Chúng ta cần hiểu rằng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn (bacteria), không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi (virus). Hiện nay, nhiều trẻ em đang được sử dụng kháng sinh trong các trường hợp không cần thiết hoặc dùng kháng sinh không cần đơn thuốc của bác sĩ… Chính điều này làm gia tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến việc điều trị bệnh khó khăn, kéo dài, tốn kém hơn.
Hậu quả khi sử dụng kháng sinh không đúng cách
Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng tích cực, song chính việc dùng thuốc thiếu khoa học đã dẫn đến trình trạng kháng thuốc. Hiện nay có rất nhiều quan niệm sai lầm trong việc sử dụng kháng sinh như: Sốt là phải dùng kháng sinh hay đã có viêm là phải dùng kháng sinh; có thể giảm liều hoặc ngưng hẳn việc sử dụng thuốc trong những ngày cuối khi đã cảm thấy khỏe hơn…
Chúng ta cần hiểu rằng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với các bệnh do vi khuẩn (bacteria), không có tác dụng đối với các bệnh do siêu vi (virus). Vì vậy, hầu hết các trường hợp sốt do siêu vi, viêm họng, nhiễm khuẩn hô hấp trên, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh.
Thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Vì vậy, nếu cho trẻ sử dụng kháng sinh quá nhiều thì cơ thể trẻ sẽ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn. Ngoài ra, việc phụ huynh tự ý cho trẻ dừng kháng sinh trong những ngày điều trị cuối cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng kháng sinh phát triển. Trong quá trình điều trị, phụ huynh cho rằng có thể cho trẻ giảm liều hoặc ngưng hẳn việc sử dụng thuốc trong những ngày cuối khi cảm thấy trẻ đã khỏe hơn.
Tuy nhiên, thực tế các triệu chứng thường được cải thiện trước một khoảng thời gian, khi các vi khuẩn đã bị tiêu diệt và xử lý. Nếu tự ý giảm liều lượng hoặc cắt giảm thuốc, số lượng kháng sinh sẽ không đủ để tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh còn sót lại. Những vi khuẩn còn sót lại này có thể sẽ sinh sản và tái tạo lại quần thể. Kết quả là trẻ sẽ dễ bị tái phát bệnh sau một thời gian.
Việc cho trẻ dùng kháng sinh bừa bãi thường gây tác dụng phụ như: Tiêu chảy, ói, dị ứng, sốc phản vệ thậm chí tử vong. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh (hay còn gọi là lờn kháng sinh), về sau khi cần sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi trùng gây bệnh thì nó không còn tác dụng nữa, trẻ sẽ dễ bị nguy cơ bệnh nặng hơn và có thể gây tử vong.
Sử dụng kháng sinh phải có đơn thuốc của bác sĩ
Trẻ em ở mỗi độ tuổi khác nhau thì có thể trạng khác nhau, cân nặng khác nhau nên liều lượng thuốc được bào chế cũng khác nhau. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên xem trẻ em là người lớn thu nhỏ và không nên nghĩ rằng người lớn dùng thuốc gì thì trẻ em dùng thuốc nấy, chỉ cần bớt liều lượng đi là được. Đặc biệt, khi trẻ bị ốm và phải dùng tới kháng sinh, phụ huynh nhất thiết phải cho trẻ đi khám bệnh để bác sĩ chẩn đoán và kê toa thuốc chính xác, đúng bệnh.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc cho trẻ cho sử dụng hoặc điều trị theo sự mách nước của những người không có chuyên môn. Khi trẻ có các dấu hiệu cảm sốt, ho, sổ mũi… phụ huynh có thể hạ sốt cho trẻ bằng các phương pháp tự nhiên như lau mát, mặc quần áo thông thoáng dễ hút mồ hôi, cho trẻ uống nhiều nước. Các loại thuốc ho được bào chế từ thảo dược an toàn cho trẻ có thể dùng trong trường hợp này.
Phụ huynh có thể dùng nước muối sinh lý NaCl 9% để làm sạch mũi cho trẻ, giúp cho đường hô hấp của trẻ được thông thoáng. Nếu đã áp dụng những phương pháp trên mà tình trạng bệnh của trẻ không thuyên giảm, phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để khám bệnh.
Có thể bạn quan tâm: Nước muối sinh lý
Khi trẻ được bác sĩ chỉ định thuốc, phụ huynh cũng nên hỏi bác sĩ về toa thuốc của trẻ (Trong toa này loại thuốc nào là kháng sinh và loại nào không phải là kháng sinh?). Trong trường hợp bé đã từng dị ứng với loại thuốc nào hoặc với loại chất hóa học nào thì phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ để bác sĩ có thể lựa chọn một loại thuốc khác cùng tác dụng nhưng không gây dị ứng cho trẻ.
Đối với những bệnh thật sự cần dùng kháng sinh, phụ huynh nên cho con uống đầy đủ theo toa thuốc mà bác sĩ đã chỉ định: “Đúng liều lượng và thời gian”. Sau khi uống hết toa thuốc, phụ huynh cần đưa con đi tái khám đúng hẹn. Không nên khi uống thuốc được vài ngày, thấy bé khỏe hơn thì phụ huynh tự động ngưng thuốc hoặc đến hẹn không tái khám.
Bởi vì mặc dù các biểu hiện như ho, sưng họng, sốt… trên cơ thể trẻ đã giảm nhưng các vi khuẩn vẫn còn, vì thế nên cho trẻ uống đủ liều và đủ thời gian đã được chỉ định để tiêu diệt hết vi khuẩn, tránh cho bệnh tái phát và tránh kháng thuốc.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Bạn có thể xem thêm:
-
- Phòng bệnh cho trẻ em vào mùa mưa
-
- 3 nguyên tắc bổ sung calci hiệu quả cho trẻ
-
- Những bài thuốc dân gian giúp mau hết bệnh ho