Bước vào độ tuổi ngũ tuần trở đi, người cao tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, thường xuyên bị stress, căng thẳng, rối loạn lo âu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cùng PHARMACITY tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, stress, lo âu ở người cao tuổi qua bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân gây stress, căng thẳng ở người cao tuổi
Ở độ tuổi ngoài 60, phần lớn người cao tuổi đều đã về hưu và có cuộc sống an nhàn. Dù đã đến tuổi xế chiều nhưng người già vẫn có thể bị stress do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Ảnh hưởng bệnh mạn tính:
- Người cao tuổi cũng thường bị mắc các bệnh mạn tính về hô hấp, tim mạch, huyết áp như cao huyết áp, tiểu đường, sa sút trí nhớ, viêm đại tràng,.. Khi mắc bệnh, bên cạnh tâm lý của họ cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe, họ còn phải chịu đựng sự mệt mỏi, khó chịu, những cơn đau nhức. Tình trạng này kéo dài gây ra tâm lý bức bối, căng thẳng và gia tăng nguy cơ bị stress.
- Ngoài ra, các bệnh mạn tính cũng khiến cho người già khó có thể chủ động trong việc đi lại, sinh hoạt phải sống lệ thuộc vào gia đình. Từ đó khiến không ít người hình thành suy nghĩ bản thân đang trở thành gánh nặng của gia đình. Tâm lý họ lại càng buồn chán, căng thẳng, lo âu, thậm chí là mắc bệnh trầm cảm nữa.
- Sợ cảm giác cô đơn của tuổi già:
- Một số người cao tuổi còn phải sống trong cảnh cô đơn lẻ bóng, không có người thân bên cạnh. Ở cái tuổi mà đáng ra phải được an nhàn, hưởng thụ cuộc sống, bình yên và vui vẻ bên con cháu, thì một số người lại chẳng có ai ở bên. Vui một mình, buồn cũng một mình, đau ốm cũng một mình. Cảm giác cô đơn và buồn bã khiến họ chán nản, mất hết hứng thú vào cuộc sống. Tâm lý cũng vì thế mà không được vui vẻ, luôn căng thẳng, mệt mỏi và stress.
- Chưa kể đến những tình cảnh mà người lớn tuổi không nhận được sự quan tâm từ người thân. Con cái đi làm ăn xa, ít khi về nhà, ít quan tâm và trò chuyện với ông bà cha mẹ. Lâu dần họ cảm thấy tủi thân, không nhận được sự quan tâm của con cái nên có cảm giác như bị bỏ rơi. Đặc biệt còn những trường hợp người già bị bệnh, đau ốm, sức khỏe yếu thì càng khiến tâm lý của họ bi quan và tiêu cực hơn rất nhiều.
- Hệ thần kinh bị lão hóa:
- Là yếu tố trực tiếp gây ra tình trạng căng thẳng (stress), mệt mỏi ở người già. Khi bước vào tuổi trung niên, các cơ quan trong cơ thể sẽ bắt đầu quá trình lão hóa và quá trình này sẽ trở nên rõ rệt khi bước sang tuổi 60.
- Khi hệ thần kinh bị thoái hóa, cảm xúc, tư duy và hành vi ở người già sẽ trở nên nhạy cảm hơn. Đồng thời ngưỡng chịu đựng với stress cũng giảm đi đáng kể. Chính vì vậy, chỉ với một tác động nhỏ, người già có thể nảy sinh ý nghĩ bi quan, tiêu cực và bị stress.
- Ngoài ra khi hệ thần kinh bị lão hóa, người già sẽ đối mặt với nhiều vấn đề như suy giảm trí nhớ, giảm tính nhạy bén, linh hoạt và giảm khả năng ngôn ngữ. Lúc này, người cao tuổi sẽ khó có thể diễn đạt được hết suy nghĩ của bản thân khiến cho những người xung quanh không hiểu rõ. Từ đó gia tăng nguy cơ stress, rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều rối loạn tâm lý khác.
- Thiếu sự quan tâm yêu thương từ người thân:
- Người cao tuổi bị hạn chế về các mối quan hệ, khả năng giao tiếp giảm và không bắt kịp với sự thay đổi của xã hội nên rất dễ buồn bã, chán nản.
- Thực tế, không ít gia đình không có thời gian trò chuyện với ông bà và bố mẹ do quá bận rộn với công việc. Điều này khiến cho người cao tuổi dễ buồn bực, chán nản, cảm thấy bản thân vô dụng và thừa thãi – nhất là khi người già mắc các bệnh mãn tính và không thể chủ động đi lại hay sinh hoạt.
- Do suy nghĩ tiêu cực:
- Những người cao tuổi rất dễ hình thành tâm lý bản thân vô dụng và trở thành gánh nặng của gia đình khi không thể tạo ra thu nhập – nhất là trong trường hợp gia đình khó khăn và bản thân người già mắc phải các bệnh lý mạn tính.
- Khi còn trẻ, với sức khỏe và năng lực sẵn có, bản thân mỗi người sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên khi đã già, những gánh nặng sẽ dồn lên vai của con cái khiến người già không tránh khỏi tâm lý bi quan và những suy nghĩ tiêu cực.
- Ngoài ra, người già cũng bị hạn chế môi trường giao tiếp và ít có cơ hội gặp gỡ bạn bè. Thông thường, người cao tuổi thường ít chia sẻ và đề cập đến những vấn đề phiền muộn vì sợ con cháu lo lắng. Do đó nếu không được chia sẻ, những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực bị dồn nén cũng là nguyên nhân gây stress.
Giải pháp giúp thư giãn tinh thần ở người cao tuổi
Sau đây là một số giải pháp giúp thư giãn tinh thần ở người cao tuổi:
- Tạo một môi trường hỗ trợ: Gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và chia sẻ cảm xúc với người cao tuổi. Việc tạo ra một môi trường ấm áp, yên bình và hỗ trợ có thể giúp họ cảm thấy an tâm và yên bình hơn trong cuộc sống hàng ngày
- Thúc đẩy hoạt động thể chất: Hoạt động vận động như đi bộ, yoga hoặc học nhảy không chỉ giúp cải thiện sức khỏe vật lý mà còn giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Thời gian dành cho việc tập thể dục cũng là thời gian để thư giãn và tận hưởng cuộc sống.
- Khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội: Các cụ ông cụ bà cần được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội bởi điều này sẽ giúp cho người cao tuổi lấp trống khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày, mở rộng mối quan hệ bạn bè và giúp phấn chấn tinh thần cho người cao tuổi sau mỗi buổi hoạt động xã hội.
- Đảm bảo dinh dưỡng cân đối: Ăn uống lành mạnh và cân đối có thể giúp cơ thể đối phó tốt hơn với căng thẳng và bệnh tật. Việc bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn hàng ngày có thể giúp cung cấp năng lượng và tăng cường sức khỏe. Tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và thấp natri; giảm tiêu thụ các chất kích thích như cafein và nicotine.
- Thực hành kỹ thuật giảm căng thẳng: Học các kỹ thuật như thiền, hít thở sâu và yoga để giúp giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tinh thần. Việc thực hành các kỹ thuật này thường xuyên có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng cho người cao tuổi.
Lời khuyên dành cho con cái chăm sóc bố mẹ già
Người ta có câu ‘Chăm sóc người già giống như chăm sóc một đứa trẻ lớn’. Và thậm chí nó còn khó khăn và bất lực hơn rất nhiều, đòi hỏi con cái phải có sự thấu hiểu và kiên nhẫn. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho con cái khi chăm sóc bố mẹ già:
- Hiểu đặc điểm tâm lý của người cao tuổi:
- Độ tuổi tăng dần có thể khiến tính cách con người thay đổi, người cao tuổi thường có tâm lý cô đơn, hoài cổ, hay lo lắng bi quan. Trải qua quãng thời gian dài lao động được tiếp xúc, giao tiếp với nhiều người, khi sức khỏe yếu đi, ít hoạt động ngoài xã hội dễ sinh buồn chán. Đặc biệt, người cao tuổi rất lo cho sức khỏe của mình, luôn có tâm lý lo sợ vì chậm chạp và cảm giác bị lệ thuộc người khác nên trở nên lo âu, sợ bị bỏ rơi.
- Từ những yếu tố tâm lý đó, họ thường tự ti, nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc, dễ tủi thân khi nhu cầu của mình không được đáp ứng đầy đủ, cảm thấy xa cách với cách sống, suy nghĩ vì lệch tuổi tác với giới trẻ.
- Bố mẹ của chúng ta đôi khi cũng sẽ có những biểu hiện tâm lý như vậy. Họ vừa sợ mình trở thành gánh nặng của con cái, nhưng cũng vừa sợ con cái bỏ rơi mình. Do vậy, hãy cố gắng thấu hiểu và thông cảm cho cha mẹ, hãy dành thời gian cho họ mỗi ngày, thể hiện sự quan tâm và trò chuyện với họ. Như vậy bố mẹ sẽ cảm thấy bớt cô đơn và buồn chán hơn.
- Khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi
- Bước vào tuổi già, sức khỏe suy yếu là điều không tránh khỏi. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy hệ tiêu hoá, hệ tim mạch, hệ xương… xuất hiện những dấu hiệu không tốt khi cơ thể lão hoá, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người cao tuổi. Đôi khi bạn sẽ bắt gặp bố mẹ ngồi một mình tự xoa bóp chân tay do bị đau nhức xương khớp, hay những đêm họ trằn trọc mất ngủ. Tuổi già sức yếu là vậy, các bệnh lý tiểu đường, huyết áp cao, thoái hóa khớp, mất ngủ,… rất dễ gặp ở người cao tuổi.
- Bệnh người già thường là các bệnh có diễn biến âm thầm, mạn tính và khi phát hiện thì đã ở thể nặng. Do vậy bạn cần đảm bảo đưa bố mẹ đi thăm khám định kỳ (khoảng 6 tháng/1 lần). Với sự tư vấn của các chuyên gia y tế, có thể kịp thời phát hiện sớm các bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp. Việc xây dựng thói quen khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp chăm sóc bố mẹ đảm bảo sức khỏe, yên tâm vui sống cùng con cháu. Con cái cũng giảm được những lo lắng, thời gian chăm sóc, chữa trị và cả chi phí điều trị.
- Chế độ ăn uống của người cao tuổi:
- Hệ tiêu hoá của người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề, gây khó khăn cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng, chúng ta cần có một chế độ ăn uống phù hợp, khoa học để nâng cao sức khoẻ cho họ. Một số lưu ý dành cho con cái khi chăm sóc bố mẹ và chế độ dinh dưỡng cho họ như sau:
- Chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá no, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn
- Ăn giảm chất đường bột
- Nên ăn nhiều các thức ăn thực vật như: Vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh, củ quả…
- Nên ăn các loại cá, tôm, cua…
- Hạn chế ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, các loại đồ muối chua…
- Ăn món hấp luộc thay vì món chiên rán dầu mỡ
- Chế biến món ăn mềm, thái nhỏ, hầm kỹ
- Uống đủ nước, nói không với đồ uống có cồn và cafein.