Ghẻ là một trong những bệnh ngoài da phổ biến. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.
Ghẻ có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn màn. Vì vậy việc sớm phát hiện và điều trị bệnh ghẻ là vô cùng cần thiết để tránh việc lây lan rộng rãi trong cộng đồng.
Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về ghẻ qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Ghẻ (scabies, gale) là bệnh ngoài da khá phổ biến, do một loại côn trùng ký sinh trên da gây nên, có tên là Sarcoptes scabiei, Hominis (cái ghẻ), có nơi còn gọi là con mạt ngứa (itch mite), thường hay gặp vào mùa xuân – hè.
Bệnh ghẻ tồn tại hơn 2.500 năm, xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, đến nay ước tính có khoảng 300 triệu trường hợp trên toàn thế giới bị ghẻ mỗi năm, nó thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu nước sinh hoạt hoặc những nước kém phát triển, điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém.
Ghẻ là bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bản thân người bệnh và những người xung quanh, đặc biệt nó sẽ gây ra các biến chứng như: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.
Triệu chứng
Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh ghẻ chính là cảm giác ngứa ngáy, vô cùng khó chịu, đặc biệt người bệnh thường ngứa về đêm do đây là thời điểm cái ghẻ tiết độc tố khi đào hang. Một số trường hợp có thể bị sốt. Nhưng thông thường, khi tiếp xúc với ghẻ trong 2 tuần đầu, nhiều người bệnh có thể chưa thấy ngứa vì ghẻ mới xâm nhập và chưa có sự phản ứng lại. Ngược lại, những người tái nhiễm bệnh thì những cơn ngứa sẽ vô cùng dữ dội ngay từ khi loại côn trùng ký sinh này xâm nhập vào da.
Sau cảm giác ngứa ngáy là những tổn thương thường gặp như các mụn nước, luống ghẻ. Những mụn nước này thường nhỏ và giống như hạt ngọc, mọc rải rác. Luống ghẻ là những đường cong, gờ cao hơn mặt da, thường có màu trắng xám hoặc trắng đục – đây chính là nơi sống của cái ghẻ.
Những vị trí hay xuất hiện ghẻ là lòng bàn tay, các kẽ ngón tay, ngấn cổ tay, mu tay, chân, bờ trước nách, vùng quanh rốn, mông,…
Vì ghẻ gây ra những cơn ngứa rất mạnh nên khiến người bệnh không thể ngừng gãi và gây nên tổn thương cho da, chẳng hạn như những vết xước, sẹo thâm,…
Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh ghẻ là do ký sinh trùng ghẻ (tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis) gây nên.
Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực không gây bệnh vì nó chết sau khi giao hợp. Ghẻ cái có nhiều loài, có loài gây bệnh ở người, có loại gây bệnh ở súc vật như ngựa, cừu, dê, lợn, chó, mèo, thỏ, chuột v.v… Tuy nhiên ghẻ cái gây bệnh ghẻ cho súc vật có thể truyền bệnh cho người.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ đối tượng nào, mọi tầng lớp trong xã hội, dù nam hay nữ, dù già hay trẻ đều có thể mắc bệnh ghẻ. Tuy nhiên đối tượng dễ bị nhất là những người thường xuyên tiếp xúc, sinh hoạt chung như: ngủ chung, dùng chung màn, khăn, chiếu, gối với người bị ghẻ.
Bệnh có xu hướng lưu hành nhiều nơi đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém, bệnh vào mùa đông nhiều hơn mùa hè.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chắc chắn bệnh ghẻ thì cần phải tìm ra cái ghẻ bằng các phương pháp:
- Soi tìm dưới kính hiển vi: phát hiện thấy cái ghẻ, trứng ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ
- Sử dụng máy dermoscopy
- Phương pháp sinh thiết da làm giải phẫu bệnh
- Sử dụng phản ứng khuếch đại chuỗi polymerase, trong đó DNA của ký sinh trùng ghẻ được tìm ra từ vảy da
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh ghẻ, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở sạch sẽ
- Tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với da hoặc tiếp xúc với đồ dùng của những người bị ghẻ
- Giặt, phơi quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh (ngâm xà phòng đậm đặc, luộc sôi), phơi cách xa với đồ dùng của những người xung quanh. Cách ly người bệnh, không dùng chung quần áo, không ngủ chung
- Những người có nguy cơ (tiếp xúc gần gũi) nên được chăm sóc y tế để điều trị phòng ngừa
- Khi có các biểu hiện: Ngứa dữ dội và tăng lên vào ban đêm; có thương tổn đỏ, bong vảy da, thỉnh thoảng có các nốt và sẩn đóng vảy gặp ở các nếp kẽ, bờ bên các ngón tay, nấp gấp cổ tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân… đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
- Phát hiện sớm và điều trị càng sớm càng tốt.
- Nên cùng điều trị cho những người bệnh sống chung.
- Bôi thuốc đều đặn trước khi ngủ.
- Hạn chế gãi mạnh để tránh làm tổn thương da, gây viêm da và nhiễm khuẩn.
- Không bôi những loại thuốc gây hại cho da bao gồm DDT, 666, Volphatox,…
- Khi bôi thuốc, cần bôi khoảng 15 ngày liên tục mới có được hiệu quả tốt nhất vì sau 10 – 15 ngày cái ghẻ có thể có đợt trứng mới nở.
- Bên cạnh việc kiên trì điều trị phải kết hợp với việc phòng chống bệnh lây lan. Bạn nên giặt đồ của người bệnh riêng, và để cách xa với những người xung quanh, không dùng chung chăn chiếu, quần áo với người bệnh.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng.
- Vệ sinh cá nhân hằng ngày, sạch sẽ.
- Không tiếp xúc trực tiếp với da hoặc đồ dùng của những người bị ghẻ.
- Bệnh ghẻ nếu không điều trị triệt để có thể biến chứng viêm da, eczema hóa do tình trạng chà xát cào, gãi lâu ngày. Trường hợp ghẻ nhiễm khuẩn có thể biến chứng viêm cầu thận cấp.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về ghẻ. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.