Dùng bao cao su và viên tránh thai là hai biện pháp phổ biến nhất. Tuy nhiên có nhiều lựa chọn khác giúp tránh thai hiệu quả.
Áp dụng các biện pháp tránh thai giúp tình cảm đôi lứa thăng hoa nhưng vẫn đảm bảo sinh con đúng kế hoạch. Sử dụng bao cao su và viên tránh thai hàng ngày là những biện pháp tránh thai phổ biến nhất. Bên cạnh đó, có rất nhiều phương pháp khác đa dạng về thời gian tác dụng, mức độ hiệu quả… dành cho cả nam và nữ. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Phân loại các biện pháp tránh thai
Có thể chia các phương pháp tránh thai thành 04 nhóm chính:
- Đình sản/Triệt sản: gồm đặt que cấy vào tử cung, thắt ống dẫn tinh/ống dẫn trứng.
- Biện pháp tránh thai chứa hormon: thay đổi hormon nữ để ngăn rụng trứng và ngăn trứng làm tổ, có thể sử dụng bằng các hình thức uống, tiêm, dùng miếng dán hoặc đặt vòng.
- Biện pháp cơ học: tạo rào chắn ngăn tinh trùng đi vào âm đạo, ngoài bao cao su nam còn có các phương pháp khác như bao cao su nữ, màng chắn âm đạo, miếng xốp tránh thai, mũ cổ tử cung.
- Tránh thai tự nhiên: xuất tinh ngoài, tránh thời gian rụng trứng, cho con bú đều là các biện pháp tránh thai tự nhiên, nên được phối hợp với nhau và với các biện pháp khác để nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, còn có thể sử dụng chất diệt tinh trùng để đặt/bôi vào âm đạo, cần kết hợp với biện pháp rào cản để hiệu quả tối ưu.
Có thể bạn quan tâm: Bao cao su
2. Các biện pháp nào hiệu quả nhất?
Biện pháp đình sản/triệt sản có hiệu quả cao nhất, lên đến 99%. Tuy nhiên thời gian tác dụng cũng lâu hơn (3 năm đối với que cấy ngừa thai, 5-10 năm với dụng cụ đặt tử cung). Các biện pháp tránh thai chứa hormon như viên tránh thai hàng ngày đạt hiệu quả khá cao, dao động từ 91-94%. Đối với các biện pháp còn lại, xác suất tránh thai thành công là khoảng 76-88%.
Ngoại trừ các phương pháp thực hiện bởi nhân viên y tế như tiêm hormon, đặt dụng cụ tử cung…, hiệu quả tránh thai cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào người sử dụng. Chẳng hạn không dùng đều viên tránh thai hàng ngày theo hướng dẫn, kéo, chụp sai bao cao su… có thể làm giảm hiệu quả tránh thai.
3. Nên sử dụng biện pháp tránh thai nào?
Để chọn biện pháp tránh thai phù hợp, cần cân nhắc các yếu tố sau:
Độ an toàn, tác dụng phụ và các lợi ích ngoài tránh thai. Ví dụ: Viên ngừa thai hàng ngày ngoài giúp tránh thai với hiệu quả trên 90%, còn giúp giảm nguy cơ thiếu máu, cải thiện tình trạng mụn…, tuy nhiên lại gây nguy cơ tăng huyết áp, tạo cục máu đông nếu hút thuốc lá, có tiền sử bệnh tim mạch… Biện pháp này cũng không ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục.
Mục đích tránh thai (muốn ngăn có thai hay giãn khoảng cách sinh?), hành vi quan hệ (số lượng bạn tình?, tần suất quan hệ?), nguy cơ mắc bệnh lây qua đường tình dục.
Mong muốn của người sử dụng, giá cả… Cách sử dụng, ưu nhược điểm… của từng biện pháp tránh thai sẽ được phân tích trong các bài viết tới. Cùng đón đọc để có thêm kiến thức lựa chọn phương pháp phù hợp với bản thân nhé!
Bạn có thể xem thêm:
- Tìm hiểu về các biện pháp tránh thai (Phần 2)
- Cần “bao” gấp nhưng sợ dính “bao giả”, phải làm sao?
- Các sản phẩm tăng cường sinh lý nam trên thị trường hoạt động như thế nào
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.