Suy tim là một hội chứng phức tạp, xảy ra khi tim không bơm đủ máu nuôi cơ thể. Bệnh cần được điều trị nhưng không thể chữa khỏi.
Nó là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh nhồi máu cơ tim, màng ngoài tim, nhịp tim không đều, loạn nhịp tim,… Bệnh suy tim có thể gặp ở mọi độ tuổi, khi mắc người bệnh suy tim sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống và biến chứng nặng nề nhất là có thể gây đột qụy. Vì vậy, việc hiểu đúng bệnh để biết cách chăm sóc là rất quan trọng.
Nhận biết triệu chứng
Suy tim tiến triển từ từ trong nhiều năm, đôi khi cũng có những đợt cấp có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là một hội chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh bởi có các biểu hiện sau:
Mệt mỏi: Đây là một trong các triệu chứng thường hay gặp nhất ở người bệnh có rối loạn chức năng tim mạch, tuy nhiên mệt là triệu chứng không đặc hiệu. Mệt khi thực hiện những việc đơn giản như đi thang bộ lên lầu, xách giỏ đi chợ hay đi bộ… có thể đó là những dấu hiệu cảnh báo trái tim của bạn đang bị suy yếu.
Khó thở: Khi tim bị suy, co bóp kém nên ứ máu phổi, các mạch máu ở phổi giãn căng, áp lực cao chèn ép phế quản gây khó thở. Đây là triệu chứng hay gặp nhất của suy tim, người bệnh có cảm giác hụt hơi, hồi hộp, ngộp thở, tình trạng khó thở tăng lên khi gắng sức hoặc khi nằm đầu thấp. Khó thở thường về đêm, người bệnh thường bị thức giấc do bị ngộp thở, ho khan phải ngồi dậy hoặc nằm đầu cao mới dễ chịu, trường hợp suy tim nặng người bệnh luôn phải ngủ ở tư thế ngồi. Khó thở khi gắng sức thường kèm khó thở khi nằm hoặc khó thở kịch phát về đêm.
Đau thắt ngực: Đau ngực thường xảy ra sau gắng sức, vị trí đau ở vùng ngực trái trước tim nhưng cũng có thể là cảm giác nặng ngực, tức ngực, ngực bị thắt nghẹn, bị ép, hiếm khi người bệnh có triệu chứng đau nhói như dao đâm. Đau ngực thường giảm khi nghỉ ngơi.
Phù: Thường xảy ra chiều tối, bắt đầu ở chân, người bệnh thường cảm giác đi giày chật, phù đối xứng. Khi suy tim nặng, phù thêm ở đùi, mặt, bụng, phù tăng khi ăn mặn. Thường người bệnh hay có triệu chứng khó thở đi kèm.
Ho: Ho trong trường hợp suy tim là ho khan, khó khạc đờm. Ho làm người bệnh mất ngủ, ho do suy tim ở giai đoạn đầu rất dễ nhầm với các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Ai dễ mắc chứng suy tim?
Bệnh suy tim thường xảy ra ở những người có tuổi, tuy nhiên ngày nay cuộc sống hiện đại và lối sống không lành mạnh nên bệnh đang trẻ hóa. Ngoài ra, những yếu tố có nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường và cholesterol máu cao cũng gia tăng. Người ta cũng ghi nhận được người còn rất trẻ cũng bị bệnh tim. Khi mà họ là nạn nhân của chứng nhồi máu cơ tim hoặc nhiễm virut có ảnh hưởng đến tim. Cũng nên cẩn thận với việc lạm dụng rượu mạnh, rất có hại cho sức khỏe.
Người bệnh suy tim nên ăn uống luyện tập thế nào?
Người bệnh suy tim cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không bao giờ dừng thuốc, thay đổi liều hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào khác mà không được bác sĩ kê đơn.
Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi lối sống là xây dựng lối sống đúng đắn, thực hiện một chế độ ăn hợp lý, có chương trình tập luyện thể dục và nghỉ ngơi phù hợp, đây là 3 biện pháp mà bệnh nhân suy tim phải biết.
Bệnh nhân suy tim cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ ăn đúng, giúp bổ sung được những chất còn thiếu, giảm cân một cách khoa học và phù hợp với tình trạng bệnh tật nhưng vẫn ngon miệng.
Về lượng muối: nếu ăn quá nhiều muối (ăn mặn) sẽ gây ứ dịch và phù, gây co mạch làm tăng huyết áp, dẫn đến làm nặng thêm tình trạng suy tim. Bệnh nhân suy tim không được dùng quá 2g muối/ ngày (chưa đến 1 thìa cafe). Và lượng muối ăn vào mỗi ngày được tính từ tất cả các nguồn thức ăn, nước uống.
Cholesterol và chất béo: nếu cholesterol máu cao có thể gây bệnh lý mạch vành, gây suy tim. Do đó, bệnh nhân suy tim phải hạn chế mỡ hòa tan (là loại mỡ gây tăng cholesterol), thường có trong các loại thực phẩm: các loại thịt có màu đỏ, lòng đỏ trứng gà, thức ăn có nguồn gốc từ động vật, do đó, nên thay thế các loại mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật,…
Người bệnh suy tim nên bỏ rượu hoặc phải hết sức hạn chế: uống không quá 1 ly bia hoặc 1 ly rượu vang mỗi ngày. Nên hạn chế tối đa cà phê và các thức uống giải khát có chứa chất caffein như nước tăng lực… Còn khi đã suy tim nặng thì nhất thiết phải bỏ rượu bia.
Bệnh nhân suy tim nên ăn nhiều thực phẩm chứa kali và magnesium, vì chúng rất cần cho hoạt động của tế bào cơ tim và vì bệnh nhân thường bị giảm kali do dùng thuốc lợi tiểu.
Các bài tập thể dục có thể giúp người bệnh suy tim thấy khỏe hơn, giảm căng thẳng và lo lắng, giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, huyết áp và đường huyết.
Các hoạt động thích hợp với người bệnh suy tim thông thường là đi bộ. Đạp xe và bơi lội: có thể được nếu bệnh nhân từng tập luyện trước đây và suy tim không quá nặng. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân suy tim đều được khuyến cáo bài tập loại gì và mức độ tùy thuộc vào tình trạng suy tim nên cần tham khảo bác sĩ để làm trắc nghiệm khả năng gắng sức hoặc cho ý kiến về môn tập phù hợp.
Những điều nên làm khi tập luyện thể lực là bắt đầu thật chậm, tăng dần thời gian và cường độ vận động nếu thấy đủ sức. Mức vận động cần đạt: ít nhất 30 phút/ ngày (có thể chia thành nhiều lần), trên 5 lần/ tuần.
Tập vào thời điểm nhất định trong ngày để tạo thói quen. Uống 1 tách nước trước, trong và sau khi tập. Mặc quần áo thoáng mát, mang giày nhẹ có dây buộc hoặc giày vải. Làm ấm cơ thể bằng các bài tập co duỗi cơ trước khi vận động. Theo dõi nhịp mạch và mức gắng sức đang thực hiện. Nên tập luyện cùng với một người bạn thân khỏe mạnh. Phải nghỉ ngơi đầy đủ để hồi phục sau vận động.
Những điều cần tránh khi luyện tập
Tránh những hoạt động gây các triệu chứng sau: khó thở; choáng váng, chóng mặt; đau ngực; buồn nôn; vã mồ hôi lạnh… nếu xảy ra những dấu hiệu này, phải dừng tập ngay. Tránh những bài tập đòi hỏi nhu cầu giải phóng năng lượng nhanh, cao. Tránh những bài tập mang tính đối kháng, cạnh tranh cao, khiêng vác nặng, có va chạm. Không tập luyện khi đói hoặc ngay sau bữa ăn. Tránh tập luyện trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh hoặc khi cảm thấy không được khỏe.
BS. Mạnh Hùng