Viêm loét dạ dày là hậu quả của sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ – tấn công niêm mạc dạ dày. Đây là bệnh khá phổ biến hiện nay và thường có những biểu hiện tương tự với các bệnh tiêu hóa khác. Do đó, nhiều người còn chủ quan mà không biết rằng, viêm loét dạ dày ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh dễ tái phát khiến cho việc điều trị càng khó khăn.
Viêm loét dạ dày thường tái phát vì sao?
Thực tế, nhiều người bị tái nhiễm viêm loét dạ dày sau khi đã được điều trị làm liền vết loét thành công. Nguyên nhân viêm loét dạ dày hay tái phát là do:
- Do chế độ sinh hoạt, ăn uống không khoa học
Các thói quen sống không khoa học như ăn nhiều chất chua, cay; ăn uống không đúng giờ; uống nhiều rượu bia; làm việc căng thẳng, hay bị stress,… là nguyên nhân khiến viêm loét dạ dày thường tái phát.
Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị
Hầu hết người bệnh viêm loét dạ dày thường không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hay bỏ dở giữa chừng khi thấy triệu chứng thuyên giảm hoặc tự ý mua kháng sinh để trị bệnh.
Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc kháng sinh không đúng phác đồ thì có thể khiến vết loét dạ dày nặng hơn, vi khuẩn HP kháng thuốc kháng sinh, dẫn tới khó điều trị dứt điểm bệnh và khiến bệnh dễ tái phát.
Do tái nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
Có tới 80% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Nếu sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân bị tái nhiễm vi khuẩn HP thì viêm loét dạ dày sẽ dễ tái phát. Các nguyên nhân gây tái nhiễm HP gồm:
- Lây nhiễm HP do thói quen ăn chung, uống chung: Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm cao qua đường miệng – miệng. Chúng tồn tại trong thức ăn, nước uống, khoang miệng của người mang mầm bệnh. Trong khi đó, người Việt có thói quen ăn, uống chung nên có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP rất cao. Khi HP đã đi vào cơ thể, nguy cơ tái phát viêm loét dạ dày là rất cao.
- Lây nhiễm HP do điều kiện vệ sinh kém: Vi khuẩn HP có thể theo phân ra ngoài môi trường. Với người có thói quen ăn rau sống, không rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn HP xâm nhập, gây hiện tượng bệnh viêm loét dạ dày tái đi tái lại nhiều lần.
Cách phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày
Điều chỉnh thói quen ăn uống
- Ăn chín, uống sôi và rửa tay trước khi ăn luôn là bài học bạn được dạy từ khi còn nhỏ để tránh gây đau bụng. Và nó cũng là biện pháp phòng ngừa nhiễm các loại ký sinh, vi khuẩn có hại cho dạ dày, ruột.
- Không bỏ bữa hay ăn trễ giờ. Nên ăn đúng giờ và không nên ăn quá no để dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
- Ăn chậm, nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày. Bạn cũng nên bỏ thói quen vừa ăn vừa làm việc để việc hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
- Không vừa ăn vừa uống. Tốt nhất nên uống 1 cốc nước trước bữa ăn 30 phút để giúp ăn ngon miệng hơn. Sau khi ăn bạn cũng chỉ nên uống một vài ngụm nước nhỏ.
- Không ăn trước khi đi ngủ. Nếu đói, bạn chỉ nên uống 1 ly sữa ấm để xoa dịu dạ dày sẽ tốt hơn.
- Không hoạt động trí óc hay hoạt động thể lực mạnh trong thời gian 30 phút sau ăn. Đơn giản vì khi ăn não bộ đang tập trung dồn toàn bộ năng lượng của cơ thể vào việc tiêu hóa thức ăn. Nếu phải chia sẻ bớt năng lượng cho việc khác thì chắc chắn dạ dày sẽ hoạt động kém đi, lâu ngày sẽ dẫn đến đau dạ dày.
- Ngoài ra, bạn nên hạn chế ăn ở hàng quán vì nó tiềm ẩn việc lây nhiễm vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày cao.
Giảm cân
Khi béo, dịch dạ dày sẽ bị dư thừa và đầy acid vào thực quản dẫn đến ợ chua, ợ hơi… Do vậy, để tránh gây hại cho dạ dày, làm tăng nguy cơ gây viêm loét thì giảm cân là điều cần thiết.
Hạn chế ăn các loại đồ chua, cay, nóng, chứa nhiều acid và chất kích thích
- Thực phẩm cay nóng: Ớt, mù tạt, tiêu… là những thực phẩm kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị dễ gây tổn thương dạ dày.
- Thực phẩm chua: Sẽ làm tăng lượng acid trong dạ dày, nếu bạn ăn cóc, xoài, chanh, dưa muối,… lúc bụng rỗng có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc dạ dày, lâu dần dạ dày sẽ viêm, loét.
- Đồ uống có gas: Khi uống nước có gas, lượng khí được sinh nhiều trong dạ dày sẽ làm nó phình to, kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn.
- Cà phê: Có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid làm tăng nồng độ acid trong dạ dày.
- Rượu bia: Đồ uống có cồn có thể gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày khiến dạ dày dễ bị viêm, loét và xuất huyết.
- Muối: Vi khuẩn H.pylori là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày. Nếu ăn nhiều muối có thể làm tăng hoạt động của gen trong loại vi khuẩn này, khiến chúng trở nên độc hại hơn.
Tránh dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid
Ngày nay thuốc chống viêm không steroid được sử dụng khá rộng rãi. Chỉ cần một triệu chứng đau đầu, hay đau mỏi chân tay,… là loại thuốc này lại được sử dụng. Tuy nhiên nếu sử dụng nhiều, thường xuyên thì nhóm thuốc này lại đem lại những tác hại vô cùng đến hệ tiêu hóa.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể gây viêm hoặc kích thích lớp lót dạ dày và ruột non, dẫn đến loét. Do vậy bất cứ khi nào bạn cảm thấy đau đầu cũng nên cân nhắc thật kỹ giữa tác hại và lợi ích của loại thuốc này hoặc nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu bạn đang gặp vấn đề về dạ dày.
Tránh stress
Với cuộc sống hiện đại ngày nay, với áp lực công việc và học tập, rất nhiều người có dấu hiệu đau dạ dày do căng thẳng, stress. Vì khi bạn căng thẳng, dạ dày sẽ tăng tiết acid nhiều hơn, làm tăng nguy cơ gây viêm, loét.
Tránh thức khuya
Cơ thể bạn như chiếc đồng hồ sinh học, trong khi bạn ngủ thì một số cơ quan bên trong cơ thể vẫn lao động miệt mài để duy trì sự sống của cơ thể. Nhưng nếu thức khuya, hoạt động đó sẽ bị ảnh hưởng làm tổn thương một số cơ quan như gan, thận,… và nhất là dạ dày.
Vì khi cơ thể ngủ cũng là lúc dạ dày cũng được nghỉ ngơi. Nếu bạn thức khuya dĩ nhiên cái bao tử của bạn cũng sẽ phải hoạt động, cùng với sự tiêu hao năng lượng của cơ thể. Do vậy, nếu thức khuya thường xuyên, kéo dài, dạ dày của bạn sẽ bị đuối, dịch vị tiết nhiều phá hủy dần niêm mạc dạ dày gây viêm, loét.
Các chế độ ăn uống cho người bị viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày nên ăn gì?
Nên tăng cường các thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, các thực phẩm giúp cho việc chữa lành các vết loét hoặc có khả năng giúp giảm tiết acid và các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất. Sau đây là một số loại thực phẩm nên ăn ở người bị viêm loét dạ dày – tá tràng:
- Sữa, trứng có tác dụng đệm trung hòa acid trong dạ dày. Những thực phẩm như sữa bò, sữa hộp, bơ, pho mát có tác dụng trung hòa axit, giảm đau hiệu quả.
- Thực phẩm giàu đạm (thịt, cá nạc) nên chế biến luộc, hấp thì sẽ dễ hấp thu hơn.
- Thực phẩm ít mùi vị cũng giúp hạn chế sự co bóp và tăng tiết dịch vị của dạ dày giúp quá trình phục hồi viêm hiệu quả hơn. Những thực phẩm có thể kể đến như những thức ăn chứa tinh bột như cơm nát, cơm nếp nát, bánh mì, các loại khoai củ, cháo.
- Dầu ăn sống (các loại dầu thực vật) có tác dụng làm giảm bài tiết dịch vị (với số lượng ít). Có thể trộn cùng rau quả để giúp người bệnh dễ ăn hơn.
- Hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong: đây là bài thuốc đông y chính trong điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày. Nghệ có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vị, kiềm hoá độ acid của dịch vị. Mật ong có tác dụng điều hòa nồng độ acid tại dạ dày, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.
- Thực phẩm giàu dinh dưỡng, vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magie: có nhiều trong ngũ cốc, rau củ màu đỏ và xanh đậm, cần được tăng cường trong khẩu phần để cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin, các khoáng chất do tiêu hóa hấp thụ kém trong bệnh lý dạ dày- tá tràng.
- Trà xanh và trái cây tươi, rau quả: có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh viêm dạ dày. Đây là những nguồn chất chống oxy hóa tốt, có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào và bệnh tật bằng cách giảm mức độ của các hợp chất không ổn định được gọi là các gốc tự do trong cơ thể. Các loại nước trái cây giúp ích trong việc ngừa viêm như nước dừa, nước ép táo,… Các loại rau như bông cải xanh, súp lơ trắng, đậu bắp được nghiên cứu là có chất chống oxy hóa có khả năng ức chế sự phát triển của H.pylori và giảm viêm dạ dày và ngăn hình thành vết loét.
Viêm loét dạ dày kiêng ăn gì?
- Thực phẩm gây tổn thương đến niêm mạc dạ dày như: Rượu, bia, cà phê, trà đặc; các loại rau đậu già, củ cải già, rễ cây…; các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng khô…; món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, món nướng tẩm nhiều gia vị, đồ ăn chế biến sẵn có các chất bảo quản, các loại thức ăn như xương băm nhỏ, sụn, tôm cua, cổ cánh, chân gà, vịt, đầu cá…
- Thực phẩm gây tăng acid dạ dày: Trái cây chua (cam, chanh, quýt, xoài, khế…); thực phẩm chua (dấm, mẻ);
- Thực phẩm sinh hơi, chướng bụng như: Giá đỗ, dưa cà muối, hành, hẹ, cần tây… các loại nước ngọt, nước trái cây có ga.…
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn hiểu được lý do vì sao bệnh viêm loét dạ dày hay tái phát. Vì vậy hãy có một chế độ sinh hoạt điều độ, khoa học để chữa bệnh triệt để, giảm nguy cơ tái phát.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.