Dấu hiệu có thai là vấn đề mà nhiều chị em phụ nữ quan tâm, dấu hiệu khi mang thai ở mỗi người có thể khác nhau như mệt mỏi, đau ngực, buồn nôn, thay đổi khẩu vị, nhạy cảm với mùi,…
Nhận biết các dấu hiệu có thai sớm nhất
Ý nghĩa ngày rụng trứng là gì?
Ngày rụng trứng là thời điểm trứng được phóng thích từ buồng trứng và sẵn sàng để thụ tinh. Sau khi được phóng thích, trứng chỉ có từ 12 đến 24 giờ để sống, gặp tinh trùng và được thụ tinh. Tuy nhiên nếu không được thụ tinh thì trứng sẽ bị thoái hóa, không thể bám lên thành tử cung để tạo thành phôi.
Ngày rụng trứng được xác định là thời điểm dễ thụ thai nhất, vì vậy phụ nữ dựa vào chu kỳ, tính ngày rụng trứng để canh ngày thụ thai hoặc tránh thai.
Tính ngày rụng trứng chính xác sẽ giúp phụ nữ nhận biết được thời điểm dễ thụ thai nhất, vì vậy vợ chồng quan hệ xung quanh ngày rụng trứng sẽ tăng khả năng thụ thai. Ngược lại, ngày rụng trứng là cơ sở để xác định thời kỳ an toàn tương đối, không an toàn và an toàn tuyệt đối, từ đó phòng tránh thai tự nhiên.
Việc xác định ngày rụng trứng giúp phụ nữ chủ động hơn trong việc chuẩn bị kế hoạch mang thai và sinh con.
Dấu hiệu có thai tuần đầu mẹ nên biết
Có rất nhiều dấu hiệu từ cơ thể cho thấy bạn đã có tin vui, một số sự thay đổi phụ nữ cần lưu ý.
Chậm kinh
Chậm kinh (trễ kinh) là dấu hiệu nhận biết có thai sớm mà phụ nữ dễ dàng nhận thấy. Thông thường kinh nguyệt sẽ đến đều đặn hàng tháng nhưng nếu đột nhiên chậm kinh không rõ nguyên nhân thì rất có thể bạn đã mang thai. Tuy nhiên, một số phụ nữ vẫn có chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn hoặc chảy máu không rõ ràng, khiến họ nhầm lẫn.
Khi trứng thụ tinh thành công và làm tổ trong tử cung nên bạn sẽ không thấy kinh nguyệt xuất hiện như chu kỳ bình thường, theo đó cơ thể sẽ sản sinh hormone beta-hCG làm dày niêm mạc tử cung để nuôi dưỡng thai và duy trì thai kỳ, ngăn ngừa rụng trứng và gây ra hiện tượng mất kinh.
Hầu hết chị em phụ nữ nghi ngờ và phát hiện mang thai chính xác dựa vào việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt.
Xuất hiện máu báo hiệu có thai
Ra máu báo là hiện tượng ra 1 chút máu ở âm đạo. Điều đó báo hiệu rằng trứng đã được thụ tinh, phôi thai đang bắt đầu làm tổ, lớp niêm mạc bị bong ra và gây chảy một lượng máu nhỏ có màu hồng hoặc nâu.
Hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến và là dấu hiệu giúp phụ nữ dễ nhận biết, tuy nhiên rất dễ nhầm lẫn với hiện tượng kinh nguyệt. Lưu ý rằng, lượng máu báo hiệu này rất nhỏ, khác hẳn với máu của kỳ kinh nguyệt bình thường.
Đi tiểu nhiều hơn
Khi mang thai, cơ thể tăng cường sản xuất máu để nuôi dưỡng thai nên sẽ chèn ép vào bàng quang nhiều hơn dẫn đến đi tiểu nhiều hơn. Càng về sau thì mẹ bầu sẽ càng đi tiểu nhiều hơn do thai lớn chèn ép vào bàng quang nên kích thích đi tiểu.
Vì vậy, đi tiểu nhiều hơn là hiện tượng mẹ bầu sẽ gặp ngay từ những ngày đầu thai kỳ và trong suốt thai kỳ.
Căng tức ngực
Khi phôi được thụ tinh và bắt đầu phát triển, cơ thể sẽ sản xuất lượng lớn hormone estrogen và progesterone làm tăng lưu lượng máu đến vùng ngực gây ra cảm giác căng, đau hoặc nhạy cảm ở vùng ngực.
Tình trạng căng tức phần ngực thường xuất hiện từ 1 đến 2 tuần sau khi thụ tinh và tiếp tục trong suốt thời kỳ mang thai. Vì vậy, căng tức ngực là dấu hiệu nhận biết có thai sớm mà bạn cần chú ý.
Chuột rút
Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, trứng thụ tinh sẽ gắn chặt vào thành tử cung. Do đó, tử cung sẽ trở nên căng thẳng hơn bình thường và triệu chứng chuột rút sẽ xuất hiện.
Đây là một hiện tượng bình thường khi mang thai, tình trạng ở phụ nữ khi mang thai khác nhau, một số chỉ bị một vài cơn chuột rút nhẹ, trong khi những người khác có thể cảm thấy khó chịu thường xuyên đến và đi trong vài ngày.
Buồn nôn, nôn
Buồn nôn, nôn hay còn gọi là ốm nghén, hiện tượng này có thể xuất hiện ngay cả trước khi bạn biết mình đã thụ thai. Cảm giác buồn nôn giống như bị say xe, say tàu và thường sẽ kéo dài ít nhất là trong 3 tháng đầu tiên.
Thèm ăn, nhạy cảm với mùi
Đa số phụ nữ thường thay đổi khẩu vị khi mang thai, thèm ăn bất thường một loại đồ ăn nào đó mà trước đây không thích. Một trong những dấu hiệu có bầu dễ nhận biết nhất là thèm ăn một hoặc vài món nào đó trong một thời gian.
Đặc biệt, khứu giác sẽ trở nên nhạy cảm khi nồng độ estrogen tăng cao, đôi khi chỉ cần ngửi một mùi thoáng qua đủ để khiến bạn cảm thấy buồn nôn và khó chịu. Thậm chí, nhiều trường hợp chị em còn sợ các mùi mà trước đây rất thích.
Thay đổi tâm trạng, dễ xúc động
Một trong những đặc điểm để biết có thai đó là để ý tới tâm trạng của bản thân. Khi mang thai, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể bạn sẽ ở mức cao. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng khiến bạn có cảm xúc hoặc phản ứng mạnh hơn so bình thường.
Nhiệt độ cơ thể tăng bất thường
Quá trình thụ tinh xảy ra và phôi bắt đầu phát triển, cơ thể sẽ sản xuất thêm hormone progesterone, làm tăng lượng máu lưu thông trong cơ thể và dẫn đến thân nhiệt tăng. Do đó, khi chị em cảm thấy nhiệt độ cơ thể ấm lên, đổ mồ hôi nhiều hơn rất có thể bạn đã có tin vui.
Ngoài ra, dấu hiệu báo mang thai có thể được nhận biết thông qua các triệu chứng khác như đầy hơi, táo bón, đau bụng, chướng bụng, đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, buồn ngủ nhiều,…
Nên làm gì khi nghi ngờ có thai?
Khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu nghi ngờ có thai, hãy sử dụng các biện pháp khác để xác định chính xác có đang mang thai hay không.
Cách đầu tiên và đơn giản là sử dụng que thử thai, kiểm tra nhanh với mẫu nước tiểu dựa trên phản ứng với hormone beta-hCG. Nếu que test cho kết quả dương tính, đa số trường hợp xác định đã mang thai.
Để khẳng định kết quả chính xác, hãy đến bệnh viện để các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm và siêu âm để xác định chính xác liệu bạn có thai hay không.
Đặc biệt, khi nghi ngờ mang thai, bạn không nên hoảng sợ, lo lắng, hồi hộp và hãy giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc và dành thời gian để nghỉ ngơi.
Tránh xa các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, bổ sung chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để đảm bảo sức khỏe tốt khi có nghi ngờ dấu hiệu có thai và trong suốt thai kỳ.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Chế độ ăn uống giúp con khỏe đẹp từ trong bụng mẹ
- Bao nhiêu độ là sốt ở trẻ em? Hướng dẫn cách hạ sốt cho trẻ tại nhà
- Những điều cần viết về sữa mẹ và sữa công thức, chọn sữa cho trẻ sơ sinh