trạng vòng kinh chỉ còn khoảng 22 ngày trở xuống. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do hoàng thể phát triển kém nên giai đoạn hoàng thể ngắn hoặc do không xảy ra hiện tượng phóng noãn.
- Vô kinh và tắc kinh: Vô kinh ở tuổi dậy thì có thể chia ra làm 2 loại là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Vô kinh nguyên phát là trường hợp chưa hành kinh lần nào dù đã quá 18 tuổi. Trong khi đó, vô kinh thứ phát là trường hợp dù đã hành kinh nhưng lại mất kinh từ 3 – 6 tháng.
Nguyên nhân của tình trạng vô kinh có thể kể đến như rối loạn nội tiết, cũng có thể là do rối loạn nhiễm sắc thể giới tính nên bé gái không hề có kinh. Tắc kinh là tình trạng kinh nguyệt ra quá ít, chỉ ra từng giọt hoặc có kinh bình thường nhưng 2 – 3 tháng sau lại không thấy có kinh. Những trường hợp này khá giống với hiện tượng vô kinh. Cũng có khi do sự phát triển bất thường của bộ phận sinh dục khiến cho kinh nguyệt bị ứ lại không thoát được ra ngoài (còn gọi là bế kinh).
Các trục trặc kinh nguyệt ở tuổi dậy thì do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường xảy ra ở giai đoạn đầu dậy thì và kinh nguyệt sẽ dần dần ổn định. Nhưng nếu các trục trặc kéo dài vài năm sau dậy thì, khi đó bạn gái nên đi khám để có các chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Nguồn: Lê Thục Anh
Bạn có thể xem thêm:
- Người bệnh tim mang thai, cần lưu ý gì?
- Tắc Kinh Ở Tuổi Dậy Thì Có Nguy Hiểm?
- 3 nguyên nhân phụ nữ dễ bị hiếm muộn