Viêm da cơ địa là một tình trạng da mạn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh gây ra không ít phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ cũng như gia đình. Việc chăm sóc đúng cách giúp giảm bớt triệu chứng và phòng ngừa tái phát. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về thực trạng viêm da cơ địa ở trẻ em, nguyên nhân dẫn đến bệnh và các biện pháp chăm sóc hiệu quả.
Thực trạng viêm da cơ địa ở trẻ em hiện nay
Viêm da cơ địa, hay còn gọi là chàm thể tạng, là một “vị khách” không mời mà đến, thường xuyên “ghé thăm” làn da mỏng manh của trẻ em, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Khác với những căn bệnh ngoài da thông thường, viêm da cơ địa không lây nhiễm nhưng lại dai dẳng, dễ tái phát và có thể trở thành bệnh mạn tính nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Theo thống kê, khoảng 10-20% trẻ em trên toàn thế giới mắc phải căn bệnh này. Tại các nước đang phát triển, số bệnh nhi bị viêm da cơ địa chiếm khoảng 10-30% và 5-10 % ở trẻ vị thành niên. Tại Việt Nam, dựa trên một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ viêm da ở địa là 26,6% ở trẻ nhũ nhi và 16% ở trẻ dưới 5 tuổi.
Viêm da cơ địa không chỉ gây ra sự khó chịu cho trẻ mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Điều này đòi hỏi sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ phụ huynh cũng như các chuyên gia y tế.
Viêm da cơ địa ở trẻ là bệnh mãn tính và có liên quan đến cơ địa dị ứng. Bình thường, làn da sẽ có một lớp màng bảo vệ để ngăn không có nước trong da bị bốc hơi kèm theo đó là bảo vệ làn da khỏi những tác nhân xấu từ bên ngoài. Tuy nhiên với trẻ bị viêm da cơ địa, lớp màng bảo vệ này bị tổn thương khiến cho làn da của trẻ bị khô, mất nước và các vi khuẩn ở ngoài dễ dàng xâm nhập gây nên mụn đỏ, ngứa ngáy trên da bé.
Viêm da cơ địa thường khởi phát sớm, có tới 60% trường hợp viêm da cơ địa khởi phát bệnh trong năm đầu đời, 30% trẻ khởi phát bệnh trong 5 năm đầu tiên và chỉ 10% trẻ khởi phát bệnh sau 5 tuổi. Thông thường hơn 90% trường hợp trẻ sẽ ổn định sau 2 tuổi, chỉ 5% số trẻ bị bệnh chuyển thành viêm da cơ địa ở trẻ lớn, có không ít trường hợp bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần cho đến khi trưởng thành.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm da cơ địa
Bình thường cấu tạo của da có một lớp bảo vệ ngăn không cho nước trong da bị bốc hơi, bảo vệ da khỏi tác nhân gây bệnh bên ngoài. Bệnh nhân viêm da cơ địa bị tổn thương lớp màng bảo vệ này do giảm sản xuất lớp lipid trên bề mặt da, khiến cho da bị khô, mất nước, tạo điều kiện cho các tác nhân (vi khuẩn gây bệnh, dị nguyên) xâm nhập từ bên ngoài vào.
Chưa có nguyên nhân rõ ràng giải thích cho tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ. Tuy nhiên, có ba yếu tố chính liên quan đến bệnh lý này bao gồm: di truyền, môi trường, rối loạn đáp ứng miễn dịch. Một số trẻ bị viêm da cơ địa có tiền sử gia đình mắc bệnh này hoặc các bệnh dị ứng như hen, dị ứng thời tiết,… Hiếm hơn, viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh có thể liên quan với dị ứng thức ăn như: sữa bò, trứng,…
Yếu tố di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em trong gia đình mắc viêm da cơ địa, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng, trẻ có nguy cơ cao hơn mắc bệnh này.
Yếu tố môi trường: Tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, lông thú, bụi nhà, và một số loại thực phẩm có thể kích thích viêm da cơ địa.
Hệ miễn dịch: Trẻ có hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân bình thường trong môi trường có thể phát triển viêm da cơ địa.
Yếu tố da: Da khô và dễ bị tổn thương là một yếu tố quan trọng. Da mất đi khả năng bảo vệ và dễ bị kích thích bởi các tác nhân bên ngoài.
Một số yếu tố có thể khởi phát viêm da cơ địa ở trẻ hoặc làm cho bệnh trầm trọng hơn:
- Thời tiết, khí hậu: Viêm da cơ địa ở trẻ thường khởi phát hoặc trở nặng khi giao mùa, bệnh thường gặp hơn vào mùa đông khi mà khí hậu trở nên hanh khô.
- Dị nguyên hô hấp: Các dị nguyên hô hấp trong môi trường như phấn hoa, mạt bụi, lông súc vật,… hay các dị nguyên thức ăn như sữa, trứng, hải sản,… cũng có thể liên quan đến viêm da cơ địa trẻ em.
- Xà phòng, hóa chất: Sự tiếp xúc với các loại hóa mỹ phẩm như xà phòng, chất tẩy rửa cũng có thể là nguyên nhân khiến viêm da cơ địa ở trẻ em nặng lên.
- Vệ sinh kém, nhiễm khuẩn: Trẻ cũng có thể khởi phát viêm da cơ địa trong tình trạng nhiễm khuẩn hay điều kiện vệ sinh kém.
Ba mẹ cần làm gì khi trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa
Chăm sóc trẻ bị viêm da cơ địa đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiến thức để giúp giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa các đợt bùng phát. Dưới đây là một số biện pháp quan trọng:
Duy trì độ ẩm cho da
Da khô là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm da cơ địa. Việc duy trì độ ẩm cho da là điều cần thiết. Sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi, không chứa chất gây kích ứng sau khi tắm và bất cứ khi nào da trẻ có dấu hiệu khô.
Tắm đúng cách
Tắm cho trẻ bằng nước ấm, tránh sử dụng xà phòng có chứa hương liệu hoặc chất tẩy rửa mạnh. Thời gian tắm không nên quá 10-15 phút để tránh làm da khô thêm. Sau khi tắm, lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm và thoa kem dưỡng ẩm ngay lập tức.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm hoặc kháng sinh nếu có dấu hiệu nhiễm trùng. Phụ huynh cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Tránh các yếu tố kích thích
Những yếu tố kích thích như phấn hoa, bụi, lông thú, và một số loại thực phẩm có thể làm triệu chứng viêm da cơ địa nặng hơn. Phụ huynh cần chú ý và tránh để trẻ tiếp xúc với những tác nhân này.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát viêm da cơ địa. Đảm bảo trẻ có chế độ ăn cân đối, giàu vitamin và khoáng chất. Hạn chế những thực phẩm dễ gây dị ứng như sữa bò, trứng, đậu nành, và hải sản nếu trẻ có tiền sử dị ứng với những thực phẩm này.
Tránh chạm hoặc tác động vào vùng da tổn thương
Khi trẻ bị viêm da cơ địa sẽ hay gãi do da bị viêm và gây ngứa. Lúc ngày cần giúp trẻ kiểm soát tình trạng gãi để tránh bệnh trở nặng và gây nhiễm trùng. Có thể giúp trẻ giảm ngứa bằng cách băng ướt, đắp gạc ẩm ở những vùng da bị tổn thương. Hạn chế không cho trẻ gãi. Giữ gìn vệ sinh tay của trẻ sạch sẽ.
Chọn quần áo có chất liệu mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt và không gây kích ứng cho da trẻ như vải cotton.
Vệ sinh môi trường sống
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, tránh lông vật nuôi, khói bụi, và hóa chất kích ứng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của trẻ.
Thăm khám định kỳ
Việc thăm khám định kỳ với bác sĩ da liễu giúp theo dõi tiến triển của bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời. Điều này đặc biệt quan trọng trong những trường hợp viêm da cơ địa nặng hoặc không đáp ứng tốt với các biện pháp chăm sóc thông thường.
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu da bị nhiễm trùng cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.
Kết luận
Viêm da cơ địa ở trẻ em là một bệnh lý mạn tính đòi hỏi sự kiên trì và chăm sóc đặc biệt từ phụ huynh. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm bớt triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ. Hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe làn da của con em mình.