Khí hậu mùa hè nóng, ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh, trong đó có tiêu chảy cấp. Đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ và nếu không có cách trị tiêu chảy kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Dễ dàng nhận biết dấu hiệu tiêu chảy cấp
Bệnh tiêu chảy cấp là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em và bố mẹ thường bị lúng túng khi trẻ gặp trường hợp này. Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm có thể dẫn đến tử vong cho trẻ.
Biểu hiện của bệnh là đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/ngày, có thể kèm theo đau bụng, sốt, chán ăn, mệt mỏi, nôn, khát nước, ít vận động, tiểu ít, có thể kèm các dấu hiệu khác về đường hô hấp như ho, nước mũi, phát ban…
Bệnh thường không kéo dài quá 10 ngày nhưng có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong cho trẻ nếu không bù đủ nước dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải…
Các thuốc thường dùng trị tiêu chảy cấp
Các loại dung dịch bù nước và điện giải: Khi bị tiêu chảy cấp, trẻ mất đi lượng lớn nước và chất điện giải do đi phân lỏng hay bị nôn nên nguyên tắc đầu tiên và rất quan trọng trong điều trị tiêu chảy cấp là bù lại lượng nước và điện giải mà trẻ đã bị mất đi. Khi bị tiêu chảy cấp có các biểu hiện mất nước nhẹ, trẻ tỉnh táo, khóc có nước mắt, mắt trẻ không trũng, uống nước bình thường, lưỡi ướt thì cha mẹ có thể điều trị cho trẻ ngay tại nhà. Gia đình cần cho trẻ uống nước và bù điện giải nhiều hơn bình thường và có thể dùng dung dịch oresol.
Bố mẹ pha 1 gói Oresol với lượng nước đúng theo quy định ghi trên nhãn. Có gói yêu cầu pha vào 200ml nước, có gói pha với 500ml nước và cũng có gói phải pha vào 1 lít nước, vậy nên cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi pha Oresol. Pha 1 gói Oresol ngay trước khi sử dụng và sau khi pha xong, cần lắc kĩ trước khi uống, không được đun sôi sau khi pha.
Dung dịch có thể giữ để uống trong vòng 24 giờ, sau đó không nên dùng nữa. Dùng nước nguội để pha dung dịch Oresol, không pha với nước khoáng vì trong nước khoáng có sẵn các ion điện giải sẽ làm sai lệch tỉ lệ các chất điện giải đã được tính toán.
Thuốc kháng sinh: Đây là cách trị tiêu chảy dùng khi thấy phân trẻ có máu, tốt nhất cần cho trẻ đi khám bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ: Nếu tiêu chảy cấp do lỵ trực khuẩn Shigella thì dùng ciprofloxacin; nếu do lỵ amip thì dùng metronidazol; nếu do vi khuẩn tả thì có thể dùng azythromycin… Cha mẹ cần cho trẻ nuốt nguyên vẹn cả viên thuốc (không được bẻ hoặc nghiền), nếu là thuốc dạng bột gói thì khuấy đều trong cốc nước và phải được uống ngay lập tức sau khi pha xong.
Bổ sung kẽm: Kẽm là một vi chất quan trọng cho sức khỏe, sự phát triển và hệ thống miễn dịch của trẻ em. Đối với trẻ bị tiêu chảy thường bị mất một lượng lớn kẽm nên việc bổ sung vi chất này trong quá trình điều trị tiêu chảy sẽ giúp trẻ sớm phục hồi, tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ tái phát. Lượng kẽm sử dụng cho từng độ tuổi rất khác nhau, vì vậy cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Chú ý: Không dùng thuốc chống nôn, cầm tiêu chảy cho trẻ khi bị tiêu chảy cấp.
Khi nào cần đến cơ sở y tế?
Với các trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp nhưng có biểu hiện nặng như vật vã kích thích hoặc ngủ li bì, mệt lả; khóc không có nước mắt hoặc mắt rất trũng và khô; lưỡi khô, khát (uống háo hức) hoặc uống kém/không thể uống được thì phải đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để theo dõi và điều trị.
Do đây là các dấu hiệu hết sức nguy hiểm, trẻ bị mất nước nghiêm trọng và phải được truyền dịch với dung dịch nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%) hoặc dung dịch ringer lactat. Trong thời gian truyền dịch, cha mẹ cần tích cực theo dõi tình trạng mất nước của trẻ và thông báo kịp thời cho bác sĩ để thay đổi phác đồ phù hợp.
Khi trẻ nhỏ bị tiêu chảy cấp, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe cho con bằng cách cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nên bắt trẻ nhịn, kiêng khem.
Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, xoài… Tránh dùng các loại thực phẩm ít chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa như: măng, rau cần, ngô, đỗ nguyên hạt và các loại nước có gas gây khó tiêu, đầy bụng.
Nguồn: PGS.TS. NGUYỄN NGỌC SÁNG
Bạn có thể xem thêm:
- 18 Bệnh Thường Gặp Ở Trẻ
- Phòng bệnh cho trẻ em vào mùa mưa
- Bao nhiêu độ là sốt ở trẻ em? Hướng dẫn cách hạ sốt cho trẻ tại nhà
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cho từng trường hợp Bệnh cụ thể, không tự ý làm theo hướng dẫn của bài viết.