Tương tự như mụn trứng cá trên mặt, nguyên nhân gây ra mụn lưng thường là do lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Khi các tuyến dầu tiếp tục sản xuất dầu và lỗ chân lông bị tắc, cơ thể coi đây là chất lạ và gây ra phản ứng viêm nhiễm. Việc lỗ chân lông bị tắc và viêm nhiễm có thể dẫn đến mụn nang ở bề mặt nông và sâu trên da. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về mụn lưng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Mụn lưng là mụn mọc ở vị trí trên lưng của bạn. Nó thường xuất hiện ở dạng mụn đỏ, mụn đầu trắng, u nang, mụn đầu đen, mụn viêm hay mụn trứng cá… Nhưng nốt mụn ở lưng có thể gây đau đớn, mẩn đỏ, viêm sưng và sự khó chịu cho người bệnh. Bất cứ ai cũng có thể xuất hiện mụn ở lưng. Đặc biệt, mụn lưng phổ biến hơn ở độ tuổi thanh thiếu niên và nhất là ở nam sinh.
Triệu chứng của mụn lưng
Triệu chứng nhận biết mụn ở lưng với các tổn thương như:
- Mụn đầu trắng: mụn không viêm, < 5mm, hình vòm, trơn láng, màu da hoặc trắng nhạt.
- Mụn đầu đen: mụn không viêm, dạng sẩn < 5mm với lỗ nang lông mở rộng chứa nhân mụn màu đen, xám hoặc nâu.
- Sẩn mụn viêm: sẩn viêm tương đối nông, có mủ, đường kính < 5mm.
- Mụn nang: sẩn lớn (> 5mm) nằm sâu hơn, viêm và mềm hoặc dạng nốt.
Dát màu đỏ/ hồng là tình trạng hồng ban sau mụn để lại.
Mụn có thể nổi dọc theo vai, lưng trên hoặc khắp lưng hay xuống đến thắt lưng. Những mụn này có thể gây đau, phát triển thành cụm.
Nguyên nhân gây ra mụn lưng
Dị ứng với mỹ phẩm:
- Kem chống nắng, kem dưỡng da toàn thân,… đều là những sản phẩm có tác dụng bảo vệ và chăm sóc làn da của nhiều chị em. Mặc dù rất cần thiết nhưng nếu sử dụng phải sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, hoặc do cơ địa dị ứng thì vùng da lưng có thể bị viêm nhiễm và tổn thương.
- Lựa chọn sản phẩm không phù hợp với làn da sẽ làm mất cần bằng hoạt động của tuyến bã nhờn. Do đó dầu nhờn tiết ra nhiều gây bít tắc lỗ chân lông, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh trưởng và hình thành mụn.
Môi trường sống không sạch sẽ:
- Thường xuyên làm việc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi cũng là nguyên nhân mụn lưng.
- Tiếp xúc với chăn, chiếu, gối không sạch sẽ bạn cũng có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm da dị ứng trong đó có mụn lưng. Bởi vì đây là nơi tồn tại nhiều vi khuẩn, nhất là khi thời tiết nóng bức hoặc ẩm ướt chúng dễ dàng sinh sôi và phát triển.
Không tắm sạch sau khi đổ mồ hôi:
Tập luyện thể thao, vận động mạnh khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Nếu không tắm rửa sạch sẽ thì các chất bẩn, dầu thừa trên da sẽ tích tụ và lấp đầy lỗ chân lông. Tuy nhiên trong trường hợp bỏ quên vùng cổ, lưng trong lúc tắm. Khiến sữa tắm đọng lại trên da cũng là nguyên nhân mụn lưng mà nhiều người mắc phải.
Thay đổi nội tiết trong cơ thể:
- Khi bước vào tuổi dậy thì, nồng độ hormon trong cơ thể sẽ bắt đầu có sự thay đổi. Đây chính là nguyên nhân khiến các tuyến bã nhờn ở lưng, mặt hoạt động mạnh mẽ và tăng sản xuất dầu nhờn. Vì vậy, có nhiều vùng da trên lưng bị nổi mụn do bít tắc lỗ chân lông.
- Đối với phụ nữ mang thai, mãn kinh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố thay đổi đột ngột cũng sẽ dẫn đến mụn lưng. Tuy nhiên sau một thời gian tình trạng mụn sẽ giảm bớt. Bởi vì khi bước qua tuổi dậy thì, sau khi sinh xong nồng độ hormon sẽ giảm và trở lại bình thường.
Chế độ ăn không hợp lý:
- Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng mụn trên lưng. Nếu thường xuyên ăn các thực phẩm giàu tinh bột, đường, dầu mỡ,… bạn sẽ dễ bị nổi mụn.
- Thói quen uống ít nước khiến da bị khô cũng là nguyên nhân mụn lưng. Bởi vì, khi da bị thiếu độ ẩm tuyến bã nhờn sẽ tăng tiết mạnh mẽ để cung cấp ẩm cho da. Nếu tăng tiết quá mức sẽ làm bít tắc lỗ chân lông và dẫn đến mụn.
Căng thẳng stress kéo dài:
- Căng thẳng, stress kéo dài cũng là nguyên nhân mụn lưng mà ít người hay biết. Khi cơ thể chịu nhiều áp lực, hormone Cortisol sẽ tăng tiết và làm suy giảm sức đề kháng. Vì vậy, vi khuẩn bên ngoài sẽ dễ dàng xâm nhập và tấn công vào da gây viêm nhiễm.
- Do sự rối loạn hoạt động của hormon mà tuyến bã nhờn cũng sản xuất dầu nhờn nhiều hơn.
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị bệnh như:
- Người có da dầu: Da dầu có khả năng tạo ra nhiều dầu hơn, làm tăng nguy cơ bị tắc lỗ chân lông và phát triển mụn.
- Người có tình trạng hormone không ổn định: Sự thay đổi hormone, như trong thời kỳ dậy thì, thai kỳ, hoặc trong giai đoạn tiền kinh nguyệt ở phụ nữ, có thể làm tăng sự sản xuất dầu, gây ra mụn lưng.
- Người thường xuyên tiếp xúc với cặp áo áo dài, quần áo bó sát: Đồng thời mặc quần áo bó sát cũng có thể làm tăng cơ hội cho vi khuẩn và dầu tiết ra từ da được kẹp lại gần lỗ chân lông, dẫn đến mụn lưng.
- Người có tình trạng căng thẳng và áp lực tinh thần lớn: Stress có thể kích thích tuyến dầu hoạt động nhiều hơn, làm tăng nguy cơ mụn lưng.
- Người sử dụng sản phẩm dưỡng da không phù hợp: Sản phẩm dưỡng da không phù hợp với loại da của bạn có thể gây tắc lỗ chân lông và kích thích sự phát triển của mụn lưng.
Chẩn đoán
Mụn lưng được chẩn đoán dựa trên quá trình khám lâm sàng. Bác sĩ da liễu sẽ tiến hành quan sát kỹ lưỡng vùng lưng của bạn và có thể kết hợp việc sờ để xác định độ sâu của các mụn. Sau khi hoàn thành kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán cụ thể, phân loại mức độ nghiêm trọng của tình trạng da và thiết lập một liệu trình điều trị phù hợp cho bạn.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng ngừa mụn lưng có thể áp dụng như:
- Luôn giữ cho vùng da lưng sạch sẽ: Bạn nên dùng các loại sữa tắm không dầu ngăn ngứa bít tắc lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn lưng xuất hiện. Nhớ tắm và thay quần áo sau mỗi lần tập thể dục đảm bảo làn da luôn sạch mịn.
- Sử dụng khăn trải giường sạch: Hãy nhớ rằng khăn tắm, khăn trải giường chính là nơi vi khuẩn tích tụ. Nếu chúng không được làm sạch sẽ tạo điều kiện cho môi trường cho vi khuẩn phát triển và sinh mụn. Bạn nên giặt khăn trải giường ít nhất 1 lần/ 1 tuần và khăn tắm là 3 lần/ 1 tuần.
- Tránh nặn mụn: Không nên làm tổn thương vùng da lưng bằng cách nặn mụn. Theo đó, làn da có thể bị nhiễm trùng làm tình trạng mụn lưng càng nghiêm trọng hay để lại sẹo xấu rất khó điều trị.
- Hãy sử dụng một số sản phẩm ngăn ngừa và điều trị mụn lưng hiệu quả. Đây được xem là cách tiện lợi và hiệu quả nhanh chóng hàng đầu hiện nay.
Điều trị như thế nào?
Để giảm thiểu mụn ở lưng, trước hết bạn nên xác định nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục hiệu quả:
- Tẩy tế bào chết toàn thân từ 2 – 3 lần/tuần để loại bỏ tế bào chết tích tụ trên mặt lưng.
- Sử dụng bông tắm, miếng bọt biển để chà sát nhẹ nhàng khi tắm, tránh làm tổn thương da.
- Mặc quần áo rộng rãi nhanh thấm hút mồ hôi, thường xuyên giặt sạch chiếu, chăn, gối,…
- Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh trái cây, hạn chế ăn đồ dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn,…
- Sử dụng thảo dược thiên nhiên có tinh chất trị mụn như: chanh, tràm trà, bạc hà,… ngoài ra bạn có thể sử dụng mật ong, muối biển, đường nâu.
- Lựa chọn loại kem dưỡng ẩm toàn thân, kem chống nắng phù hợp và nhẹ dịu với làn da.
- Sử dụng các sản phẩm bôi trị mụn có thành phần như: benzoyl peroxide, axit salicylic, resorcinol,…
Trong trường hợp bị mụn do rối loạn nội tiết, bạn nên thăm khám tại chuyên khoa da liễu tại các cơ sở uy tín để có biện pháp điều trị kịp thời. Tránh tình trạng mụn kéo dài và gây ra biến chứng như: sẹo lồi, áp xe, nhiễm trùng da,…
Trên đây là những chia sẻ về mụn lưng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.