Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, thường biểu hiện qua các triệu chứng như đau thắt bụng tái phát và cảm giác khó chịu. Nguyên nhân chính của IBS vẫn chưa được xác định rõ ràng trong hầu hết các trường hợp. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu kéo dài. Để giảm nguy cơ bị bệnh này, cần tìm hiểu và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, cùng với việc áp dụng các biện pháp điều trị và thay đổi lối sống hợp lý.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một trong những bệnh đường ruột phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc từ 5-20% dân số. Hội chứng này lành tính, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có tác động lớn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán phổ biến hơn ở nữ, tỷ lệ chẩn đoán nữ/nam khoảng 1,25-2/1, độ tuổi chẩn đoán thường gặp từ 20 – 50 tuổi, đặc trưng bởi tình trạng đau bụng tái đi tái lại, thay đổi thói quen đi tiêu, cảm giác chướng và khó chịu ở bụng. Đây là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần mà khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương thực thể ở ruột.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) được chia thành bốn loại dựa trên các triệu chứng của người bệnh.
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón
- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy
- Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (có cả tiêu chảy và táo bón)
- Hội chứng ruột kích thích không xác định
Các yếu tố nào gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS)?
Hội chứng ruột kích thích là một bệnh do sự kết hợp từ các yếu tố sinh lý và tâm lý xã hội. Những tác nhân này cũng kích thích bệnh tái phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Căng thẳng
Căng thẳng là một nguyên nhân thường thấy ở các bệnh liên quan đến bệnh tiêu hóa bao gồm hội chứng ruột kích thích. Khi một người bị căng thẳng, hệ thần kinh trung ương sẽ thông qua hệ thần kinh thực vật để làm giảm chức năng dạ dày và đường ruột. Vì thế, căng thẳng được xem là nguyên nhân khiến bạn tăng cao rủi ro bị hội chứng ruột kích thích.
Nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích có liên quan sự thay đổi bất thường hormone. Nội tiết tố là nguyên nhân thuộc nhóm yếu tố tâm lý xã hội, tạo cơ hội để người bệnh dễ bị hội chứng ruột kích thích. Nội tiết tố là tập hợp các tuyến sản xuất hormone ở người, có chức năng cân bằng sự trao đổi chất, duy trì và phát triển các chức năng tình dục, sinh sản, mô.
Rối loạn nội tiết tố gây ra sự thay đổi bất thường hormone, từ đó gây ra việc rối loạn chức năng hệ tiêu hóa, tăng cao khả năng bị thay đổi nhu động ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
Thực phẩm
Thực phẩm được xem là nguyên nhân chính gây ra hội chứng ruột kích thích. Những thực phẩm hỏng hoặc không phù hợp với cơ thể người bệnh sẽ kích thích dạ dày và ruột già. Những kích thích này sẽ gây ra tăng nhu động ruột, gây hội chứng ruột kích thích.
Tiền sử gia đình có người bị bệnh
Tiền sử gia đình có người bị bệnh tiêu hóa cũng là một yếu tố làm tăng cao nguy cơ nhạy cảm của đường ruột, khiến bạn dễ bị hội chứng ruột kích thích hơn những người khác.
Yếu tố này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra IBS nhưng nếu bạn có người nhà có bệnh sử bị hội chứng ruột kích thích, bạn cần ý thức bảo vệ tốt sức khỏe hệ tiêu hóa của mình.
Cách giảm nguy cơ mắc IBS
Muốn phòng tránh hội chứng IBS, bạn nên tập trung bảo vệ đường ruột, phòng ngừa bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa.
Tạo thói quen ăn uống khoa học
Tích cực bổ sung thực phẩm chứa hàm lượng đạm cao, dễ tiêu hóa (thịt nạc, các loại cá, sản phẩm từ sữa,…). Đồng thời, bạn nên ưu tiên bổ sung rau xanh, giàu chất xơ. Đối với đồ ăn cay nóng, bạn cần hạn chế tiêu thụ.
Tránh xa stress
Bạn hãy cố gắng duy trì tâm trạng thoải mái, tránh xa căng thẳng, không lo âu quá mức.
Uống nhiều nước
Ngoài ưu tiên bổ sung rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu đạm, bạn nên chú ý uống đủ nước mỗi ngày.
Hạn chế chất kích thích
Chẳng hạn như thuốc lá, rượu, bia.
Kiểm soát lượng Fructose tiêu thụ mỗi ngày
Lượng Fructose tiêu thụ mỗi ngày không nên vượt mức 240g.
Tập luyện thể dục thể thao
Duy trì thói quen vận động mỗi ngày là cách đơn giản giúp cải thiện sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa IBS. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ hoặc huấn luyện thể lực.
Hiện Hội chứng ruột kích thích (IBS) tuy rằng ít khi gây biến chứng nguy hiểm nhưng bạn không nên xem thường. Bởi các triệu chứng của IBS có xu hướng lặp đi lặp lại không theo quy luật, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bạn nên đến thăm khám với bác sĩ để có chẩn đoán cụ thể hoặc chỉ định phù hợp khi cần thiết.
Bài viết trên đã cung cấp các thông tin về Hội chứng ruột kích thích (IBS). Hy vọng bạn đọc có thêm kiến thức bổ ích để phòng tránh và ngăn ngừa hội chứng này, tránh làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.