Ung thư là một bệnh lý mà có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta đều nghe qua ít nhất một lần. Hiện nay, việc chữa bệnh ung thư vẫn còn nhiều khó khăn do phát hiện muộn, mức độ di căn nhanh, diễn biến phức tạp, khó chữa trị dứt điểm và hầu như không có biểu hiện nào ở giai đoạn sớm. Hãy cùng tham khảo bài viết sau để biết được nguyên nhân ung thư, cũng như phương pháp điều trị bệnh thích hợp.
Tổng quan chung
Bệnh ung thư là gì?
Ung thư là căn bệnh xảy ra khi có tế bào không bình thường xuất hiện, sinh trưởng mất kiểm soát và hợp thành một khối u. Các tế bào ung thư dần dần sẽ phá hủy và xâm lấn các mô lành trong cơ thể, xuất phát từ các cơ quan lân cận cho đến toàn cơ thể.
Ngay nay, có hơn 200 bệnh ung thư được các nhà khoa học phát hiện, tên của bệnh sẽ được đặt theo bộ phận khởi phát khối u cũng như tính chất của bệnh. Chẳng hạn, ung thư có nguồn gốc từ phổi được gọi là ung thư phổi hoặc ung thư phổi nguyên phát, khi lây đến gan sẽ gọi là bệnh ung thư gan thứ phát.
Các bệnh lý ung thư thường xảy ra hiện nay gồm: ung thư gan, ung thư máu, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tụy, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư xương,.. Đa số các loại ung thư đều không có biểu hiện cụ thể trong giai đoạn sớm, nên chỉ có thể phát hiện khi có triệu chứng hoặc khám sức khỏe vô tình phát hiện.
Dấu hiệu bệnh ung thư tùy thuộc vào sự ảnh hưởng và cơ quan khởi phát của nó, khi các dấu hiệu thể hiện trên toàn thân thì khả năng cao khối u ung thư đã ảnh hưởng đến khắp cơ thể. Việc thực hiện chữa bệnh và triệt tiêu ung thư trong giai đoạn này gặp nhiều trở ngại dù các chuyên gia đã không ngừng tìm hiểu phương pháp trị liệu tối ưu.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư sẽ thay đổi tùy thuộc vào phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng cũng như giai đoạn phát triển của bệnh.
Về cơ bản, ở giai đoạn sớm, cơ thể sẽ khó nhận thấy những dấu hiệu khác biệt. Tuy nhiên, một số dấu hiệu và triệu chứng chung liên quan nhưng không đặc hiệu với ung thư có thể kể đến bao gồm:
- Mệt mỏi
- Thay đổi cân nặng bất thường, bao gồm giảm hoặc tăng ngoài ý muốn.
- Thay đổi da, như vàng, sạm hoặc đỏ da, vết loét không lành hoặc thay đổi nốt ruồi hiện có
- Ho dai dẳng hoặc khó thở
- Khó nuốt, khàn tiếng
- Khó tiêu dai dẳng hoặc khó chịu sau khi ăn
- Đau cơ hoặc đau khớp dai dẳng
- Chảy máu không rõ nguyên nhân hoặc bầm tím
Ngoài ra, triệu chứng ung thư còn tùy thuộc vào loại ung thư cụ thể, chẳng hạn như:
Đối với bệnh nhân ung thư phổi sẽ có các triệu chứng như:
- Ho kéo dài
- Ho ra máu
- Khó thở dai dẳng
- Khó nuốt, khàn tiếng.
Trọng ung thư vú, bệnh nhân có thể:
- Tự sờ thấy khối u vú
- Chảy dịch núm vú bất thường.
Trong ung thư cổ tử cung, bệnh nhân có thể có biểu hiện ra máu âm đạo bất thường.
Trong ung thư đường tiêu hóa (ung thư bàng quang, ung thư dạ dày,…), các triệu chứng có thể bao gồm:
- Những thay đổi trong thói quen về ruột hoặc bàng quang (như đi cầu hay đi tiểu)
- Khó tiêu hoặc khó chịu dai dẳng sau khi ăn.
Các dấu hiệu ung thư da có thể bao gồm:
- Vàng, sạm hoặc đỏ da
- Lở loét không lành hoặc thay đổi các nốt ruồi hiện có
- Chảy máu hoặc bầm tím không rõ nguyên nhân.
Các triệu chứng ung thư xương có thể bao gồm: đau cơ hoặc đau khớp dai dẳng, không rõ nguyên nhân.
Nguyên nhân
Đó có thể là do những thay đổi (đột biến) ADN trong các tế bào gây ra, bao gồm một số lượng lớn các gen riêng biệt. Mỗi gen chứa hệ thống điều khiển tế bào thực hiện chức năng nào đó, cũng như điều hòa sự phát triển và phân chia tế bào. Những đột biến trong ADN làm cho tế bào không còn chức năng bình thường và có thể biến một tế bào bình thường trở thành tế bào ung thư. Có nhiều lý do gây ra đột biến gen và thường chia thành hai nguyên nhân ung thư chính, bao gồm:
- Yếu tố bên trong: Bạn được thừa hưởng đột biến di truyền từ bố mẹ. Loại đột biến này chiếm một tỷ lệ nhỏ gây ra bệnh ung thư;
- Yếu tố bên ngoài: Hầu hết các đột biến gen xảy ra do các yếu tố bên ngoài. Một số tác nhân có thể gây đột biến gen chẳng hạn như hút thuốc lá, chất phóng xạ, virus, hóa chất gây ung thư (chất gây ung thư), béo phì, viêm mạn tính và chế độ sinh hoạt kém lành mạnh.
Kết quả là gen đột biến thúc đẩy tế bào khỏe mạnh tăng trưởng và phân chia nhanh chóng, không kiểm soát được và dẫn đến có thêm nhiều các tế bào mới đều mang đột biến tương tự. Các tế bào bình thường có cơ chế biết khi nào phải ngừng phát triển để có số lượng vừa phải trong cơ thể. Tuy nhiên, tế bào ung thư không còn cơ chế kiểm soát này (các gen ức chế khối u). Đột biến ở gen ức chế khối u cho phép tế bào ung thư tiếp tục phát triển và tích lũy. Nghiêm trọng hơn, đột biến ở gen có chức năng sửa chữa ADN sẽ làm cho những sai sót ở bộ gen không được sửa chữa, khiến cho tế bào trở thành tế bào ung thư.
Yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, chẳng hạn như:
- Tuổi tác: Ung thư có thể mất hàng thập kỷ để phát triển, đó là lý do tại sao hầu hết mọi người được chẩn đoán mắc bệnh khi đã 65 tuổi hoặc lớn hơn. Tuy nhiên, ung thư không phải là bệnh chỉ gặp ở người lớn tuổi, bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
- Thói quen xấu: Hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia, tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, bị béo phì và quan hệ tình dục không an toàn, có thể góp phần dẫn đến ung thư.
- Tiền sử gia đình: Mặc dù chỉ một phần nhỏ bệnh ung thư là do di truyền, bạn cũng nên làm một vài xét nghiệm về di truyền để phòng ngừa một số loại ung thư (như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư buồng trứng). Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng có đột biến gen di truyền không có nghĩa là mình sẽ bị bệnh ung thư.
- Các tình trạng sức khỏe khác: Một số bệnh mạn tính như viêm loét đại tràng có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư;
- Môi trường sống: Hóa chất độc hại như amiăng và benzen trong nhà hoặc nơi làm việc có thể là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thậm chí nếu không hút thuốc, bạn có thể hít phải khói thuốc lá nếu đứng gần hoặc tiếp xúc với người hút thuốc lá.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán ung thư thường dựa trên thăm khám thực thể, khai thác bệnh sử cá nhân và tiền sử gia đình. Sau đó, các xét nghiệm chẩn đoán có thể được chỉ định. Các xét nghiệm bao gồm:
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Kỹ thuật này nhằm đánh giá kích thước, vị trí của khối u, mức độ xâm lấn các cơ quan lân cận, cũng như để phát hiện sự lan rộng của bệnh đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này để đánh giá các tổn thương trong não, tủy sống hoặc mô mềm nếu nghi ngờ ung thư đã lan tới.
- Chụp PET-CT: Kỹ thuật này được áp dụng để đánh giá hoạt động của các tế bào ung thư trong cơ thể bằng cách sử dụng một chất phóng xạ. Các tế bào ung thư sẽ hấp thu nhiều chất phóng xạ hơn các tế bào bình thường và sáng hơn trên hình ảnh PET-CT.
- Sinh thiết kim nhỏ (FNA = Fine Needle Aspiration): Bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút tế bào từ khối u hoặc hạch bạch huyết bằng kim nhỏ qua da dưới hướng dẫn siêu âm hoặc CT.
- Sinh thiết mẫu mô: Kỹ thuật này giúp đánh giá đặc điểm tế bào ung thư. Mẫu mô có thể được lấy từ khối u, qua nội soi hoặc phẫu thuật. Sinh thiết tổn thương nghi ngờ có thể được tiến hành để xác nhận hay loại trừ khả năng di căn xa.
- Xét nghiệm máu: Phương pháp này nhằm kiểm tra chức năng gan, thận, huyết học và các chất chỉ điểm ung thư.
- Xét nghiệm các đột biến gen: Phân tích các đột biến gen hoặc các protein bất thường trên tế bào ung thư từ đó giúp định hướng điều trị và đánh giá tiên lượng.
Phòng ngừa bệnh
Thông thường, không có phương pháp nào để ngăn ngừa tuyệt đối nguy cơ mắc ung thư. Nhưng các bác sĩ đã xác định một số cách để giảm nguy cơ ung thư chẳng hạn như:
- Bỏ thuốc lá. Hút thuốc dù chủ động hay thụ động đều có liên quan đến một số loại ung thư – không chỉ ung thư phổi. Không chỉ bạn mà những người thân xung quanh cần dừng hút thuốc sẽ làm giảm nguy cơ ung thư trong tương lai.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều. Tia cực tím có hại (UV) từ mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư da. Sử dụng quần áo bảo hộ hoặc bôi kem chống nắng nếu bạn phải ra ngoài.
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Chọn chế độ ăn nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và protein giúp tăng cường sức khỏe cho bạn.
- Tập thể dục thường xuyên giúp giảm nguy cơ ung thư thấp
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nguyên nhân thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Do vậy, để bạn đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh nên thông qua sự kết hợp của chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
- Khám sàng lọc ung thư. Liên hệ với bác sĩ của bạn về các loại kiểm tra sàng lọc ung thư là tốt dựa trên các yếu tố nguy cơ ung thư trong cuộc sống hằng ngày..
- Tiêm chủng. Chích ngừa có thể giúp ngăn ngừa một số loại virus gây ung thư.
Điều trị như thế nào?
Dựa vào loại bệnh ung thư, kết quả chẩn đoán, mức độ và giai đoạn phát bệnh cùng với tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh,… mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Cụ thể các biện pháp chữa bệnh ung thư phổ biến gồm:
- Phẫu thuật
- Hóa trị
- Xạ trị
- Liệu pháp miễn dịch
- Cấy ghép tế bào gốc
- Liệu pháp hormone
- Điều trị bằng thuốc
Như vậy, việc nắm rõ nguyên nhân ung thư sẽ giúp bạn phòng ngừa và chữa bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, phát hiện bệnh sớm là điều cần thiết để giúp quá trình chữa bệnh đạt hiệu quả cao. Nhất là phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp và giữ tinh thần luôn vui tươi.