Có hơn 1,5 tỷ người trên thế giới bị đau mạn tính. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những tình trạng thương tật kéo dài.
Đau mạn tính
Mỗi chúng ta đều đã từng trải nghiệm cảm giác đau, nhức ở một thời điểm nào đó trong đời. Cảm giác đau đột ngột là một phản ứng quan trọng của hệ thống thần kinh cảnh báo chúng ta về những nguy cơ chấn thương. Khi bạn bị tổn thương một nơi nào đó trên cơ thể, tín hiệu đau sẽ được truyền đi từ khu vực tổn thương qua tủy sống và đến não. Não lập tức phát tín hiệu để vùng đó hoặc toàn cơ thể đáp ứng lại cơn đau.
Cảm giác đau do tổn thương sẽ giảm dần qua quá trình điều trị, chăm sóc và phục hồi. Tuy nhiên, đau mạn tính lại không giống như vậy. Khi bị đau mạn tính, cơ thể bạn vẫn tiếp tục gửi các tín hiệu đau đến não, ngay cả khi vết thương đã hồi phục. Đau có thể kéo dài từ vài tuần tới nhiều năm. Đau mạn tính có thể làm ảnh hưởng đến khả năng vận động, sự linh hoạt, sức mạnh và khả năng chịu đựng. Đau cũng ảnh hưởng đến công việc và các hoạt động hàng ngày của bạn.
Đau mạn tính được định nghĩa là đau kéo dài ít nhất 12 tuần. Cảm giác đau có thể thấy rõ ràng hoặc mơ hồ, cảm giác nóng rát hoặc đau nhức ở những khu vực bị ảnh hưởng. Đau có thể liên tục hoặc ngắt quãng, đến và đi mà không có nguyên nhân rõ ràng. Đau có thể xảy ra ở hầu hết các khu vực của cơ thể, mức độ đau có thể khác nhau ở mỗi khu vực.
Một số loại đau mạn tính phổ biến nhất bao gồm:
- Đau đầu
- Đau sau phẫu thuật
- Đau sau chấn thương
- Đau lưng dưới
- Đau ung thư
- Đau khớp
- Đau thần kinh – neurogenic pain (nguyên nhân bởi tổn thương thần kinh)
- Đau liên quan đến tâm thần – psychogenic pain (nguyên nhân gây đau không phải do bệnh, chấn thương hay tổn thương thần kinh)
Nguyên nhân gây đau mạn tính là gì?
Nguyên nhân của đau mạn tính thường xuất phát từ chấn thương ban đầu, như bong gân hoặc căng cơ. Người ta cho rằng đau mạn tính phát triển sau tổn thương của các dây thần kinh. Các tổn thương thần kinh làm cho cơn đau dữ dội và kéo dài hơn. Trong những trường hợp này, chỉ điều trị tổn thương cơ bản thì không thể giải quyết được cơn đau mạn tính.
Trong một số trường hợp, có những người bị đau mạn tính mà không có bất kỳ chấn thương ban đầu nào. Nguyên nhân chính xác của đau mạn tính không liên quan đến chấn thương vẫn chưa được hiểu rõ. Đau mạn tính đôi khi xuất phát từ các vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như:
- Hội chứng mệt mỏi mạn tính (Chronic fatigue syndrome – CFS): là một rối loạn suy nhược của cơ thể, được đặc trưng bởi tình trạng cực kì mệt mỏi và thường kèm theo đau.
- Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis): gây đau mạn tính khi các tế bào nội mạc tử cung xuất hiện và phát triển tại các khu vực khác ngoài tử cung.
- Hội chứng Fibromyalgia (hội chứng đau xơ cơ): đau chủ yếu ở xương và cơ
- Viêm ruột mạn tính (Inflammatory Bowel Disease – IBD): bao gồm nhiều triệu chứng, trong đó có viêm và đau mạn tính ở hệ tiêu hóa.
- Viêm bàng quang kẽ (Interstitial cystitis – IC): rối loạn mạn tính ở bàng quang, đặc trưng bởi đau và áp lực không thoải mái tại bàng quang
- Rối loạn khớp thái dương hàm (Temporomandibular joint – TMJ): gây đau hàm, đau nhức mặt, cứng khớp khó mở hoặc đóng miệng, cắn không đều…
- Đau âm hộ mạn tính (Vulvodynia): đau âm hộ mạn tính xảy ra mà không có nguyên nhân rõ ràng
Những ai có nguy cơ bị đau mạn tính?
Đau mạn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Ngoài tuổi tác, các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ bị đau mạn tính bao gồm:
- Chấn thương: những chấn thương nặng, nhiều vị trí có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện đau mạn tính sau đó.
- Phẫu thuật: một số loại phẫu thuật sẽ làm xuất hiện đau mạn tính sau khi đã ỏn định vết mổ.
- Giới tính: nữ giới thường bị đau nhiều hơn nam giới.
- Thừa cân hoặc béo phì.
Đau mạn tính được điều trị như thế nào?
Mục tiêu chính của điều trị là giảm đau và tăng khả năng vận động, giúp bạn duy trì các hoạt động hằng ngày mà không cảm thấy khó khăn.
Mức độ và tần suất đau mạn tính có thể khác nhau giữa các cá nhân. Vì vậy, bác sỹ sẽ xem xét tình trạng thực tế của bệnh nhân (triệu chứng đau, các vấn đề sức khỏe kèm theo) để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Can thiệp y tế, thay đổi lối sống hoặc kết hợp các phương pháp này có thể được sử dụng để giải quyết tình trạng đau mạn tính của bạn.
Thuốc
Có nhiều loại thuốc điều trị chứng đau mạn tính và bác sỹ sẽ cân nhắc cho bạn dùng. Mặc dù một số loại thuốc trong đó không cần kê đơn nhưng do tính chất các cơn đau mạn tính thường kéo dài nên bạn sẽ phải dùng thuốc trong một thời gian dài. Do vậy, cần hỏi ý kiến và tuân theo chỉ định của bác sỹ với bất cứ loại thuốc giảm đau nào bạn đang sử dụng.
- Thuốc giảm đau không kê đơn, bao gồm: Acetaminophen (Tylenol) hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như Aspirin (Bufferin) hoặc Ibuprofen (Advil).
- Thuốc giảm đau nhóm opioid, bao gồm: morphine (MS Contin), Codeine, và Hydrocodone (Tussigon)
- Thuốc giảm đau bổ sung, như các thuốc chống trầm cảm (antidepressants) và thuốc chống co giật (anticonvulsants)
Một số giải pháp y tế khác
- Sử dụng kích thích điện (electrical stimulation): giảm đau bằng cách dùng dòng điện nhẹ để kích thích vào các cơ của bạn.
- Ngăn chặn dẫn truyền thần kinh (nerve block): ngăn cản các tín hiệu đau được gửi đến não của bạn
- Châm cứu: đây được coi là một phương pháp của y học cổ truyền rất hiệu quả để giảm đau
- Mát xa: các liệu pháp mát xa được cho là có tác dụng ngay và kéo dài để làm giảm khó chịu do những cơn đau mạn tính đem lại.
- Vật lý trị liệu: với sự trợ giúp và hướng dẫn của các chuyên gia vật lý trị liệu, bạn có thể tự tập luyện hoặc được áp dụng các biện pháp thích hợp để giảm đau hiệu quả.
- Phẫu thuật: thường là cân nhắc cuối cùng để điều trị với những cơn đau nghiêm trọng, không thể can thiệp bằng các phương pháp điều trị khác.
Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống được khuyến nghị để mang lại hiệu quả điều trị giảm đau mạn tính tối ưu. Bạn nên cân nhắc để thực hiện một số cách sau đây:
- Thái cực quyền (Tai Chi)
- Yoga
- Thiền
- Nghệ thuật và âm nhạc trị liệu
- Sử dụng vật nuôi (chó, mèo, chim…) để trị liệu – Pet therapy
- Chữa bệnh bằng tâm lý – Psychotherapy
Điều bạn cần: thay đổi bản thân…
Hãy nhớ rằng: không có thuốc hoặc phương pháp tối ưu nào chữa khỏi hoàn toàn đau mạn tính, nhưng đau mạn tính có thể được quản lý hiệu quả. Điều quan trọng là tuân thủ chỉ định điều trị của bác sỹ cùng với duy trì các liệu pháp hỗ trợ.
Đau mạn tính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của bạn, làm tăng stress và căng thẳng. Vì vậy bạn cũng nên chủ động xây dựng cho mình các kĩ năng giúp bạn chống lại những stress gây ra bởi đau đớn. Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý:
Chăm sóc bản thân: Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ, hoạt động thể chất thường xuyên, chú trọng nhiều hơn đến cơ thể và hình thức của bạn, giúp cơ thể khỏe mạnh và giảm căng thẳng.
Hoạt động xã hội: Một cách tốt nhất để cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng là tham gia các hoạt động bạn thích và giao lưu nhiều hơn với bạn bè. Đau mạn tính có thể khiến bạn khó khăn hơn để tham gia đầy đủ được các hoạt động xã hội nhưng cô lập mình có thể khiến tình trạng của bạn tiêu cực hơn, và tăng sự nhạy cảm đối với đau đớn. Hãy chọn những hoạt động phù hợp và lắng nghe cơ thể bạn, nếu bạn không bị gia tăng các cơn đau, đừng ngần ngại tham gia nhé.
Tìm kiếm sự hỗ trợ: Bạn bè, gia đình luôn ở bên và hỗ trợ bạn trong những thời điểm khó khăn. Đừng ngại ngần chia sẻ cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ của những người thân yêu bên cạnh mình.
Ths.BS Trần Thu Nguyệt – Viện Y học Ứng dụng Y học Việt Nam